VII - Chương 4
-
6 Người Đi Khắp Thế Gian (Trọn bộ 2 tập)
- James Albert Michener
- 4441 chữ
- 2020-05-09 03:39:48
Số từ: 4425
Thể Loại: Tiểu Thuyết Hư Cấu
Người dịch: Nguyễn thị Bạch Tuyết
NXB Văn Học
Kể về Torremolinos, tôi hay dùng những câu như
Chúng tôi nói chuyện trong quán
hoặc
Có người nói với tôi ở quán Alamo,
nhưng những lời ấy thực ra phải được hiểu theo một cách đặc biệt, bởi vì giống như ở tất cả các quán khác ở Torremolinos, mỗi phút giây hoạt động của quán đều đầy ắp âm thanh hỗn tạp đinh tai nhức óc.
Mười một giờ sáng quán mở cửa, Joe lấy một chồng đĩa, và cho đến khi anh đóng cửa vào bốn giờ sáng hôm sau chúng cần mẫn quay, cái sau luôn tạo ấn tượng ầm ĩ hơn cái trước. Nếu tình cờ lọt vào máy một cái đĩa được ghi âm với cường độ âm thanh vừa phải thì thể nào cũng có người hét,
Vặn cái nút âm lượng chết tiệt ấy to lên.
Do đó chúng tôi phải nói chuyện át cả thác tiếng ồn Niagara này. Nó bất tận và bất biến, như thể lớp trẻ khắp thế giới đều sợ sẽ phải cô độc một mình với những suy nghĩ của bản thân. Dòng thác ấy bao gồm những gì? Lúc đầu tôi không sao tả nổi. Tôi đã được học nhạc cổ điển, đặc biệt yêu thích Beethoven và Stravinsky. Hai trong số những buổi hòa nhạc hay nhất mà tôi may mắn được dự là buổi biểu diễn của Toscanini ở Boston, tại đó ông chỉ huy dàn nhạc chơi bản Leonore Overture số 3, bản Số Năm và Số Chín, và cái đại nhạc hội thường được diễn đi diễn lại tại đoàn ba lê Moscow, trong đó họ múa Chim lửa, Thánh lễ mùa xuân và Petrouchka. Tôi thuộc phần lớn tác phẩm của Verdi và thường xuyên nghe các bản ghi âm Carmen và Faust đến nỗi hẳn có thể chỉ huy được dàn nhạc.
Tôi vốn yêu âm nhạc. Từ hồi trẻ, tôi đã thích những ca khúc nổi tiếng thời bấy giờ, dù không say mê khao khát như bạn như bè nhưng cũng đủ để nhớ được thành tựu chính của những người như Duke Ellington, Louis Armstrong và Jimmy Lunceford. Tôi không say mê các ca sĩ, nhưng lại thích Sarah Vaughn và Ella Fitzgerald. Trong số các nhà soạn nhạc thì Harold Arlen là người tôi mến chuộng nhất, nhưng tôi cũng thích một số sáng tác đặc sắc nhất của Rodgers và Hart. Vốn kiến thức của tôi đến vở Pal Joey là hết.
Tôi không có khả năng nghiên cứu hoặc hiểu sự bùng nổ của âm nhạc hậu chiến. Nó không làm tôi khó chịu - không thứ âm nhạc nào làm được điều đó - nhưng nó bắn tứ tung về những hướng mới mà tôi không buồn chạy theo. Một vài bài hát ít ỏi mà tôi còn nhớ từ thời kỳ ảm đạm và ồn ào ấy là
Nel Blu Dipinto del Blu
và
Rock around the Clock
. Bài thứ nhất cuốn hút tôi, đồng thời cuốn hút cả thế giới, vì tôi hiểu tác giả muốn nói gì; đó là tiếng kêu than chân thật và mới mẻ của một người bị trói buộc vào công việc mà ông ta không thích và phải sống cạnh những người làm ông ta chán ghét: đó thực sự là một cri de coeur[64]. Bài
Rock around the Clock
, tôi được nghe lần đầu tiên ở sân trượt băng dưới cửa sổ khách sạn tại Áo nơi tôi trọ; ông chủ sân băng có một chồng đĩa hát cao cả mét, nhưng hình như cứ hai lần thay đĩa thì lại đến lượt bản nhạc ồn ĩ và rộn ràng mà tôi không sao đoán nổi tên đó. Cuối cùng tôi đi xuống chỗ ông ta, nơi các nam nữ thanh niên Áo má đỏ hây hây đang quay vòng trên băng, và hỏi ông ta, ‘Khúc nhạc này tên gì vậy?
