TÔI KHÔNG LÀM TAY SAI CHO AI CẢ
-
Tuyết
- Orhan Pamuk
- 4968 chữ
- 2020-05-09 02:57:48
Số từ: 4957
Người dịch: Lê Quang
NXB: Văn học
Nguồn: Sưu tầm
Ka và Lam trong buồng giam
Hình ảnh Kadife và Ipek ôm nhau mãi không rời khỏi đầu óc Ka. Ông lên chiếc xe quân sự, ngồi cạnh tài xế. Khi xe dừng trước đèn hiệu giao thông duy nhất ở Kars, tại góc phố Atatürk cắt phố Halit Paşa, Ka nhìn từ ghế cao vào các căn hộ tầng trên của ngôi nhà Armenia cổ như một kẻ chuvên đi nhìn lén vào nhà người khác. Cánh cửa sổ không quét sơn được mở ra thông khí, và tấm rèm phất phơ nhè nhẹ trong gió để lộ ra một khe hở, và Ka mường tượng bên trong đang diễn ra một cuộc họp chính trị bí mật. Khi một bàn tay phụ nữ trắng trẻo hấp tấp kéo rèm và đóng cửa sổ lại thì Ka đã tưởng tượng được rõ ràng chuyện gì đang xảy ra trong căn phòng sáng đèn: hai nhân vật chỉ huy có kinh nghiệm của phe dân tộc chủ nghĩa Kurd ở Kars đang giảng giải cho một cậu học nghề ở quán trà có anh trai bị bắn chết hôm qua trong một cuộc bố ráp. Cậu bé ngồi cạnh lò sưởi và toát mồ hôi như tắm, người quấn đầy băng gạc "Gazo", đang được cố thuyết phục rằng rất dễ dàng đi qua một cửa ngách lọt vào Sở cảnh sát rồi cho quả bom ôm trong người phát nổ.
Trái với Ka nghĩ, chiếc xe quân sự không rẽ về phía Sở cảnh sát ấy và cũng không đi về phía trụ sở trang trọng của Bộ an ninh quốc gia xây từ những năm đầu của nền cộng hòa. Nó đi hết phố Atatürk, rẽ vào phố Faikbey rồi đi tiếp tới Bộ chỉ huy quân sự nằm chính giữa trung tâm. Miếng đất rộng này hồi thập kỷ sáu mươi định dùng làm công viên sau vụ đảo chính năm 1971 được xây tường vây quanh và biến thành khu trại lính, với đám trẻ con buồn chán đi xe đạp giữa các cây dương mảnh khảnh trước dãy nhà công vụ, nhà mới của Bộ chỉ huy và thao trường.
Nhờ vậy mà ngôi nhà mà Pushkin từng ở khi đến Kars cũng như dãy chuồng ngựa mà bốn chục năm sau Sa hoàng ra lệnh xây cho đoàn kỳ binh Cô-dắc không bị phá đi, như tờ báo Đất nước tự do thân quân đội thuật lại.
Buồng giam Lam ở ngay cạnh dãy chuồng ngựa lịch sử ấy.
Ka xuống xe trước một ngôi nhà đá cổ xinh đẹp, một cây trúc đào cổ thụ rủ những cành nặng trĩu tuyết sà xuống mái. Vào trong nhà, hai người đàn ông lịch sự mà Ka đoán chính xác là người của Bộ an ninh quốc gia lấy băng gạc buộc vào người ông một máy nghe lén khá lạc hậu so với thời kỳ những năm chín mươi. Vừa chỉ cho ông nút bật máy họ vừa dậy ông hãy làm ra vẻ thương xót tình cảnh của tù nhân trong buồng giam và muốn giúp đỡ anh ta - trong giọng họ không pha chút chế giễu. Đồng thời ông phải thuyết phục anh ta thú nhận các tội ác đã phạm phải và tổ chức để thu vào băng. Ka không dám tin rằng hai người đàn ông này không rõ tại sao ông đến đây.
