• 1,743

VII - Chương 5


Số từ: 4198
Thể Loại: Tiểu Thuyết Hư Cấu
Người dịch: Nguyễn thị Bạch Tuyết
NXB Văn Học
Trong những lần cuốc bộ dọc bãi biển để vào trung tâm thành phố, tôi thường đi qua khách sạn Brandenburger và thỉnh thoảng rẽ vào uống một cốc bia Đức. Những lúc như thế, tôi đều nhìn thấy một chiếc xe cắm trại Volkswagen màu vàng đỗ bên bờ biển nhưng không chú ý lắm, rồi một buổi chiều, khi ra khỏi quán bia, tôi vô tình phát hiện chiếc Volkswagen trông có vẻ khang khác và nhận thấy một phần mui xe đã được chống lên để cho ánh nắng và không khí tràn vào, vậy là một ý nghĩ chợt nảy ra trong đầu tôi: Chắc hẳn chính vì thế mà người ta gọi kiểu xe này là pop-top. Tôi bước lại gần chiếc xe để xem bên trong có ai không. Không có ai cả, và khi tôi nhìn qua ô cửa treo rèm để quan sát cách bố trí đồ nội thất thì một khách du lịch Đức ở khách sạn Brandenburger rời khỏi chiếc bàn trên thảm cỏ và băng qua bãi cát.

Ông tìm gì?
ông ta hỏi cộc lốc. Ông ta có mái tóc cắt theo kiểu Phổ và nói tiếng Anh.

Tôi chỉ muốn xem...


Chiếc xe này không phải của ông,
ông ta nói, giọng chê trách.

Tôi biết là không phải của tôi,
tôi vụng về thanh minh.
Nhưng tôi chỉ muốn biết...


Tốt hơn hết ông nên để mặc nó đấy,
ông ta ngắt lời.
Người chủ xe sẽ không bằng lòng nếu ông...


Tôi chỉ xem thôi. Này, đây có phải của ông không?


Không. Nhưng tôi trông hộ khi chủ xe vắng mặt. Vậy nên mời ông đi đi cho.

Khi đi công tác vòng quanh thế giới, lúc nào tôi cũng lấy làm ngạc nhiên không hiểu sao dân Đức lại có tài khiến người khác cảm thấy đạo đức của mình kém cỏi hơn. Tiu nghỉu như kẻ đang âm mưu trộm cắp, tôi đành rời xa chiếc Volkswagen và đi tiếp đến quán Alamo, tại đó tôi thấy Britta đang tranh luận với mấy anh lính Mỹ về vấn đề gì đó mà họ vừa phát biểu.

Đồ điên khùng các anh làm sao thế?
cô đứng ngay bên bàn họ hỏi.

Chính Tổng thống Eisenhower nói thế,
một anh lính khẳng định.

Thế thì ông ta không hiểu mình đang nói gì,
cô gắt.

Có phải ở Thụy Điển tỷ lệ tự tử rất cao không? Có phải Thụy Điển là nước thoái hóa về mặt đạo đức không?


Tôi không phải người Thụy Điển!
cô chống đỡ.

Chẳng phải Na Uy cũng tồi tệ không kém sao?
anh lính hỏi.

Anh lấy những ý nghĩ đó ở đâu ra đấy hả?
Britta sững sờ hỏi lại.

Tổng thống Eisenhower nói như vậy, trong một bài diễn văn.

Cô quay lại phía tôi hỏi,
Không biết ai nói với họ những điều vớ vẩn ấy chứ? Chuyện Thụy Điển thoái hóa về mặt đạo đức ấy?


Chẳng phải dân nước cô đã xuất bản sách tình dục sao?
anh lính hỏi dồn.
Có ảnh màu minh họa nữa?


Đó là Đan Mạch,
cô phát bẳn và tiến về phía quầy rượu.
Nhưng một người Mỹ khác đã nhắc lại,
Đúng là ở nước cô có nhiều vụ tự sát chứ?

