• 48

Phần II - Chương 4


Số từ: 1728
Nguồn: downloadsach.com
Biết được tin ăn hỏi của thầy giáo Khang không thành, bà Thành liền xăng xái đến với bà Nhương. Hai bà đang ngồi ăn trầu với nhau.
Bà Thành nhoẻn miệng cười để lộ hàm răng đen lánh sau đôi môi sơn dày một lớp trầu thuốc:
- Thế nào bác? Ngày vui của cháu Hoa bao giờ thì bác lo liệu, để bà con chúng tôi còn lo dùm, người thúng nếp, kẻ thúng gạo chứ?
Mỗi lần ai hỏi, ai nhắc tới chuyện… bà Nhương cảm thấy như đang bị dao cứa vào ruột gan. Bà thở dài, buồn bã trả lời bà Thành:
- Chuyện không thành, bác ạ. Cháu nhà tôi hư lắm. Chẳng biết nó đã dại dột nghe ai…
Bà Thành làm bộ hiểu biết:
- Nó không dại đâu, có khi còn khôn hơn cánh ta đó. Người đời vẫn thường ví:
Con gái mà lấy chồng xa, cũng bằng mẹ đẻ con ra mà từ.
Nó nghĩ thế là đúng. Các anh nó đều đi xa. Chị gái cũng lấy chồng cách xã. Bây giờ nó biết nghĩ đến tuổi già của bác, khi tắt lửa tối đèn…
Bà Nhương chưa biết nên nói lại với bà Thành như thế nào thì vừa lúc Hoa từ trong nhà bưng ấm sánh nước ra. Cô hơi cúi mình rót nước trước mặt hai bà.
Bà Thành nhìn Hoa với đôi mắt trìu mến, rồi lên tiếng:
- Hoa!
- Dạ! Hoa ngửng mặt lên với bà Thành.
Bà Thành gật gù;
- Trâu đồng nào ta ăn cỏ đồng đó, phải không cháu?
Hoa đỏ mặt, cố rót cho đầy hai bát nước trên bàn rồi trở vào buồng.
Bà Nhương cứ ngồi nhìn hơi bốc trên hai bát nước, lòng ngán ngẩm, chẳng còn muốn trò chuyện gì thêm với bà Thành.
Câu chuyện nhạt nhẽo và không đúng lúc cũng đã phải kết thúc. Bà Thành không còn xăng xái như lúc đầu, đành chào bà Nhương ra về. Sau đó, bà Nhương lại gọi Hoa ra, cố gạn con một lần nữa xem chuyện vỡ lở là do đâu? Cứ mỗi lần nghĩ tới Khang, bà không tài nào cầm được nước mắt. Chẳng biết mấy hôm nay Khang về huyện họp thật, hay lại ngượng ngùng với xóm làng mà lánh đi nơi khác. Vắng Khang, bà thấy nhà trống trải hẳn, nhớ anh, lòng bà càng thương anh…
Hoa dè dặt ra đứng cạnh mẹ.
Bà Nhương lấy giọng dịu dàng:
- Mẹ hỏi thật con nhé: Con có còn biết thương mẹ, thương anh nữa không?
Hoa đứng cúi đầu, cạy cạy móng tay:
- Không thương mẹ, thương anh thì còn thương ai.
- Đã vậy thì cũng nên biết nghe lời mẹ, lời anh. Đừng nghe lời người ta, con ạ. Mẹ và anh con đã nhận lời, đã hứa với người ta. Công lao thầy ấy đi sớm về hôm, đi thăng về trầm. Thầy Khang là người có học thức. Cả làng, cả xã này có ai bằng thầy. Đã thương yêu nhau thì
tam tứ núi cũng trèo
… ngại chi xa, đừng như lời bà Thành nói. Bây giờ, con làm như thế, khác chi bôi tro, trát trấu lên mặt thầy ấy, lên cả mặt mẹ và anh con…!
Giọng Hoa run run:
- Con xin mẹ! Con còn nhỏ! Đừng bắt con lấy chồng sớm!