Rrrruck around ze Clllllock,
ông ta nói.
Câu trả lời chẳng giúp tôi bớt bối rối, vì vậy tôi hỏi liệu tôi có thể ngó qua đĩa hát ấy khi nào nó quay hết được không, ông ta liền đưa cho tôi xem với chút tự hào.
Mua tận London đấy,
ông nói.
Rất được ưa thích.
Không ngừng nện thình thình vào đầu tôi, giai điệu đó chính là khúc dạo đầu đến với rock-and-roll, và tôi đã tiên đoán,
Loại nhạc này không tồn tại lâu được đâu.
Vì thế, tôi chưa chuẩn bị tinh thần cho thứ âm nhạc nhấn chìm tôi trong quán Alamo này. Tôi chỉ nghe thấy tiếng ồn cưỡng bức người ta. Thỉnh thoảng, khi không bạn trẻ quen biết nào có mặt, tôi lại ngồi ngẩn ra cố giải mã nhạc điệu và những tiếng lầm bầm rền rĩ đó có nghĩa gì, nhưng lần nào tôi cũng chịu thua không sao hiểu nổi. Vào những lúc như thế, thật dễ chịu được thoát khỏi tiếng ồn ào và tản bộ xuống bãi biển làm một cốc bia ở khách sạn Brandenburger, nơi thường chơi những khúc dân ca Đức giàu cảm xúc. Thật dễ chịu được nghe nhạc có giai điệu và ca từ có ý nghĩa.
Thế rồi một hôm, khi tôi đang ngồi trong quán Alamo chờ Monica và Cato, rảnh rang và thanh thản, một điều thần diệu bỗng xuất hiện. Để giải thích được việc này, tôi phải kể tôi học tiếng Pháp như thế nào đã.
Khi thôi việc ở Minneapolis Mutual và chuyển sang World Mutual, tôi hiểu rõ là nếu muốn đảm trách ở Geneva thì phải học tiếng Pháp. May sao cho tôi, thời gian đó chính phủ Pháp đã tỉnh ngộ ra rằng tiếng Pháp không còn là ngôn ngữ trí tuệ hàng đầu của thế giới nữa mà đang bị thay thế bởi tiếng Anh, Đức, Nga, xếp theo đúng thứ tự đó. Vì thế, một chương trình cấp tốc được đề xướng tại đại học Besançon, nơi mà, như tôi từng nhận xét, người ta nói tiếng Pháp thuần túy, và tôi tới đúng vào dịp các nhà chuyên môn ấy quyết định chọn một phương pháp mới táo bạo và đang tìm người có tuổi để thử nghiệm.
Tôi được giới thiệu với bà Trenet, một người sôi nổi khoảng năm mươi lăm tuổi, tóc muối tiêu, vóc dáng nhỏ bé. Người trung gian nói tiếng Anh của tôi dặn,
Bà Trenet bảo đảm trong vòng hai tuần sẽ giúp ông nói được tiếng Pháp. Bà sẽ không nói một từ tiếng Anh nào với ông, nhưng bà nhờ tôi nói với ông điều này. Đây là vấn đề phá bỏ hàng rào âm thanh. Ông phải có lòng tin là một ngày kia các âm thanh sẽ đi vào trật tự - chúng sẽ không trở thành một mớ lộn xộn mà là tiếng Pháp. Tất cả những gì bà ấy làm đều nhắm tới giây phút huyền bí kia khi hàng rào âm thanh biến mất và bằng cách này hay cách khác, ông sẽ hiểu điều bà ấy nói.