Trong ngôi nhà đá nhỏ được dùng làm Bộ chỉ huy kỳ binh thời Sa hoàng có cầu thang đá lạnh ngắt nối xuống tầng hầm.Dưới đó có một buồng giam khá lớn, không cửa sổ, ngày xưa dùng để giam lính phạm kỷ luật. Dạo đầu thời kỳ cộng hòa buồng này thỉnh thoáng làm kho, hồi thập kỷ năm mươi làm hầm tránh bom kiểu mẫu cho trường hợp có chiến tranh nguyên tử. Ka thấy nó sạch sẽ và dễ chịu hơn mong đợi.
Buồng giam đủ ấm nhờ một chiếc lò sưởi điện hiệu Arçelik do Muhtar, đại lý khu vực, tặng cho khu trại lính để giữ quan hệ tốt. Nhưng Lam lúc này đang nằm trên giường vẫn kéo chiếc chăn lính sạch sẽ đắp kín người. Lúc Ka bước vào anh ta nhổm dậy, xỏ chân vào đôi giày đã bị tháo dây, lắc tay ông rất khách sáo nhưng vẫn mỉm cười và chỉ tay ra chiếc bàn formica kê cạnh tường với điệu bộ dứt khoát của một người sẵn sàng đàm phán.
Họ ngồi xuống hai chiếc ghế kê đầu bàn. Khi nhìn thấy một chiếc gạt tàn bằng thiếc đầy ắp đầu mẩu thuốc lá. Ka rút bao Marlboro ra đưa cho Lam và nói ông có cảm tưởng Lam được đối xử tốt.Lam đáp, anh không bị tra tấn, rồi châm lửa trước cho Ka rồi mới cho mình. "Lần này ông làm gián điệp cho ai vậy?" anh mỉm cười thân mật.
"Tôi đã bỏ công tác gián điệp rồi," Ka nói. "Bây giờ tôi làm môi giới."
"Còn tệ hơn. Gián điệp chuyển đủ loại tin tức lấy tiền, đa số những tin ấy chẳng có giá trị gì cả. Còn người môi giới thì ngược lại chuyên tọc mạch thọc mũi vào những chuyện quan trọng và cứ làm ra vẻ trung lập. Lần này ông được lợi lộc gì?"
"Tôi được rời khỏi thành phố thảm hại này một cách an toàn."
"Lời báo đảm này cho một người vô thần từ phương Tây đến đây làm gián điệp chắc chỉ có thể của Sunay."
Ka nghe câu ấy và đoán rằng Lam đã đọc số mới nhất của Thành phốbiên giới. Ông căm ghét nụ cười đểu cáng của Lam. Tên đồ đệ hung hăng của luật Sharia này sao lại có thể yên bình và vui vẻ như vậy khi đã rơi vào tay nhà nước Thổ không biết thương hại là gì - như hắn đã kêu ca trước đó - và nhất là khi đã bị truy tố vì hai vụ giết người? Ngoài ra thì Ka hiểu tại sao Kadife say mê hắn ta như vậy, ông thấy Lam đẹp trai chưa từng thấy.
"Ông môi giới chuyện gì?"
"Chuyện thả anh." Ka nói và bình tĩnh tóm tắt lại đề nghị của Sunay. Để chừa chỗ thương thảo, ông không hề nhắc đến khả năng Kadife có thể đội tóc giả khi bỏ khăn ra, cũng không nói đến những kỹ xảo có thể áp dụng trong khi truyền hình trực tiếp. Khi kể về mức độ nghiêm trọng của tình hình và sức ép của những phe cứng rắn lên Sunay đòi treo cổ Lam ngay khi có dịp, ông cảm thấy một niềm vui thầm kín, và thấy có lỗi vì điều đó, ông vội bổ sung thêm, Sunay là thằng điên nhất hạng và mọi sự sẽ yên ổn trở lại khi tuyết tan hết và đường lại thông. Sau này ông tự hỏi, liệu mình có nói những lời đó để làm vừa lòng bên Bộ an ninh quốc gia.