- Người ta cũng chỉ mới dẫn lễ hỏi. Năm nay chưa cưới thì năm sau. Miễn là mình đồng ý để người ta yên tâm – bà Nhương khẽ lắc đầu- Làm sao cho bõ công phu người ta đi lại. Chẳng lẽ mẹ phải chắp tay mà lạy van con sao?
Hoa càng lúng túng trước lời lẽ mẹ đã có phần gay gắt:
- Con xin mẹ! Con lạy mẹ!
- Hay con đã bị ai quyến rũ, nói cho mẹ nghe tưởng?
Hoa biết câu chuyện là do mình chưa nói ra được, bởi vậy tự chuốc lấy khổ đau… Có lẽ đã đến lúc, không quẩn quanh được nữa rồi…Hoa lấy hết can đảm:
- Còn…anh Liêu, mẹ ạ. - Mặt Hoa tái hẳn đi.
Bà Nhương dương to mắt nhìn con:
- Anh Liêu nào? Anh bộ đội cứu mày ấy à?
- Dạ - Tiếng dạ rất khẽ.
- Nhưng…anh ta chưa hề nói gì với gia đình, với mẹ.
- Anh ấy đã nói với con rồi sao? Nói lúc nào?
Hoa cảm thấy đã thuận lợi, dễ nói ra câu chuyện:
- Ngày anh ấy ra đi…con có đưa chân. Ra đến ngoài làng anh ấy có nói là…anh thương con. Vừa rồi, anh ấy có gửi thư về, thăm mẹ. Con cũng đã hứa chờ…
- Anh ấy viết gì cho con? Thư đâu rồi, đọc mẹ nghe!
- Trong thư, anh ấy cũng nói là thương con…và bảo con chờ. Thư con bỏ trong vở bài tập, thầy Khang đã đốt mất. Cả tấm ảnh của anh nữa.
Bà Nhương hỏi lại con:
- Tức là thầy Khang cũng đã biết chuyện con với…
- Dạ, biết. Địa chỉ của anh Liêu đã bị cháy theo thư.
Bà Nhương thở dài rõ mạnh, vừa buồn bã, lại như vừa thanh toán được mọi thắc mắc, khó hiểu về con. Bàn tay nhăn nheo của bà vuốt vuốt lên mái tóc hoa râm:
Thật không ngờ, trách gì mà nó…!
Bà chép miệng, càng thấy thương Khang số phận hẩm hiu.
Hoa vẫn đứng cạnh mẹ, cạy cạy móng tay, mặt đỏ dừ khi đã nói ra câu chuyện giữ kín bấy lâu nay với mẹ, thỉnh thoảng liếc mắt nhìn trộm mẹ.


Suốt mấy hôm liền, bà Nhương không buồn ra khỏi nhà. Lòng dạ cứ bứt rứt quanh chuyện Hoa không chịu lấy Khang. Bà vẫn thầm nghĩ thiên hạ sẽ nói
Con hư tại mẹ
. Và cơm vào miệng, bà không biết ngon. Nghĩ đến chuyện đó lại nước mắt lưng tròng. Chòm xóm sẽ nghĩ thế nào về mình? Chiều nay bà mới lững thững sang chơi nhà ông Bảng, bố của Thìn, muốn tìm đến người mà bà cho là cùng cảnh ngộ.
Giữa sân, Thìn đang đẩy chiếc xe ba bánh cho thằng em trai chập chững tập đi.
- Cha cháu có nhà không Thìn? Bà Nhương lên tiếng trước.
- Bác lại chơi ạ - Thìn mừng rỡ - Mời bác vào, cha cháu còn đan rổ sau nhà, thưa bác…
Đoạn, Thìn gọi to:
- Cha ơi! Bác Nhương qua chơi.
Thìn bế hẳn thẳng em lên tay, đón bà Nhương ỏn ẻn:
- Hoa có nhà không bác? Lâu rồi bác không sang nhà cháu chơi.
