• 1,546

Chương mười bốn


Số từ: 4453
Người dịch: Nguyễn thị Hải Hà
NXB Lao Động
Nguồn: vietmessenger
Richard tưởng rằng tìm gia đình của Nnaemeka chắc sẽ khó lắm. Nhưng khi chàng đến Obosi và dừng lại trước một nhà thờ công giáo của Anh, một giáo chức trong nhà thờ chỉ cho chàng biết gia đình ấy cư ngụ ở cuối đường, trong một căn nhà đã trôi mất hết nước sơn và xung quanh có trồng mấy cây dừa. Bố của Nnaemeka nhỏ thó, bị bệnh lang ben, da màu đồng loang lổ trắng, đôi mắt xám có pha màu nâu hạt dẻ bừng sáng lên ngay lập tức khi Richard bắt đầu nói tiếng Igbo. Trông ông vô cùng khác biệt với anh chàng nhân viên hải quan to lớn và đen nhẫy ở sân bay. Trong một khoảnh khắc, Richard phân vân không biết mình có vào lầm nhà và người này không biết có phải là bố của Nnaemeka. Nhưng lúc đem hạt kola ra mời khách, ông già cầu nguyện bằng mọt giọng giống với giọng nói của Nnaemeka vô cùng. Chính cái giọng nói này đã đưa Richard trở lại phòng chờ ở sân bay trong cái buổi chiều oi ả ấy, cùng với những lời chuyện vãn khá bực bội của Nnaemeka trước khi cánh cửa phòng đợi bật tung và toán lính ập vào.
"Người mang hạt kola là người mang sự sống. Anh và người thân của anh sẽ sống cũng như tôi sống cùng với gia đình của tôi. Hãy để cho chim ó đậu và chim bồ câu cũng đậu và, nếu một trong hai loài ra lệnh loài chim kia không được phép đậu, bình an sẽ không đến với kẻ ra lệnh. Xin Chúa ban phép lành cho hạt kola này, nhân danh Chúa Jesus."
"Amen", Richard nói. Bây giờ, chàng có thể nhìn thấy nét giống nhau của hai cha con. Cách ông ta tách hạt kola thành năm múi giống cách của Nnaemeka dễ sợ, cũng như cái môi dưới trề ra. Richard chờ cho đến khi mọi người đã nhai hạt kola và mẹ của Nnaemeka xuất hiện, mặc đồ tang màu đen, chàng mới nói, "Tôi gặp con của ông bà ở sân bay Kano vào ngày chuyện ấy xảy ra. Chúng tôi có nói chuyện một lúc. Anh ấy nhắc đến ông bà và cả gia đình". Richard ngừng một lát rồi tự hỏi không biết họ muốn nghe con của họ giữ được vẻ bình tĩnh trước cái chết hay họ muốn nghe con họ chống chọi với cái chết bằng cách lao vào giành khẩu súng. "Anh ấy kể cho tôi biết bà của anh ấy ở Umunnachi là một thầy thuốc trị bệnh bằng thảo dược rất được kính trọng và nhiều người biết đến bà vì bà nổi tiếng chữa bệnh sốt rét. Nhờ bà mà anh ấy muốn học ngành y."
"Vâng, đúng vậy", mẹ của Nnaemeka nói.
"Anh ấy kể toàn những điều tốt đẹp về gia đình", Richard nói. Chàng thận trọng chọn từng chữ Igbo.
"Dĩ nhiên, em nó sẽ nói tốt về gia đình." Bố của Nnaemeka nhìn Richard một lúc rất lâu giống như ông không hiểu tại sao Richard phải nói những chuyện mà họ đã biết.
Richard đổi tư thế ngồi. "Ông bà có tổ chức đám tang không?" Chàng hỏi, sau đó thầm nhủ ước gì mình đã không hỏi như thế.
"Có", bố của Nnaemeka nói. Ông nhìn chăm chăm vào cái bát tráng men chứa múi kola cuối cùng. "Chúng tôi chờ cháu về từ miền Bắc. Khi cháu không về, chúng tôi làm ma cho cháu. Chúng tôi chôn một cái quan tài rỗng."