"Nghĩa là rõ ràng phương tiện duy nhất có thể cứu tôi là chứng điên của Sunay," Lam nói.
"Đúng."
"Vậy hãy nói với ông ta là tôi từ chối đề nghị của ông ta.Cảm ơn ông đã bỏ công sức tới đây."
Ka thoáng nghĩ là Lam sẽ đứng dậy bắt tay ông và tiễn ông ra cửa. Họ im lặng.
Lam nhẹ nhõm đu đưa trên hai chân ghế sau. "Nếu ông không ra khỏi thành phố thảm hại này một cách an toàn được vì môi giới không thành thì không phải lỗi tại tôi, mà vì ông đã tự đánh giá mình quá cao và ba hoa khoe chuyện vô thần của ông.Ở đất nước này người ta chỉ có thể tự hào là vô thần khi đã nắm chắc sự ủng hộ của quân đội thôi."
"Tôi không phải loại người tự hào là vô thần."
"Thế là tốt."
Họ lại im lặng hút thuốc. Ka cảm thấy mình chẳng làm gì được nữa ngoài đứng dậy ra khỏi phòng. Ông cố đấm ăn xôi hỏi Lam: "Anh không sợ chết?"
"Nếu đó là lời dọa thì: không! Nếu là câu hỏi vì quan tâm thân mật thì: có, tôi có sợ! Nhưng bọn đàn áp này sẽ treo cổ tôi lên bất kể tôi làm gì. Giờ thì hết cách rồi."
Lam mỉm cười thân mật đến nỗi khiến Ka lúng túng. Ánh mắt anh nói: xem kìa, tình cảnh tôi tệ hơn tình cảnh ông nhiều, mặc dù vậy tôi vẫn bình tĩnh hơn ông nhiều! Ka nhục nhã nhận ra rằng sự chộn rộn và lo lắng của ông liên quan đến hy vọng tìm được hạnh phúc như viên kẹo ngọt ngào trong mình, từ khi ông say mê Ipek. Lam không có hy vọng nào như thế sao? ông tự nhủ:mi sẽ đếm đến chín, rồi đi - một, hai... Đếm đến năm thì ông nhất quyết là mình sẽ không đem nổi Ipek sang Đức nếu như không thuyết phục nổi Lam.
Như có người mách bảo, ông bắt đầu tuôn ra đủ thứ chuyện trên đời, nhắc đến một người môi giới thất bại hồi bé ông đã xem trong một phim Mỹ đen trắng, nói chuyện bản tuyên bố viết ở khách sạn Châu Á có cơ may được in ở Đức (sau khi biên tập lại cẩn thận), chuyện con người đôi khi vì ngoan cố và đam mê nhất thời mà quyết định sai và sau này phải hối hận, ví dụ như ông hồi ở cấp ba vì một cơn bực mình mà rời bỏ đội bóng rổ và không trở lại, hôm ấy ông ra eo biển Bosporus và nhìn lâu, rất lâu xuống mặt nước, ông kể mình yêu Istanbul đến chừng nào, vịnh Bebek bên bờ Bosporus vào buổi tối mùa xuân đẹp ra sao, và còn nhiều chuyện khác nữa. Ông cố gắng không nản chí và câm miệng trước ánh mắt lạnh lẽo của Lam nhìn mình, và cuộc chuyện trò ấy giống như lần bàn thảo cuối cùng trước giờ hành hình.
"Ngay cả khi chúng tôi đáp ứng đủ các đòi hỏi oái oăm nhất mà bọn họ đặt ra thì họ vẫn nuốt lời thôi," Lam nói. Anh chỉ vào tập giấy và cây bút trên bàn. "Họ muốn tôi ghi lại toàn bộ chuyện đời mình, mọi tội ác của mình, tất cả những gì tôi muốn phát biểu.Nếu họ nhận ra trong đó thiện chí của tôi thì có thể tôi được ân xá như một tội nhân ăn năn. Tôi luôn thương hại những kẻ ngu xuẩn đã tin vào lời nói dối ấy, ly khai sứ mạng của mình trong những ngày cuối cùng và phản lại cả cuộc đời mình. Nhưng nếu tôi chết thì hậu thế cũng nên biết một, hai sự thật về tôi."