Phương pháp này nghe có vẻ rất khó hiểu đối với tôi, nên tôi chỉ còn biết hy vọng ông ta và bà Trenet hiểu rõ họ đang làm gì. Chỉ trong mười phút đầu, tôi đã thấy ngay là bà hiểu rõ.
Bà bảo tôi ngồi xuống một chiếc ghế bành trong phòng khách sạn của tôi và đặt một cái đồng hồ trên bàn, giữa hai người. Sau đó, xin Chúa cứu giúp con, bà bắt đầu giảng bằng tiếng Pháp về sông ngòi ở Pháp. Bà không cho tôi một chút xíu manh mối nào bằng tiếng Anh ngõ hầu giải thích bà đang làm gì, nhưng với kịch tính hấp dẫn bậc nhất - joie de vivre[65], vẻ gay cấn hồi hộp và ngữ điệu, nét mặt và đôi tay liên tục kết hợp - người phụ nữ ấy đã cho tôi nghe cảm xúc của bà về những con sông lớn nổi tiếng ở Pháp và phong cảnh trên đường chảy của chúng.
Làm thế nào tôi hiểu được bà đang nói gì? Tôi nghe thấy các từ, Loire, Rhin, Rhône, Garonne và Seine. Tôi hoàn toàn không nắm bắt được bất cứ điều gì bà nói về bốn dòng sông sau, nhưng khi nói về sông Loire, bà dùng từ château[66] và trong lúc nhắc đến một số tòa nhà tráng lệ mà bà biết hồi còn là cô bé, vẻ mặt bà chợt trở nên mơ màng vì kỷ niệm, và sự rộng lớn của những gì bà từng nhìn thấy được truyền sang tôi, rồi chỉ trong tích tắc những từ tiếng Pháp mà tôi vốn không thể hiểu chuyển cho tôi một thông điệp cũng dễ hiểu và rõ ràng như một tít báo. Trong buổi học đầu tiên kéo dài sáu mươi phút ấy, tôi nghe được khoảng ba giây tiếng Pháp, nhưng là nghe với một xúc cảm mãnh liệt mà tôi còn nhớ cho đến tận hôm nay.
Ngày thứ hai, bà Trenet thuyết trình cho tôi nghe về điện ảnh Pháp: Fernandel, Raimu, Brigitte Bardot, René Clair. Đến giữa bài, khi tôi còn chưa hiểu gì thì bà tình cờ nhắc đến một cái tên mà tôi biết, Arletty, thế là tôi bất giác reo,
Oui, Les Enfants du Paradis.
Một nụ cười thích thú nở trên môi bà, rồi bà hỏi,
Vous connaissez?
[67] và tôi đáp,
Oui.
Vì theo ý tôi, Les Enfants du Paradis là bộ phim hay nhất từng được sản xuất, một tác phẩm dài sinh động tường thuật những gì diễn ra trong và xung quanh Les Funambules, một nhà hát tạp kỹ ở Paris thời cách mạng 1848. Nó đã đưa tên tuổi Jean-Louis Barrault đến với thế giới, và nhiều nhà phê bình yêu thích cảnh ông tháo gỡ được một vấn đề của cảnh sát thông qua điệu bộ. Tôi quen một nhà triết học ở New York, người đã phân chia thế giới ra làm hai phần, một phần đã xem phim Les Enfants còn một phần chưa; ông ta xếp loại nhóm trước theo nhân vật họ yêu thích nhất trong phim. Tôi đã để lộ điểm yếu của mình khi thú nhận là trong số các vai nổi bật, tôi cảm thấy gần gũi nhất với anh chàng ngớ ngẩn mà trái tim rực cháy ngọn lửa tình yêu dành cho Arletty, anh chàng đứng ngoài sân dưới cửa sổ phòng nàng bày tỏ mối tình si lãng mạn nên thơ trong khi một tay chơi đầu óc thực tế hơn - một kẻ đê tiện không còn nghi ngờ gì nữa - đã lẻn vào phòng ngủ của nàng và, không bị ai ở dưới sân nhìn thấy, sắp lôi nàng lên giường. Một trong các sếp của tôi, một người khắc khổ, sống trong sạch, nói với tôi rằng ông ta thấy mình giống như nhân vật Nam tước bị giết trong nhà tắm hơi Thổ Nhĩ Kỳ.