"Nó không rỗng", mẹ của Nnaemeka nói. "Mình đã chẳng chôn mấy quyển sách cũ con hay đọc để chuẩn bị cho kỳ thi công chức vào trong quan tài sao?"
Họ ngồi im lặng. Những hạt bụi li ti lơ lửng trong ánh nắng mỏng manh soi xuyên qua cửa sổ.
"Anh phải đem múi kola cuối cùng theo", bố của Nnaemeka nói.
"Cảm ơn ông." Richard nhét múi kola còn lại vào trong túi áo.
"Tôi có nên cho bọn trẻ đi theo ông ra xe?" Mẹ của Nnaemeka hỏi. Khó mà biết vóc dáng của bà ra sao với cái khăn choàng đen che hết mái tóc và một phần lớn cái trán của bà.
"Xe?" Richard hỏi.
"Vâng. Ông có mang gì cho chúng tôi không?"
Richard lắc đầu. Đáng lẽ chàng nên mang khoai lang và thức uống. Chỉ sau khi đến chia buồn chàng mới biết phải làm những gì. Chàng cứ tưởng rằng đến thăm là đủ rồi, tưởng mình sẽ như một thiên thần vĩ đại mang đến cho gia đình những giây phút cuối cùng trong cuộc đời của con trai họ và nhờ vậy, chàng có thể phần nào xoa dịu nỗi đau đớn về cái chết của con họ, đồng thời tự giúp chính mình. Nhưng đối với họ, chàng cũng chẳng khác gì những người đã từng đến chia buồn khác. Cuộc viếng thăm của chàng không làm thay đổi được sự thật là con của họ đã thành người thiên cổ.
Chàng đứng dậy ra về, biết rằng cũng chẳng có gì thay đổi trong lòng mình; chàng vẫn mang theo cái cảm giác đeo đẳng chàng suốt từ Kano. Rất thường xuyên, chàng ao ước mình có thể trở nên điên rồ hay trí nhớ của mình có thể tự quên đi mọi việc. Nhung thay vì thế trí não chàng trở nên thật rành mạch, sáng suốt đến độ chàng chỉ cần khẽ nhắm mắt là có thể thấy mới nguyên những xác chết ở sân bay và có thể hồi tưởng cả cường độ âm thanh của tiếng la hét. Trí óc chàng trở nên thật trầm lặng. Đủ trầm lặng để chàng có thể viết những câu rất bình tĩnh trả lời những lá thư đầy hoảng hốt của bác Elizabeth; để báo cho bác biết là chàng rất an toàn và không có ý định trở về Anh. Chàng cũng xin bác đừng có gửi bằng đường hàng không mấy tờ báo có bài viết được bác dùng bút chì khoanh tròn, đánh dấu về cuộc thảm sát tập thể những người Nigeria yếu đuối vô tội. Mấy bài viết này làm chàng bực mình. "Những mối thù thời cổ xưa giữa các bộ lạc với nhau", tờ Herald viết, là lý do của cuộc thảm sát; tờ tạp chí Time đặt cho bài báo cái tựa đề NGƯỜI PHẢI XUỐNG TAY, một khẩu hiệu được in trên mấy chiếc xe tải chở hàng của người Nigeria nhưng tác giả bài báo đã dùng chữ xuống tay theo nghĩa đen của nó và giải thích là người Nigeria bản chất rất bạo động; họ còn viết về sự cần thiết của những nhát "chém" đối với hành khách của mấy cái xe tải này. Richard gửi một lá thư nghiêm khắc đến tờ tạp chí Time.