Trên bàn có vài tờ đã viết, Lam cầm một tờ lên. Vẻ mặt anh bây giờ lại nghiêm trang như buổi tối đưa ra tuyên bố trên báo Đức: Tôi muốn tuyên bố rõ cho tới ngày 20 tháng Hai này, ngày tôi bị hành quyết, tôi không hối hận chút gì trong những việc mà tôi đã làm từ xưa đến nay, một phần trong hoạt động chính trị của tôi. Tôi là con trai thứ hai của bố tôi, thư ký ở Sở tài chính Istanbul cho đến khi về hưu. Tuổi nhỏ và thời thanh niên của tôi diễn ra trong thế giới giản dị và lặng lẽ của người cha là thành viên bí mật của bí thất dòng Cerrahi. Hồi trẻ tôi chống lại bố và theo phái tả, khi học đại học tôi đi theo những sinh viên vũ trang và ném đá vào thủy thủ từ các tàu chiến Mỹ lên bờ. Cũng dạo đó tôi kết hôn, rồi ly hôn, và tôi đã sống qua cơn khủng hoảng đó. Nhiều năm trời tôi sống lặng lẽ, không ai để ý, làm một kỹ sư điện. Vì căm thù phương Tây nên tôi kính trọng cuộc cách mạng ở Iran. Tôi trở về với đạo Hồi. Tôi tin vào giáo chủ Khomeini. người đã nói rằng hôm nay cần bảo vệ đạo Hồi hơn cầu nguyện và ăn kiêng.Tôi lấy cảm hứng từ các bài viết của Frantz Fanon về bạo lực, về những chuyến hành hương của Sayyid Kutub để phản đối áp bức, và từ Ali Shariati. Sau vụ đảo chính quân sự tôi xin tị nạn ở Đức, rồi lại quay về. Tôi hơi khập khiễng chân phải vì một vết thương trong cuộc chiến đấu bên cạnh người Chechnya chống quân Nga ở Grosny. Trong khi quân Serbia bao vây Sarajevo tôi đã đến đó; cô Merzuka người Bosnia mà tôi thành hôn ở đó đã theo tôi về Istanbul. Vì không bao giờ ở thành phố nào quá hai tuần, bởi phải hoạt động chính trị và tin vào triết lý hành hương của Đấng tiên tri, cuối cùng tôi cũng chia tay với vợ thứ hai. Sau khi cắt quan hệ với các nhóm Hồi giáo đã đưa tôi đến Chechnya và Bosnia, tôi đi khắp Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù tin rằng nếu cần thiết thì phải giết hết mọi kẻ thù của đạo Hồi cho đến nay tôi chưa bao giờ giết ai hay sai giết ai. Cựu thị trưởng Kars bị sát hại bởi một tay xà ích người Kurd loạn óc, quá căm giận vì ông ta định cấm xe ngựa trong thành phố. Tôi đến Kars vì các thiếu nữ tự sát. Tự sát là tội lớn nhất trong mọi tội. Sau khi tôi chết, các bài thơ của tôi sẽ nhắc người ta về tôi, tôi muốn những bài ấy được xuất bản. Merzuka giữ tất cả. Chấm hết." Anh ngừng lời.
"Anh không việc gì phải chết," một lúc sau Ka lên tiếng. "Vì lý do ấy mà tôi tới đây."
"Vậy thì tôi kể cho ông nghe một chuyện khác," Lam nói.Tin chắc rằng Ka chăm chú lắng nghe, anh châm một điếu mới.Liệu anh có biết rõ là Ka mang bên ngực một chiếc máy nghe lén đang âm thầm làm việc như một bà nội trợ mẫn cán?