Bà Nhương không trả lời Thìn, chỉ giơ nắm tay sát vào mặt thằng cu con dứ dứ, hám đùa. Thằng cu con đạp chân, vẫy tay cười sằng sặc.
Bà Nhương vừa vào tới cửa, ông Bảng đã đem bình tích nước ra. Họ chào nhau niềm nở, ân cần.
Ăn trầu uống nước với vài ba câu chuyện làm ăn qua loa, ông Bảng như đoán được tâm lý bà Nhương, bắt vào hỏi chuyện Hoa và thầy Khang.
- Tôi nghe nói chuyện của cháu và thầy Khang không thành, phải không bác?
Bà Nhương thở dài, buồn rầu, chép miệng:
-
Con không nghe mẹ nghe cha, mắm không ưa muối, ắt mắm hư
. Tôi cũng không hiểu sao cả. Nó cứ nhất quyết không lấy thầy Khang. Cha mẹ kiếm nơi vừa nơi, chốn đáng chốn cho, không nghe, bác nghĩ, quá không?
Ông Bảng ung dung uống hết bát nước, nét mặt thanh thản, miệng thoáng một nụ cười:
- Chúng mắc phải bệnh nhau đấy, bác ạ. Con Thìn nhà tôi cũng thế. Nhưng biết làm thế nào – Ông Bảng rót thêm nước, mời bà Nhương, nói tiếp – Sinh con ai dễ sinh lòng, ngồi nghĩ lại, cũng có phần đúng. Thời nào theo thứ đó, mình có ép buộc cũng không xong. Mình già mình chết, vợ chồng là chuyện ăn đời ở kiếp của chúng nó.
Thìn bế em ngồi hóng chuyện ở bậu cửa buồng. Nghe bố nói vậy, cô càng được thể:
- Bác ạ, thời nay khác rồi, cha mẹ không thể bắt buộc, định đoạt việc hôn nhân của con cái được. Yêu đương, vợ chồng là quyền tự do lựa chọn của các con. Không vì miếng trầu tấm bánh mà làm khổ con.
Bà Nhương phật ý:
- Các con nói thế sao đúng được. Công cha nghĩa mẹ mang nặng đẻ đau, nuôi con khôn lớn, những mong con cái đẹp đôi vừa lứa. Kiếm được nơi đúng nơi, chốn vừa chốn, các con không nghe. Chẳng những con hư, phận con khổ, mà cha mẹ họ hàng còn mang tai mang tiếng nữa.
Ông Bảng tựa mình vào cột nhà, thủng thẳng cất lời:
- Trước đây, tôi cũng nghĩ giống bác, về sau thấy không được. Thiếu chi kẻ đã chọn chốn giàu sang gả con vào cho con được nhờ. Ngờ đâu, con lại khổ hơn ai hết, cứ như làm đầy tớ nhà người chứ không phải con dâu. Ý tôi, giờ thì mặc thây chúng nó chọn lựa, miễn sao đừng có lấy cái đứa Việt gian phản động, sau chúng nó khỏi phàn nàn cha mẹ.
Thằng cu con trên tay Thìn
ọ ọe
, đòi bò xuống sàn nhà. Thìn
đét
khẽ vào cái đùi tròn của hắn:
- Ngồi yên nào: Ngoan lắm! Để cho cha nói chuyện! Ngoan lắm, chị thương - Thìn còn vật ngửa thằng cu con ra, hôn vào giữa bụng, làm hắn nhột cười ré lên.
Thằng cu con và Thìn đã phá ngang, làm cho câu chuyện giữa bà Nhương và ông Bảng chuyển sang hướng khác. Bà Nhương hỏi ông Bảng, giọng đùa!
- Đã đặt tên
Út
chưa đấy, bác Bảng?
Ông Bảng cười rung rung hàm râu.
- Không chắc đã là
Út
bác ạ.
Thìn có vẻ hiểu đời, giọng chững chạc;
- Cha cháu, tuổi chưa đầy năm mươi, ít nhất cháu còn vẹo xương sườn bế thêm hai em nữa.
Bà Nhương, ông Bảng cùng cười.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Mùa Hoa Dẻ.