Theo tiếng Anh Pidgin 1, chàng giải thích, xuống tay ở đây có nghĩa là ăn. Ít ra tờ Observer có vẻ khéo léo hơn khi họ viết là nếu Nigeria tồn tại sau cuộc tàn sát người Igbo, quốc gia này có thể tồn tại ở bất cứ tình trạng nào. Nhưng có một vẻ gì đó rất trống rỗng trong tất cả các lời tường thuật, một tiếng vang của một thực tế không có thật. Vì thế Richard bắt đầu viết một bài rất dài về cuộc thảm sát. Chàng ngồi ở bàn ăn nhà Kainene và viết lên những tờ giấy dài không kẻ hàng. Chàng cũng mang Harrison đến Port Harcourt, khi làm việc chàng có thể nghe Harrison nói chuyện với Ikejidi và Sebastian. "Anh không biết làm bánh sôcôla kiểu Đức à?", cười mỉa mai một cái. "Anh không biết mảnh vụn bánh mì rhubarb hả?" Thêm, một cái cười móc họng chê bai.
Richard bắt đầu viết về những khó khăn của người tị nạn, hậu quả của cuộc thảm sát, về những người kinh doanh đã chạy loạn bỏ lại sau lưng thị trường miền Bắc, những giảng viên bỏ trường đại học và những người giúp việc dân sự bỏ việc làm ở trong các cơ quan của các Bộ. Chàng cố gắng viết đoạn kết luận.
Chúng ta cần phải nhớ rằng lần đầu tiên người Igbo bị thảm sát, cuộc tàn sát có mức độ nhỏ hơn nhiều so với cuộc tàn sát mới vừa xảy ra, là mãi từ năm 1945. Cuộc thảm sát đẫm máu này được chính quyền thực dân Anh khởi đầu khi họ đổ thừa người Igbo đã tổ chức đình công toàn quốc, cấm người Igbo xuất bản báo, và nói chung là khơi dậy sự kỳ thị chống đối người Igbo. Quan niệm rằng chuyện tàn sát mới đây là hậu quả của "những mối thù xưa cũ" là một quan niệm sai lầm. Các bộ lạc của hai miền Bắc — Nam từ lâu đã liên hệ với nhau, ít nhất kể từ thế kỷ IX mà một số chuỗi hạt rất quý giá được khám phá ở những khu di tích lịch sử Igbo-Ukwu đã chứng minh cho điều này. Không thể nào chối cãi là những bộ lạc này đã từng có chiến tranh với nhau và bắt nhau làm nô lệ nhưng họ không giết lẫn nhau trong cung cách thảm sát tập thể như thế này. Nếu đây là thù hận thì lòng thù hận này còn rất mới. Sự thù hận này được gây ra, nói một cách đơn giản, bởi chính sách chia để trị ngấm ngầm do thực dân Anh áp dụng. Những chính sách này lợi dụng sự khác biệt về văn hóa phong tục của các bộ lạc và làm đủ mọi cách để phá hoại sự đoàn kết, do đó sẽ giúp cho sự cai trị một quốc gia rộng lớn như thế này trở nên dễ dàng.
Khi chàng đưa cho Kainene bài bảo, nàng đọc cẩn thận, cặp mắt nheo nheo, sau đó nàng bảo chàng, "Rất dữ dội".
Chàng không biết chắc cái câu rất dữ dội có nghĩa là nàng thích hay không thích. Chàng mong được sự tán thành của nàng đến gần như tuyệt vọng. Sau khi nàng đi thăm Olanna ở Nsukka, vẻ lãnh đạm xa cách của nàng trở lại. Nàng bắt đầu trưng bày ảnh của những người thân đã bị giết — Arize cười trong bộ áo cưới, cậu Mbaezi hớn hở trong bộ âu phục rất chật bên cạnh mợ Ifeka có vẻ rất nghiêm trang trong tấm áo choàng có in hình — nhưng nàng nói về họ rất ít và không nói lời nào về Olanna. Rất thường xuyên, nàng rút vào trong im lặng khi đang giữa cuộc mạn đàm, và khi nàng làm thế, chàng để nàng được yên; đôi khi chàng cảm thấy đố kị với nàng vì nàng có khả năng tự thay đổi sau khi mọi việc xảy ra.
"Em nghĩ nó thế nào?", chàng hỏi. Trước khi nàng có thể trả lời, chàng hỏi điều mà chàng đã muốn hỏi từ lâu. "Em có thích nó không? Em cảm thấy nó thế nào?"