"Ở Munich có một rạp phim, sau nửa đêm thứ Bảy chuyên chiếu suất đúp giảm giá; tôi thường đến đó," Lam nói. "Có một người Ý ngày xưa đã làm phim Trận đánh Algier về người Pháp đàn áp dã man người Algeria ra sao. Ở rạp này người ta đã chiếu bộ phim cuối cùng của ông, nhan đề Cháy!. Phim này nói về các mưu đồ của thực dân Anh trên một đảo Caribe trồng mía và một cuộc nổi dậy do họ châm ngòi. Trước tiên họ chọn ra một thủ lĩnh da đen để tổ chức khởi nghĩa chống lại người Bồ Đào Nha, sau đó họ tràn ra khắp đảo và nắm quyền kiểm soát. Sau khi cuộc khởi nghĩa đầu tiên thất bại, người da đen lại vùng dậy lần nữa, bây giờ họ chống lại người Anh, song họ lại thua khi người Anh đất trụi hòn đảo. Người thủ lĩnh của cả hai cuộc khởi nghĩa bị bắt và sắp bị treo cổ. Marlon Brando là người ban đầu đã chọn ra viên thủ lĩnh, kích động khởi nghĩa và giật dây mọi trò chừng ấy năm trời cũng như cuối cùng đã đập tan cuộc vùng dậy thứ hai theo ý người Anh. Đúng lúc đó thì Marlon đột nhập vào lều, nơi viên thủ lĩnh bị giam,. cắt đứt dây trói và thả ông ta ra."
"Tại sao?"
Lam nhăn mặt."Tại sao à? Để ông ta không bị treo cổ!Marlon biết rõ, khi một người da đen bị treo cổ thì người đó sẽ thành huyền thoại và dân bản xứ sẽ lấy tên anh ta làm khẩu hiệu phản kháng thêm nhiều năm sau. Nhưng người thủ lĩnh da đen biết Marlon cắt dây trói vì lý do ấy nên từ chối tự do và không chạy trốn.
"Anh ta có bị treo cổ không?" Ka hỏi.
"Có, nhưng cảnh hành quyết không chiếu," Lam nói. "Thay vào đó là cảnh tên tay sai Marlon Brando bị một người bản xứ đâm chết khi đang định rời đảo. Hắn cũng định cám dỗ người da đen kia bằng tự do, hệt như ông đang làm với tôi đây."
"Tôi không làm tay sai," Ka nói, không giấu nổi cảm giác bị chạm nọc.
"Ông đừng phật lòng vì khái niệm 'tay sai'. Nói cho cùng thì tôi là tay sai của Hồi giáo chính trị!"
"Tôi không làm tay sai cho ai cả," Ka nói, lần này không hối tiếc sự nhạy cảm của mình.
"Thế có nghĩa là bọn họ không cho một loại thuốc đặc biệt nào vào thuốc lá để tôi bị ngộ độc, để tinh thần tôi bị dao động hay sao? Cái tốt nhất mà người Mỹ đem đến cho thế giới là Marlboro đỏ. Nếu có thể thì tôi muốn được hút Marlboro cho đến khi chết."
"Nếu anh biết điều thì anh sẽ còn được hút Marlboro bốn chục năm nữa !"
"Đó là ý tôi khi nói ra chữ 'tay sai'."Lam nói. "Một trong những nhiệm vụ chính của tay sai là quăng mồi nhử sự biết điều của mọi người."
"Tôi chỉ định nói cho anh rõ mức độ biết điều khi để bọn phát xít điên loạn với bàn tay đẫm máu giết mình. Ngoài ra, tên anh cũng chẳng thành khẩu hiệu phản kháng cho bất cứ ai cả đâu.Người ở đây hiền lành như những con chiên và tận hiến cho tôn giáo của mình, nhưng rốt cuộc họ sẽ không tuân lệnh tôn giáo mà chỉ làm những gì nhà nước ra lệnh thôi. Tất cả những kẻ kích động khởi nghĩa, những người vùng dậy bảo vệ tôn giáo của mình bị nguy khốn, những phần tử vũ trang được huấn luyện bên Iran - bọn họ sẽ không để lại được lấy một nấm mồ, ngay cả khi tên tuổi họ để lại chút tiếng vang như Said Nursi. Ở đất nước này, xác những lãnh tụ tôn giáo có thể tạo ra khẩu hiệu phản kháng được vứt lên phi cơ và ném xuống nơi nào đó ngoài biển. Anh cũng biết rõ mà.Những nấm mồ ở Batman sau khi thành đích hành hương của đồ đệ Hezbollah đã bị san thành bình địa sau một đêm. Bây giờ tìm chúng ở đâu?"