Dù thế nào chăng nữa thì trong ngày học tiếng Pháp thứ hai, bà Trenet và tôi cũng đã bàn luận được về Les Enfants du Paradis, và bà hưởng ứng bộ phim đáng chú ý này một cách hùng hồn và với vẻ hài lòng khiến tôi cũng phải chia sẻ những đánh giá cao mà bà dành cho nó, đến nỗi chúng tôi trao đổi mười lăm phút về đề tài đó. Bà không cho phép tôi phát biểu cảm tưởng bằng tiếng Anh, vì vậy tôi phải cố gắng xoay xở với
le premier film du monde en mon opinion
và
cette grande scene dans la nuit entre les trois amoureux.
[68] Những từ tiếng Pháp ấy ở đâu ra? Lời nhạc kịch, tôi nghĩ vậy.
Buổi dạy thứ ba của bà liên quan đến hội họa Pháp; buổi thứ tư, sự huy hoàng vĩ đại của sân khấu Pháp; thứ năm, chính sách đối ngoại của Pháp; và đến giữa buổi cuối cùng, khi bà đang nói về Bismarck và Thiers, điều thần diệu mà bà tìm kiếm xảy ra: bỗng nhiên những âm thanh ngẫu nhiên mà bà sử dụng trong suốt năm ngày qua bắt đầu ổn định vào trật tự và tôi tiếp nhận mỗi âm như một từ hay một phần của từ. Chắc hẳn một tia sáng nhận thức đã lóe lên trên mặt tôi, vì bà Trenet tạm dừng bài giảng về tính xảo trá của Bismarck và nói bằng tiếng Pháp,
Tốt, bây giờ chúng ta có thể bắt đầu học tiếng Pháp được rồi.
Bà đưa cho tôi một danh sách hai trăm từ ngắn - en, avec, de, sur,sous, mais - để tôi ghi nhớ, cùng một danh sách khác có khoảng tám mươi nhóm từ và câu gồm rất nhiều mẫu hội thoại thông thường; những mẫu ấy, tôi phải bắt đầu sử dụng ngay tức khắc và phải vận dụng vào mọi tình thế có thể cho dù có phải trình bày sai lệch những điều muốn nói. Cuối cùng, bà dạy tôi xoay xở chỉ với ba thời - hiện tại, tương lai và một thời quá khứ mà trong đó động từ vẫn giữ nguyên, chỉ có phân từ thay đổi - đến mức cho đến nay khi dùng tiếng Pháp, tôi không bao giờ nói I sau mà chỉ là I have seen: J'ai vu. J'ai acheté. J'aipensé.[69]
Mười sáu ngày sau cuộc gặp đầu tiên với bà Trenet, tôi đã phát biểu một bài ngắn bằng tiếng Pháp về mùa đông ở Minnesota cho một câu lạc bộ tại Geneva. Tôi nói không lưu loát lắm nhưng vẫn làm cho mọi người hiểu được, vậy là từ hôm đó tôi sử dụng tiếng Pháp không chính xác thì cũng tự tin.
Phương pháp giảng dạy của bà còn có một điểm đặc biệt nữa; cuối tuần thứ nhất, bà bảo tôi, bằng tiếng Pháp,
Đây là cuốn từ điển. Đừng dùng. Mà hãy ngồi viết ra một danh sách những từ quan trọng trong nghề nghiệp của ông... bằng tiếng Anh. Những điều ông thực sự muốn nói. Tìm từ tiếng Pháp tương đương và học thuộc lòng. Rồi bỏ từ điển đi. Vì chúng tôi nhận thấy, nếu ông đọc tiếng Pháp và đoán nghĩa từ thì sau cùng ông sẽ tiến bộ hơn một chút so với việc cứ gặp từ nào tra luôn từ đó. Và quan trọng hơn cả là ông sẽ thích thú hơn nếu nhớ được.