Britta quẳng cái giẻ lau xuống đất và quay phắt về phía mấy người làm phiền cô. Gần đây cô luôn bị quấy rầy ít nhất mỗi ngày một lần về tỷ lệ tự sát khá cao ở Thụy Điển. Giờ cô bước lại gần tôi rồi nài nỉ,
Ông làm ơn giải thích cho những kẻ mọi rợ này hiểu Thụy Điển là nước văn minh đi.


Chúng tôi biết nó là nước văn minh,
anh lính đầu têu nói.
Điều chúng tôi muốn biết là tại sao nó lại thoái hóa như thế.

Tôi biết nhiều người Mỹ cũng tin vào cách đánh giá ấy, vì vậy tôi đề nghị họ lấy mấy mảnh giấy ra ghi nhanh một vài con số mà nhiều năm trước đã gây ấn tượng mạnh đối với tôi và, hơn hẳn bất kỳ bằng chứng nào khác tôi từng nghe, đã khiến tôi không dám phát biểu ngớ ngẩn về các đất nước và nền văn hóa khác.

Tôi nhớ rất rõ bản báo cáo ấy,
tôi nói.
Nó được công bố khoảng năm 1950 và cho thấy Sicily có nhiều vụ ám sát tính theo đầu người hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Mọi người bèn nhảy ngay vào cuộc và viết tiểu luận về vấn đề dân Sicily là những kẻ giết người bẩm sinh ra sao. Một số giả thuyết kỳ cục được nêu ra và lan truyền rộng rãi. Dân Sicily được mô tả như những kẻ tồi tệ nhất thế giới, và chúng tôi đã có các con số chứng minh điều này.

Hai năm sau, một nhóm nghiên cứu khác tiến hành công trình tương tự về các vụ tự sát ở Thụy Điển. Rất nhiều. Bằng chứng hiển nhiên cho thấy Thụy Điển có số vụ tự sát nhiều hơn bất kỳ nước nào khác, và một lần nữa chúng tôi lại có hàng loạt giả thuyết hay ho về vấn đề tại sao Thụy Điển thoái hóa đến thế. Nó phải liên quan tới chủ nghĩa xã hội và sự thiếu thách thức cá nhân, và chính lúc đó Tổng thống Eisenhower đã nhảy vào cuộc. Trong một bài phát biểu, ông chứng minh rằng Thụy Điển đã thoái hóa khá trầm trọng.

Vào lúc đó, chúng tôi đã có trong tay những con số cho thấy dân Sicily hay giết người khác còn dân Thụy Điển hay tự giết mình. Vì vậy một thanh niên thông minh nào đó đã so sánh những con số ấy và nhận thấy tỷ lệ gần như bằng nhau. Dựa trên đầu mối đó, anh ta đã tập hợp tất cả những con số thống kê có thể kiếm được, và tôi nghĩ các bạn sẽ quan tâm đến những gì anh ta tìm ra. Hãy kẻ ba cột. Cột thứ nhất là Quốc gia, cột thứ hai là Vụ ám sát, còn cột thứ ba là Vụ tự sát.

Khi các anh lính làm xong việc này, tôi bèn đọc một vài chỉ số mà tôi còn nhớ mang máng; tôi không thể nói chắc chắn các con số cụ thể có chính xác hay không, nhưng tôi sẽ bảo đảm mối tương quan. Khi hoàn thành, bảng so sánh đó như thế này:
Quốc gia Vụ ám sát Vụ tự sát
Sicily 22 0
Hoa Kỳ 16 6
Anh 11 11
Đức 6 16
Thụy Điển 0 22

Từ bản thống kê này,
tôi kết luận,
có thể thấy trong mọi xã hội chúng ta đều tìm được một chỉ số bạo lực không đổi, nhưng bạo lực đó biểu hiện như thế nào lại được quyết định bởi phong tục tập quán địa phương. Một người đàn ông Sicily không thể tiếp tục sống trong xã hội của mình nếu ông ta từ chối giết kẻ đã phản bội em gái mình. Cô dì chú bác anh ta, quán cà phê góc phố, câu lạc bộ bi-a kiên quyết yêu cầu anh ta phải giết kẻ bạc tình và nhờ đó phục hồi danh tiếng cho dòng họ. Ở Thụy Điển thì cách giải quyết như vậy là điều không thể tưởng tượng được. Anh ngồi ru rú trong nhà nghiền ngẫm về chuyện đó, rồi khi mùa đông đến cùng những đêm dài vô tận thì anh không giết kẻ kia mà giết chính mình.