"Trong trái tim nhân dân"
"Toàn lời rỗng tuếch, chỉ hai mươi phần trăm dân xứ này bầu Hồi giáo chính trị, lại còn dưới dạng một đảng ôn hòa!"
"Nếu đảng ấy ôn hòa thì ông hãy giải thích cho tôi, tại sao họ sợ và gây đảo chính quân sự! Việc môi giới trung lập của ông cũng chỉ đến đây là điểm dừng."
"Tôi đúng là người môi giới trung lập!" Ka bất giác cao giọng.
"Không phải, ông là gián điệp phương Tây. Ông là nô lệ của bọn châu Âu không chấp nhận được thả tự do, và như những nô lệ chính cống, ông còn không biết mình là nô lệ nữa. Vì ở Nişantaşi ông đã hơi Âu hóa và học được cách khinh rẻ tôn giáo và truyền thống dân mình nên ông cho mình là chủ nhân của dân tộc này.Theo quan điểm của ông thì ở đất nước này muốn làm người tốt và có đạo đức trong sạch không cần đến tôn giáo, Thượng đế và chia sẻ cuộc sống với nhân dân, mà cần học đòi phương Tây. Có thể ông phát biểu một vài câu chống áp bức đối với phe Hồi giáo chính trị và người Kurd nhưng trong thâm tâm ông ủng hộ đảo chính quân sự."
"Tôi có thể thu xếp cho anh chuyện này: Kadife đội tóc giả dưới khăn, không ai thấy tóc cô ta khi bỏ khăn ra cả."
"Các người sẽ không dụ được tôi uống rượu vang đâu!" Bây giờ Lam cũng cao giọng. "Tôi sẽ không thành người Âu và cũng không bắt chước họ. Tôi sẽ sống cuộc đời riêng của mình và là chính mình. Tôi tin tưởng rằng con người cũng có được hạnh phúc mà không cần bắt chước người Âu và biến thành nô lệ của họ. Có một chữ mà những kẻ hâm mộ phương Tây ưa dùng để hạ thấp nhân dân: muốn thành người Âu, trước tiên ta phải là một cá nhân; nhưng chúng bảo ở Thổ Nhĩ Kỳ không có cá nhân. Được, thế thì tôi coi việc mình bị hành quyết như thế đó. Tôi chống lại phương Tây với tư cách cá nhân. Vì là một cá nhân nên tôi khước từ việc bắt chước phương Tây."
"Sunay tin tưởng vào vở này đến mức tôi có thể thu xếp một chuyện khác nữa: Nhà hát nhân dân sẽ để trống, ống kính sẽ chiếu tay Kadife đưa lên khăn trùm, sau đó sẽ dùng kỹ xảo cắt ghép để chiếu mái tóc của một người khác."
"Thật đáng ngờ khi thấy ông vất vả ra sao để cứu tôi."
"Tôi rất hạnh phúc," Ka nói và thấy tội lỗi như một kẻ dối trá."Tôi chưa bao giờ hạnh phúc như vậy trong đời. Tôi muốn giữ gìn hạnh phúc ấy."
"Cái gì làm ông hạnh phúc?"
Ka không đưa câu trả lời mà sau này ông mới nghĩ ra là khôn ngoan hơn: vì tôi làm thơ, hay: vì tôi tin vào Thượng đế. Mà ông bật ra: "Vì tôi đang yêu. Người yêu tôi sẽ cùng đi Frankfurt."Ông vui mừng một thoáng vì đã thổ lộ được chuyện yêu đương trước một người ngoài cuộc.
"Người yêu ông là ai?"