Vậy là, như đã kể, một hôm tôi ngồi giết thời gian ở quán Alamo, và trong lúc đang nửa nghe nửa điếc trước tiếng ồn kinh khủng phát ra từ máy quay đĩa thì thật khó hiểu, lần đầu tiên tôi chợt nghe ra được nhạc điệu và ca từ thực sự. Hàng rào âm thanh đã bị phá vỡ. Những gì lúc trước chỉ thuần túy là tiếng ồn, nay lại trở thành một chuỗi âm thanh riêng lẻ, mạnh mẽ và có ý nghĩa sâu sắc. Đó là một bài hát giống như
Nel Blu Dipinto del Blu
, một tiếng kêu từ trái tim, và ca từ cứ như do chính tôi nói ra, vì giọng khàn khàn của một người đàn ông sầu não đang rên rỉ:
Ai người bỏ quên chiếc bánh ngoài mưa gió...
Tôi yêu cầu Joe cho nghe lại đĩa đó, vì quán không đông khách lắm nên anh chiều lòng tôi ngay, thế là tôi bắt đầu tìm hiểu cuộc cách mạng vốn được âm nhạc bảo trợ trong lúc tôi còn để ý tới những việc khác.
Giờ đây đến quán không còn là cách tránh đám người Hy Lạp ưa trì hoãn - vẫn không sao gom đủ tiền để cứu những tòa nhà chọc trời của họ - mà là một cuộc phiêu lưu vào thế giới âm thanh. Tôi nghe đĩa, quan sát phản ứng của đám thanh niên, và bước vào một thế giới mạnh mẽ hơn thế giới của cần sa, có sức thuyết phục hơn thế giới của LSD[70].
Khi cuối cùng đã nghe được nhạc điệu, sự đa dạng của nó khiến tôi sững sờ: những gì trước kia tôi gọi chung là tiếng ồn lúc này phân tách thành âm thanh muôn màu muôn vẻ phong phú hơn hẳn những gì tôi biết hồi trẻ, và tôi bắt đầu lựa chọn ra từ mỗi loại những bài tôi cảm thấy có giá trị âm nhạc; với mỗi khám phá mới, tôi lại tiến gần hơn đến thế giới mà lớp trẻ xung quanh tôi đang sống. Âm nhạc vì vậy biến thành tấm giấy thông hành vào một miền đất lạ, và bây giờ mỗi khi nhìn lại những tháng ngày nhàn rỗi ở Torremolinos hồi ấy, tôi lại thấy hình như chúng là phần hữu ích nhất trong đời.
Tôi thấy thích nhất thứ nhạc khàn khàn bản năng của các nhóm tên kỳ cục như Thẩm Quyền Trung Chuyển Chicago, Hơi Nóng Đóng Hộp, Những Con Thú, và đặc biệt một nhóm tên là Kem. Tôi hiểu tiếng guitar bập bùng muốn nói điều gì, và mặc dù ca từ dường như không thành vấn đề, tôi đã học được cách thưởng thức trọn vẹn âm thanh và nhịp điệu rộn ràng.
Loại tiếp theo quá hay, xét theo bất cứ tiêu chuẩn nào, đến mức tôi lấy làm lạ là mình đã không phát hiện ra sớm hơn. Những ca khúc đó là lớp hậu sinh trực tiếp của những bài tôi thích từ hồi sinh viên, và nếu những người hoài nghi có hỏi,
Ngày nay lời bài hát đâu cả rồi?
thì hiển nhiên là họ chưa bao giờ được nghe tác phẩm hiện đại. Đặc biệt có một bài, nói về một nhóm nhạc sĩ trẻ ở California cố không mang công mắc nợ:
Phá sản, phẫn nộ/Quản lý thì không thể tin được...
Tôi không thấy người ta có cách nào đúc kết cô đọng hơn về lớp trẻ trong vỏn vẹn mấy từ ngữ. Tôi càng ngày càng tâm đắc với bài ấy - vì quán Alamo mở cửa mười bảy tiếng một ngày cho nên không thể tránh được là bài nào cũng sẽ được bật ít nhất sáu hay bảy lần, các bài ưa thích có khi lên đến hai mươi - và mỗi lần các hợp âm guitar sâu lắng, cuốn hút đó vang khắp quán, tôi lại ngong ngóng mong đợi những giọng trẻ trung hòa quyện vào nhau hát lên lời than thở của mình. Khi tôi hỏi Joe tên bài hát, anh đáp với vẻ chiếu cố,
Creeque Alley,
như thể ai cũng biết chuyện đó. Tôi nghĩ chắc anh lầm nên nhìn kỹ bao đĩa, thì kìa, bài Creeque Alley thật. Một số tên khác còn tệ hơn.