Monica vừa lang thang ở đâu về bèn nhòm qua vai tôi trong lúc tôi chỉ vào các con số,
Ôi, nước Anh thân yêu!
cô reo lên.
Lúc nào cũng cân bằng!


Cháu nói đúng đấy,
tôi đồng ý với cô.
Khi số vụ ám sát và tự sát bằng nhau, ta có một cộng đồng dân cư lành mạnh.


Có một chỗ nhầm,
Joe từ sau quầy rượu nói vọng ra.
Tôi nghĩ các bạn sẽ nhận thấy ngày nay tại nhiều vùng ở Mỹ tỷ lệ ám sát sắp bằng ở Sicily rồi, và tại những vùng khác tỷ lệ tự sát của chúng tôi lại gần bằng ở Thụy Điển. Đất nước chúng tôi đầy rẫy bạo lực chứ không phải Sicily.


Đó chỉ là vì chúng ta đa dạng quá,
tôi nói. Tôi đã xem ở đâu đó những con số mới đầy chứng minh rằng các vụ ám sát bằng súng ở Texas nhiều hơn ở Sicily, trong khi ở Vermont lại có nhiều vụ tự sát hơn.
Chắc hẳn có yếu tố địa lý nào đó tác động đến những con số này,
tôi nói.
Ở phương Bắc thì các anh tự sát. Ở phương Nam thì là ám sát.


Tuyệt!
Britta kêu lên với mấy anh lính phê phán đất nước cô.
Trong khi tôi lui về tự cắt cổ mình thì dân miền Nam nước Mỹ các anh lại bắn giết nhau. Nhưng đừng có bắt tôi phải chịu thêm những chuyện vớ vẩn về Thụy Điển đó nữa nhé.

Anh lính đối thủ của cô không xuống nước dễ dàng như vậy.
Đó là về các vụ tự sát, nhưng còn vấn đề thoái hóa thì sao? Có phải ở trường người ta dạy tình dục không?

Trông Britta có vẻ như đang ngẫm nghĩ dăm ba lý lẽ để phản bác, nhưng rõ ràng cô đã quyết định từ bỏ vì tin chắc sẽ chẳng đi đến đâu. Thay vào đó, cô mỉm cười với anh lính rồi nói,
Phải, người ta có dạy chúng tôi về tình dục. Và kể ra học tình dục ở lớp tám cũng thực sự thú vị đấy chứ.
Nhưng ngay cách đối đáp này cũng chưa làm Britta thỏa mãn, vì vậy cô lại nói với mấy anh lính,
Đồ thô lỗ các anh làm tôi nhớ đến một việc xảy ra ở Tromsø. Chúng tôi ở mãi trên phía Bắc gần Vòng Bắc Cực đến nỗi khách du lịch nào rời tàu cũng trông chờ được nhìn thấy gấu Bắc cực lang thang trên đường phố. Chúng tôi đã cố giải thích cho họ hiểu Tromsø là một nơi văn minh, nhưng họ vẫn muốn thấy gấu Bắc cực. Thế là chúng tôi làm gì? Một cửa hàng bèn mua một chú gấu Bắc cực nhồi bông rồi đặt trên hè phố và nói với khách du lịch,
Chúng tôi bắn được nó ở tòa thị chính mùa đông năm ngoái đấy,
vậy là họ hài lòng rời khỏi đó. Các anh có biết tôi giấu cái gì sau quầy rượu không? Một con gấu Bắc cực.

Quay về phía tôi, cô đề nghị,
Ông kể cho họ về khu nhà của dân du thủ du thực đi.