"Ipek, chị của Kadife." Ka nhận ra Lam biến đổi sắc mặt. Lập tức ông hối tiếc đã buông lỏng mình trong niềm phấn khích.
Họ im lặng.
Lam lại châm điếu thuốc nữa. "Quả là một món quà của Thượng đế khi một người hạnh phúc đến mức muốn chia sẻ hạnh phúc ấy với một người khác sắp bị hành hình. Cứ cho là tôi chấp nhận các đề nghị mà ông đem lại để ông an toàn thoát khỏi thành phố này mà không bị phá vỡ mất hạnh phúc, và Kadife sẽ lên sân khấu với một phương thức thích hợp để không bị tổn hại đến danh dự của mình, và hạnh phúc của chị cô ấy vẫn được giữ gìn. Làm sao tôi biết được rằng bọn họ sẽ giữ lời và thả tự do cho tôi?"
"Tôi biết trước là anh sẽ hỏi câu đó," Ka kích động thốt lên. Ông giữ im lặng một hồi, đưa ngón tay lên môi và ra hiệu cho Lam hãy ngồi yên và chú ý, ông mở khuy áo khoác và bấm nút dừng máy ghi âm dưới áo len cho Lam thấy rõ. "Tôi bảo lãnh," ông nói. "Trước hết họ thả anh ra, Kadife lên sân khấu khi anh báo ra từ nơi ẩn nấp là anh đã tự do. Nhưng trước tiên anh phải viết một lá thư là anh đồng ý với thỏa thuận ấy và đưa tôi để tôi thuyết phục được Kadife." Tất cả các chi tiết ấy nảy ra trong óc ông khi nói. "Tôi sẽ đòi bằng được họ thả anh ra theo điều kiện của anh và ở nơi nào anh chọn," ông thì thào. "Anh hãy trốn ở một nơi không ai tìm ra được, cho đến khi đường thông trở lại. "Hãy tin vào tôi!"
Lam chìa cho ông một tờ giấy lấy trên bàn. "Ông viết rằng ông, Ka, là người môi giới và bảo lãnh, nếu Kadife bỏ khăn trùm đầu trên sân khấu mà không bị tổn hại danh dự thì bù lại tôi sẽ được thả tự do và rời khỏi Kars một cách an toàn. Có hình phạt nào cho người bảo lãnh, nếu ông không giữ lời hứa và tôi bị lừa?"
"Bất cứ chuyện gì xảy ra với anh thì cũng sẽ xảy ra với tôi," Ka nói.
"Viết như thế đi!"
Ka cũng chìa cho Lam một tờ giấy. "Còn anh hãy viết là anh đồng ý với thỏa thuận mà tôi đã miêu tả, và tôi báo cho Kadife biết thỏa thuận này, cũng như nhường cho Kadife quyết định tối hậu! Nếu Kadife đồng ý thì cô ấy ghi vào một tờ giấy và ký tên, sau đó anh được thả như anh yêu cầu, trước khi cô ấy bỏ khăn ra. Viết đi! Anh sẽ không bàn chuyện được thả ở đâu và như thế nào với tôi mà với một người khác anh tin tưởng hơn tôi. Tôi đề nghị Fazil, người anh em cắt máu ăn thề của Necip đã chết."
"Đó là thằng bé si mê Kadife và viết thư cho cô ấy thứ gì?"
"Đó là Necip, nó chết rồi. Nó là một người đặc biệt do Thượng đế cử đến," Ka nói. "Fazil cũng vậy, là một người tốt."
"Nếu ông nói thì tôi tin," Lam nói và bắt đầu viết vào tờ giấy đặt trước mặt.
Lam viết xong trước. Khi Ka viết xong tờ bảo lãnh, ông thấy ánh mắt Lam lại thoáng vẻ nhạo báng, nhưng ông không bận tâm, ông thấy hạnh phúc vô biên sau khi đã giải quyết được vấn đề này để được cùng Ipek rời khỏi thành phố. Họ lặng lẽ đổi cho nhau tờ giấy. Khi thấy Lam đút giấy vào túi mà không đọc, ông cũng làm theo rồi bật lại máy ghi âm để Lam cũng nhìn thấy.