Trong nhóm ca khúc dễ hát này, tôi phát hiện những tác phẩm thú vị như
Up-Up and Away
,
Go Where You Wanna Go
,
Little Green Apples
và
Dedicated to the One I Love
nhưng nghe một thời gian, tôi nhận thấy mình thèm tiếng nện dồn dập chắc nịch trong các ca khúc hầu như không lời mà ban nhạc Kem và Những Con Thú trình bày. Tôi còn nhớ mình đã vui sướng như thế nào khi tìm được một bài kết hợp những gì hay nhất của cả hai phong cách, một đoạn guitar-organ vang như sấm với lời ca tuyệt vời,
The House of the Rising Sun,
song khi tôi bình luận về bài ấy, Joe lại bảo,
Đây là một bài cổ lỗ sĩ của New Orleans. Cổ lỗ sĩ hơn cả ông cơ.
Thây kệ, dù sao thì nó cũng có điệp khúc sinh động.
Tôi lấy làm lạ nhận ra mình tự nhiên lại mong đợi đĩa của hai giọng nữ gào thét; hồi sinh viên tôi không mấy hứng thú với kiểu hát hò như vậy, nhưng bây giờ hình như nó lại hợp thời. Aretha Franklin được khách quen của quán khá ưa thích, và càng ngày tôi càng đánh giá cao kiểu lầm bầm đau đớn, đầy nhục cảm của cô, nhưng chính Janis Joplin mới là người giành được trái tim tôi. Tiếng thét phản đối
Phụ nữ là kẻ thất bại
dường như vừa hợp thời vừa phổ quát. Thỉnh thoảng, khi cô thét lên câu đó, tôi lại thấy mấy ông lớn tuổi trong quán gật gù; đó cũng là kinh nghiệm của họ. Tôi thích hầu hết các bài Joplin trình bày, thích theo kiểu phần nào bị mê hoặc. Giọng khàn khàn của cô là phản đề âm nhạc nhưng nó đương đại và hấp dẫn.
Thỉnh thoảng cũng có bài có thể gọi là vàng ròng, chui rúc trong những album mà giá không thì chẳng ai buồn nghe, nhưng lại chứa đựng một sức mạnh ấn tượng được thừa nhận ngay tức khắc:
By the Time I Get to Phoenix
,
Spanish Eyes
và
Gentle on My Mind
. Tất nhiên, bất cứ ai chăm chú lắng nghe cũng có thể thích những đoạn vô nghĩa như trong một bài hát rất được hâm mộ mùa xuân năm ấy,
Harper Valley P.T.A
, nhưng sau hai tuần tập trung nghe, tôi nhận thấy có hai loại mình thực sự thích, sự yêu thích cũng lớn như những cảm xúc tôi từng có đối với bất cứ bản nhạc nào trong thời niên thiếu: những ca khúc như
MacArthur Park
, nói về chiếc bánh tan chảy dưới mưa, và tiếng đập sâu lắng đầy khí phách của những nhóm guitar-và-trống.
Nhưng trong lúc lắng nghe thác lũ âm nhạc ấy, tôi bắt đầu nhận ra những điều tôi chưa nắm bắt được trong thời gian đầu phấn khích trước sự tuyệt vời của nó. Tôi bối rối nhận ra hầu hết mọi nơi - thậm chí cả ở những bản thu âm tại Anh - các ca sĩ đều cảm thấy cần phải bắt chước dân da trắng nghèo thất học miền Nam nước Mỹ. Tôi bèn bỏ công bỏ sức tìm hiểu xem một vài ca sĩ được nuôi dạy ở đâu và thấy họ xuất thân từ nhiều khu miền Bắc khác nhau, đấy là chưa kể nước Anh, nhưng khi đứng trước micro, họ đều sa vào giọng cằn nhằn cấm cẳn của người chặt bông miền Nam bất mãn với đời. Người đàn ông có học thức hay người đàn bà có giáo dục không còn chỗ đứng trong nền âm nhạc hiện đại.