Các anh lính nhìn tôi, vì vậy tôi phải nhắc lại một chuyện tôi đã kể cho Britta:
Bạn tôi đã chỉ đạo điều tra các khu nhà của dân du thủ du thực ở Boston, New York, Philadelphia và Chicago. Họ nhận thấy chúng khá giống nhau, nhưng có một thực tế nổi bật. Trong số những người sống vật vờ ở khu nhà của dân du thủ du thực - những kẻ thất cơ lỡ vận đích thực - có tới chín mươi hai phần trăm là dân Ailen và tín đồ Công giáo. Không tìm thấy người da đen ở đó. Họ ở lẫn với dân thường và xoay xở để sống. Tín đồ phái Giáo hữu và người Do Thái cũng không đến sống ở khu nhà của dân du thủ du thực. Đó là một hiện tượng nảy sinh từ thói nghiện rượu và tình trạng kết hôn muộn trong các cộng đồng người Ailen. Ông bạn tôi nhận thấy gần chín mươi phần trăm dân ở khu nhà của những kẻ du thủ du thực chưa bao giờ duy trì được mối quan hệ bền lâu với đàn bà. Đây không phải sự chỉ trích đối với người Ailen hoặc tín đồ Công giáo. Nó chỉ cho thấy đây là căn bệnh xã hội mà họ dễ mắc phải.


Ở Thụy Điển thì là nạn tự sát,
Britta nói với ra từ sau quầy rượu.
Còn ở các bang miền Nam thì sao?

Đến tận tối tôi mới rời khỏi quán trở về căn hộ trên tầng thượng của mình, và khi đến gần khách sạn Brandenburger, tôi lại chú ý đến chiếc Volkswagen màu vàng mà ban ngày người Đức kia đã xua tôi tránh xa. Lúc này bên trong đã có ánh đèn, và qua khe cửa vọng ra tiếng ai đó đang chơi nhạc, vậy là tiện dịp tôi rẽ đến gần chiếc xe và gõ cửa. Một giọng con gái hỏi bằng tiếng Đức,
Ai đó?

Tôi vừa lầm bầm mấy lời giải thích thì cửa mở và tôi nhìn thấy bóng một thiếu nữ thanh tú mặc quần soóc, tay cầm cây đàn guitar hiện ra trong ánh sáng mờ mờ. Đó là Gretchen Cole, và ngay khi tôi nhận ra cô, cô cũng thấy rõ tôi là ai, thế là cô vội ném cây đàn xuống giường và lao vào vòng tay tôi.

Ôi chao,
cô reo lên, giấu mặt vào áo tôi,
gặp được chú, cháu mừng quá!

Vẫn giữ vai Gretchen, tôi đẩy cô ra, ngắm khuôn mặt thân quen, nghiêm nghị của cô và hỏi,
Làm sao mà cô lại xuống đây?


Cháu có nói chú cũng không tin đâu.


Tôi đã tới Besançon. Phải, cùng với cha cô.


Sao cha cháu biết cháu ở Besançon?


Qua ngân hàng. Báo chí thì chẳng bao giờ biết gì. Thám tử tư cũng vậy. Ngân hàng thì lúc nào cũng biết vì chúng ta đều phải liên lạc để trao đổi về chuyện tiền nong.


Không biết lần sau cháu sẽ viết thư từ đâu đây?
Cô bật cười vì nhận thấy câu hỏi của mình trịnh trọng giả tạo quá.

Điều gì đã xảy ra với cô sau khi tôi rời Boston?
tôi hỏi.

Cha cháu không nói cho chú hay ư?


Ông nói rằng...


Sao ạ?
cô hỏi giọng lạnh lùng.
Ông ấy nói gì?
Cô ngồi xuống giường và ra dấu cho tôi lấy chiếc ghế gập, nhưng tôi chưa kịp làm theo thì có tiếng gõ cửa mạnh và một giọng đàn ông hỏi bằng tiếng Đức,
Cô không sao chứ, Fräulein?