Họ yên lặng hồi lâu. Ka nhớ lại những lời cuối cùng mình đã nói trước khi tắt máy. "Tôi biết trước là anh sẽ hỏi câu đó."Ông nói. "Nhưng nếu những người trong cuộc không tin nhau thì làm sao dẫn đến thỏa thuận được. Anh phải tin là nhà nước đã hứa với anh thì sẽ giữ lời."
Họ mỉm cười nhìn vào mắt nhau. Những năm về sau, mỗi khi nhớ lại giây phút ấy Ka lại hối tiếc rằng niềm hạnh phúc đã che mắt không cho ông thấy cơn thịnh nộ của Lam, và ông tin rằng mình sẽ không đặt câu hỏi tiếp theo nếu biết anh ta giận dữ đến nỗi nào: "Kadife sẽ làm đúng thỏa thuận này chứ?"
"Cô ấy sẽ làm đúng," Lam đáp với ánh mắt tóe lửa căm hờn.
Họ lại lặng yên.
"Sau khi đã ra một thỏa thuận khả dĩ cột tôi vào cuộc sống thì ông hãy kể cho tôi nghe về hạnh phúc lớn lao của mình đi," Lam nói.
"Cả đời tôi chưa từng yêu ai như thế," Ka nói. Ông thấy lời mình ấu trĩ và vụng dại, nhưng vẫn nói tiếp. "Và đối với tôi cũng không có khả năng nào khác trên đời để có hạnh phúc ngoài Ipek."
"Hạnh phúc là gì?"
"Là anh thấy một thế giới, nơi ta quên được mọi gian khổ và đày ải. Là ôm một người trong tay như ôm cả một thế giới..." Ka giải thích. Ông còn muốn nói nữa, nhưng Lam đứng phắt dậy.
Đó cũng là lúc trong Ka hiện lên bài thơ "Cờ".Ông thoáng nhìn qua Lam, rút cuốn vở trong túi ra viết vội vã. Trong khi ông viết những dòng thơ về hạnh phúc và quyền lực, thông thái và kỳ vọng thì Lam nhìn qua vai ông xem có chuyện gì. Ka cảm thấy ánh mắt của anh ta, và đưa vào bài thơ cả ánh mắt ấy. Ông hiểu là Lam không nhận ra điều đó, nhưng ông ước gì anh ta ít nhất cũng ngộ ra rằng tay ông chịu một lực khác từ trên cao thúc đẩy.Nhưng Lam ngồi ở mép giường và rít một điếu thuốc như một kẻ thực sự bị tuyên án tử hình.
Xong xuôi, Ka muốn thổ lộ lòng mình lần nữa, theo một linh tính bột phát mà sau này ông hay kiểm lại nhưng không sao hiểu nổi.
"Đã nhiều năm nay tôi không làm thơ," ông nói. "Bây giờ ở Kars mọi ngả đường đến với thơ đều rộng mở. Tôi tin điều đó gắn liền với tình yêu trước Thượng đế mà tôi nhận thấy trong mình khi tới đây."
"Tôi không muốn xúc phạm ông, nhưng tình yêu của ông trước Thượng đế xuất phát từ tiểu thuyết phương Tây," Lam trả lời."Nếu ở đây ông tin vào Thượng đế như một người Âu thì ông đã tự biến mình thành trò cười, ông không thuộc về xứ này, tựa như ông không phải là người Thổ nữa. Hãy cố trở thành như mọi người, lúc đó ông sẽ tin vào Allah."
Ka cảm thấy anh ta căm ghét mình. Ông lấy mấy tờ giấy trên bàn và gập lại. Ông nói là phải đến nói chuyện gấp với Kadife và Sunay rồi gõ cửa buồng. Khi cửa mở, ông quay lại nhìn Lam và hỏi có nhắn Kadife chuyện gì đặc biệt không.
Lam mỉm cười: "Chú ý chớ để ai giết ông!"