Tôi cũng bị ấn tượng vì có rất nhiều bài ca ngợi bọn gangster, lưu manh côn đồ, những người bế tắc và những kẻ thoái hóa biến chất. Bonnie và Clyde, Pretty Boy Floyd[71], kẻ đào tẩu trên đường tới Phoenix, chàng trai trong nhà xác tìm cách trối trăng với người yêu, cô gái nghiện ma túy và những thanh niên sống ngoài lề xã hội dám thách thức cảnh sát chính là người hùng của thế hệ này, và tôi thường tự hỏi sự kích động cách mạng liên tục như vậy sẽ có tác động như thế nào.
Sau một thời gian để ý nghe, tôi mới nhận ra có rất nhiều bài ca ngợi kết quả của việc dùng ma túy: cần sa, LSD và heroin dường như đã thành tín ngưỡng mới, và tôi băn khoăn không hiểu làm sao một đứa trẻ mười ba tuổi nghe mãi những bài hát đó lại có thể tránh xa mà không quyết thử ma túy bằng được ngay khi có cơ hội đầu tiên.
Về mặt tình dục, thật thú vị khi tìm cách giải đoán xem các bài hát gần đây nhất đang ủng hộ những phương thức mới nào; âm nhạc bảo trợ cho một trào lưu mới chuyên lan truyền các lời lẽ như trong những bài hát mới nhất. Đây là một ý nghĩ điên rồ của giới trẻ khiến tôi nhớ đến mấy thiếu niên tôi quen tại Boston trong thời gian làm việc ở đó. Chúng say mê bộ phim truyền hình dài tập mới tên là Người Dơi kể về một thanh niên bề ngoài làm ra vẻ người bình thường, xuất thân từ gia đình khá giả, sống trong một dinh thự lớn ở ven thành phố, nhưng trên thực tế lại là, nói theo cách thông thường trong những hoàn cảnh như vậy - Người Dơi, kẻ báo thù cái ác. Bất cứ cô cậu nào mà tôi cùng chuyện trò đều tin rằng chỉ có chúng mới biết chàng trai tài giỏi ấy là Người Dơi, và khi đám trẻ con ấy thì thầm với tôi,
Ông biết không, anh ấy là Người Dơi đấy,
bọn chúng đã cho tôi vinh dự được chia sẻ một trong những bí mật quý giá nhất của mình. Bọn chúng biết còn tôi thì không; các bạn trẻ ở quán Alamo cũng đối xử với tôi đúng như vậy, chỉ khác là vốn hiểu biết của họ sâu sắc hơn.
Một hôm, tôi đang ngồi trong quán, tâm trạng có phần buồn bã chán nản vì những suy nghĩ đó, thì Joe lục dưới đáy chồng đĩa rồi cho chạy bài
Michael from Mountains
, một ca khúc mộc mạc trong trẻo như pha lê, được trình bày bởi một cô gái xinh đẹp có chất giọng tự nhiên đến nỗi cảm giác lâng lâng dễ chịu mà nó mang lại làm tôi thấy phấn chấn hẳn lên. Nội dung là gì? Chỉ là ca khúc giản dị về một cô gái quan sát một chàng trai miền núi xa lạ và những thứ chàng có thể xoay sở với tự nhiên. Cô linh cảm sau này sẽ có ngày cô trở nên rất thân quen với anh. Đó là một trong những bài chân chất nhất mà tôi từng nghe, một nhạc phẩm mà có lẽ chính Schubert đã viết nên. Tôi đề nghị Joe cho nghe lại lần nữa, nhưng ca sĩ chỉ mới hát được có mấy nhịp thì một anh lính đã lên tiếng phản đối,
Quỷ tha ma bắt, bài đấy cổ lắm rồi,
vì vậy Joe phải thay đĩa khác mới hơn. Ca khúc này vừa được sáng tác năm ngoái.