Gretchen đẩy cửa ra và trả lời người đàn ông Đức tóc húi cua đã xua tôi đi lúc trước,
Mọi chuyện ổn cả, Herr Kleinschmidt. Đây là chú tôi.

Herr Kleinschmidt chằm chằm nhìn tôi với ánh mắt đe dọa rồi nói,
Chúng tôi nghĩ rất tốt về cô gái này.


Chúng tôi cũng vậy.

Khi ông ta lui vào trong bóng tối, Gretchen quay lại phía tôi mỉm cười yếu ớt.
Mọi người ở khách sạn Đức đều rất tốt với cháu.
Đột nhiên cô đứng bật dậy, chạy ra cửa gọi,
Herr Kleinschmidt! Xin ông chờ một chút!

Cô nghiêng người, nắm tay kéo tôi ra ngoài. Chúng tôi chạy mấy bước tới chỗ người Đức đang chờ.
Chúng ta vào quán rượu uống một chầu nào.
Một bên khoác tay ông ta, bên kia khoác tay tôi, cô dẫn cả hai vào khách sạn Brandenburger, tại đây chúng tôi tìm được một bàn trống và ngồi xuống uống bia Đức, suốt thời gian đó thỉnh thoảng một vài khách hàng quen biết mặt Gretchen ghé lại nói chuyện với cô. Chỉ đến lúc đó tôi mới hiểu Gretchen đưa tôi đến đó để cô trì hoãn kể chuyện về bản thân; thái độ giao tiếp ung dung thoải mái mà cô đang phô ra với những người quen Đức không liên quan gì tới sự không chắc chắn mà hình như cô cảm thấy về chính mình.
Sau nửa tiếng tỏ ra thân thiết gượng gạo, một cuộc thể hiện tôi dám chắc là cốt cho tôi xem, chúng tôi đi bộ về chiếc pop-top, và khi đã vào bên trong tôi mới nói,
Bây giờ cô kể cho tôi nghe chuyện gì đã xảy ra nào,
thế là, bất ngờ được dịp bộc lộ nỗi lòng, cô kể cho tôi nghe câu chuyện ở Chicago. Tôi nhận thấy cho dù đã khá lâu như vậy, chín tháng sau sự kiện ở đồn cảnh sát Patrick Henry, cô vẫn chưa chế ngự được những rắc rối đáng sợ ấy; chúng vẫn còn ám ảnh cô, vì vậy khi cô kể chuyện xong, tôi nắm cả hai tay cô nói,
Gretchen, tôi đã gặp một nhóm bạn trẻ rất thú vị tại một quán bar trong thành phố... trong đó có ba người tôi quen từ trước. Dù thế nào đi nữa cô và tôi cũng sẽ đến đó. Phải, ngay bây giờ.
Khi cô phản đối vì lúc này đêm đã khuya, tôi nói,
Cô gặp bọn họ đi, chuyện quan trọng đấy... để cô thoát khỏi nỗi khốn khổ...


Ai bảo là cháu khốn khổ?
Cô giật tay ra và nói với vẻ thách thức,
Cháu có bao nhiêu bạn ở khách sạn.


Tôi bảo là cô khốn khổ đấy. Đi nào.

Tôi kéo cô ra khỏi chiếc pop-top, nhưng cô lại giằng ra lần nữa.
Cháu còn phải khóa cửa đã chứ,
cô nói, và khi chúng tôi lên đường quay về thành phố, cô gọi với lên phía một người đang ở trên thảm cỏ trước khách sạn Đức,
Trông hộ chiếc Volkswagen trong lúc tôi đi vắng nhé,
và một giọng trầm đáp bằng tiếng Đức,
Chúng tôi sẽ để mắt đến nó.

Khi chúng tôi đi đã được khoảng nửa đường, cô mới hỏi,
Chúng ta đi đâu đây?
tôi liền đáp,
Chỉ là một quán nhỏ... một quán Mỹ,
vậy là cô nói ngay,
Ô, chú định nói quán Alamo. Cháu đã đến đó rồi.
Giọng cô không có vẻ xem thường mà đã nhuốm chút trầm bổng háo hức, vì vậy tôi nói,
Có thể cô đã gặp các bạn của tôi rồi,
và cô nói,
Cháu đã gặp khá nhiều binh sĩ Mỹ ở căn cứ Sevilla, nhưng người duy nhất cháu còn nhớ là một anh thanh niên da đen.


Tên là Cato Jackson phải không?
tôi vội hỏi.

Người nổ súng khủng bố trong nhà thờ... vâng.

Tôi định cải chính là anh không thực sự nổ súng khủng bố trong nhà thờ nhưng Gretchen đã cắt ngang,
Cháu rất mong gặp lại anh ấy. Anh ấy có điểm đặc biệt riêng,
tôi liền nói,
Những người khác cũng đáng chú ý như vậy,
vậy là cô nắm lấy cánh tay tôi rồi bước nhanh chân hơn, đúng như một cô gái vừa nghe nói mình sắp được gặp những người thú vị cùng trang lứa.
Khi chúng tôi tới quán bar, Cato và Monica không có mặt, nhưng ba người kia thì đều đang quanh quẩn trong quán; gần một giờ sáng nên công việc đã thư thư, chỉ còn mấy anh lính ngồi quanh một bàn. Tôi giới thiệu Gretchen với Britta, hai cô có cảm tình với nhau ngay lập tức. Rồi Britta đưa Gretchen đến gặp Yigal, một người Anh đích thực, nhưng khi hai cô gái tới chỗ Joe, anh chỉ gật đầu xã giao và nói,
Chúng ta đã cùng ăn tối ở Boston.
Gretchen chăm chú nhìn anh, hiển nhiên không phân biệt được anh với những thanh niên tóc dài trốn quân dịch mà cô đã giúp trốn sang Canada, nhưng khi anh nói thêm,
Đêm đó tôi đã kể với cô tôi đang đi tới Torremolinos,
cô reo lên,
Thôi đúng rồi! Đó là nơi em nghe thấy cái tên này!

Khoảng hai giờ sáng, cánh cửa mở đánh rầm và Cato dìu Monica lao vào. Cả hai đã uống khá say và chắc hẳn còn hút cần sa nữa vì mắt họ giãn to sáng rực.

Tin mới đây!
Cato thông báo.
Paxton Fell mời tất cả chúng ta đêm mai lên đồi đập phá một bữa. Tất cả chúng ta đều được mời, và ông ấy sẽ cho một chiếc xe xuống đón.

Rồi anh nhìn thấy Gretchen và lại gần cô,
Anh biết em! Em là cô gái ở Boston. Em được đấy.
Anh đưa Monica đến giới thiệu, và khi câu chuyện chảy tràn thoải mái về mọi đề tài, tôi đánh giá rất cao việc Cato hòa nhập được vào bất cứ nhóm nào. Anh là một chất xúc tác.
Tuy nhiên, chỉ có Britta hiểu tại sao tôi lại đưa Gretchen tới quán. Cô nói,
Nếu cậu có chiếc pop-top, và nó lại đậu ngoài bãi biển... ờ, sao cậu không đậu bên ngoài nhà chúng tôi?... Cậu có thế dùng phòng tắm của chúng tôi.

Sáng kiến của Britta có vẻ hợp lý đến mức cả nhóm đều nhất trí coi đó là cách giải quyết chính thức và nhất định đòi thực hiện ngay.
Cậu đóng cửa quán giúp được không?
Joe nhờ một anh lính và anh này đồng ý.

Mục tiêu đêm nay,
Cato hô.
Một chiếc pop-top.
Nghe thấy mấy từ mục tiêu đêm nay mà cảnh sát ở Patrick Henry đã dùng một cách tùy tiện đáng ghét, Gretchen bất giác rùng mình, và trên đường cuốc bộ vui vẻ ồn ào về xe của mình, cô luôn đi sát tôi.
Khi nhìn thấy chiếc pop-top màu vàng, nhóm bạn trẻ phấn khởi reo hò, khiến đèn ở một số phòng rải rác trong khách sạn Brandenburger lần lượt bật sáng.
Không sao đâu,
Cato nói to.
Chỉ là một vụ hiếp dâm tập thể thân mật thôi mà.


Cô không sao chứ, Fräulein?
một giọng Đức khàn khàn vang lên.

Mọi việc ổn cả,
Gretchen đáp trong khi Yigal nổ máy xe.
Tôi chuyển địa điểm thôi.


Ôi, Fräulein!
một vài tiếng phản đối vọng xuống.

Tôi sẽ quay lại mà,
cô hứa, nhưng chỉ vài phút sau Herr Kleinschmidt trong bộ đồ ngủ đã chen vào giữa nhóm chúng tôi, tay lăm lăm đèn pin.

Có chắc là cô không sao không?
ông sốt sắng hỏi, và khi chúng tôi đã ào hết lên chiếc Volkswagen, ông vẫn còn nán lại ngoài bãi biển, đèn pin sáng rực.
Khi chúng tôi tới gần căn hộ của Jean-Victor, tôi mới phát hiện ra một điều mà lần đến thăm trước tôi chưa để ý: ngay cạnh căn hộ có một bãi trống nhỏ vừa vặn cho chiếc pop-top lùi vào, và khi việc này được thực hiện xong Gretchen đã có một chỗ cắm trại tốt hơn ngoài bãi biển vì cô sẽ được che chắn kín đáo ở mọi hướng và được sử dụng phòng tắm cách đó có vài bước chân.
Chiếc pop-top được cất cẩn thận xong xuôi, Cato nghiên cứu vấn đề thu xếp chỗ ngủ và hỏi,
Ai trong số con trai bọn anh được chung giường với em?
Gretchen đáp lại, không hề có vẻ đùa cợt,
Đó là đặc quyền của em,
và Cato nói,
Nếu hiểu được ý nghĩa từ đó thì anh sẽ biết liệu vừa rồi có xúc phạm em không,
và cô nói,
Có đấy.

Khi chúng tôi vào trong nhà và Gretchen nhìn thấy ảnh Giáo hoàng và W.C. Fields, cô cười phá lên, tôi tự nhủ đây chính là lần đầu tiên cô cảm thấy mình sẽ được vui vẻ thoải mái cùng nhóm bạn mới này. Cô cầm tay Britta nói,
Cậu đã có sáng kiến hay tuyệt.
Rồi, với tính thẳng thắn của người Boston, cô chỉ vào chiếc giường được Giáo hoàng canh gác rồi hỏi,
Con gái các cậu ngủ ở đây à?
và Monica nói xen vào,
Cậu tưởng lầm rồi,
và bằng cử chỉ nào đó mà tôi không kịp nhận ra, cô ra hiệu cho Gretchen hiểu cô và Cato ngủ chung trên chiếc giường có ảnh Giáo hoàng, còn Joe và Britta thì sử dụng chiếc được Fields canh gác.
Lúc đó Gretchen mới nhìn thấy cái túi ngủ đặt cạnh cửa ra vào.
Có phải anh ngủ ở đây không?
cô hỏi Yigal, và anh gật đầu, vậy là Monica lên tiếng,
Cậu thấy đấy, Gretchen, nếu Yigal ngủ cùng cậu thì sẽ tiện hơn nhiều,
và Gretchen đáp,
Tiện cho Yigal nhưng không cần thiết đối với tớ.
Monica lại hiểu câu nói đó là một lời thách thức, và khi nhớ lại thời học sinh, cô bèn đề xuất một cuộc đánh cá tương tự,
Tớ sẽ cá với cậu năm bảng Anh là trong vòng ba mươi ngày một trong ba người đàn ông ở đây sẽ ngủ chung với cậu trên chiếc pop-top đó.


Tớ mà có năm bảng,
Gretchen đáp,
thì chắc chắn cậu sẽ thua.

Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook 6 Người Đi Khắp Thế Gian (Trọn bộ 2 tập).