"Em nghĩ nó có vẻ trang trọng quá, đến ngột ngạt", nàng nói. "Nhưng em thây tự hào. Em thấy vinh hạnh."
Chàng gửi bài báo cho tờ Herald. Chàng nhận được thư trả lời của họ hai tuần sau đó và chàng xé vụn lá thư sau khi đọc xong. Mục báo chí quốc tế tràn ngập những câu chuyện đầy bạo động từ Phi châu, lá thư này đặc biệt nhàm chán và dạy đời, người Phó ban Biên tập viết, có lẽ Richard có thể viết một bài theo khía cạnh con người? Họ có nói lời nào về những lời tuyên ngôn của bộ lạc khi họ thực hiện cuộc thảm sát, thí dụ thế? Họ có ăn thịt người như ở Congo? Có cách nào để ta có thể hoàn toàn hiểu đầu óc tư tưởng của dân tộc này?
Richard đặt bài báo sang một bên. Chàng thấy sợ khi ban đêm chàng ngủ ngon, khi mùi hương của lá cam và màu biển xanh vẫn làm cho lòng chàng bình yên, khi chàng vẫn tràn đầy cảm giác.
"Anh sẽ tiếp tục. Cuộc sống là thế", chàng bảo với Kainene. "Anh cần có phản ứng, mọi chuyện phải thay đổi khác đi."
"Anh không thể viết một bài trong đầu rồi bắt buộc mình phải vâng theo nó. Cứ phớt Ăng-lê đi, Richard", nàng nói rất nhẹ nhàng.
Nhưng chàng không thể phớt lờ đi được. Chàng không thể nào tin được tất cả mọi người có thể trở lại cuộc sống bình thường sau khi họ chứng kiến cuộc thảm sát. Rồi chàng cảm thấy sợ hãi hơn với cái ý tưởng mình chẳng khác gì một người chuyên rình mò những chuyện thị phi. Chàng đã chẳng phải lo sợ cho mạng sống của mình, vì thế cuộc thảm sát có vẻ như chẳng dính dáng đến chàng. Chàng đã quan sát nó bằng con mắt dửng dưng bởi biết mình được an toàn. Nhưng chàng không thể dửng dưng quan sát được, Kainene sẽ không được bình an nếu nàng có mặt ở đó.
Chàng bắt đầu viết về Nnaemeka và mùi hăng của rượu hòa với máu tươi trong phòng chờ ở sân bay, nơi người pha rượu nằm với cái mặt bị bắn vỡ toang, nhưng chàng ngừng lại vì những câu viết có vẻ như khôi hài. Nó đầy tính bi kịch. Nghe như những bài báo ngoại quốc. Nghe như những chuyện giết chóc này chưa hề xảy ra và nếu như nó có xảy ra, nó không đến nỗi như thế. Âm vang của điều không có thật, không hiện thực ghìm chặt từng chữ xuống; chàng nhớ rất rõ những chuyện xảy ra ở sân bay nhưng nếu muốn viết về nó chàng lại phải tưởng tượng và chàng không chắc là mình có thể làm chuyện ấy.
Ngày cuộc ly khai lãnh thổ được tuyên bố, chàng đứng với Kainene ở hàng hiên, lắng nghe giọng của Ojukwu trên radio, sau đó kéo nàng vào lòng. Ban đầu chàng tưởng cả hai đang run rẩy, cho đến khi chàng hơi lùi về phía sau một chút, ngắm gương mặt nàng rồi chợt nhận ra nàng hoàn toàn yên lặng, bất động. Chỉ có mình chàng run rẩy thôi.
"Chúc mừng nền độc lập", chàng nói với nàng.
"Độc lập", nàng nói, trước khi thêm, "Chúc mừng nền độc lập".
Chàng muốn cầu hôn nàng. Đây là một sự khởi đầu mới, một quốc gia mới, một xứ sở mới của hai người. Không chỉ do cuộc ly khai là điều hiển nhiên, nếu xét lại những điều mà Igbo đã phải trải qua, mà còn bởi vì những cơ hội Biafra mở ra cho chàng. Chàng sẽ là người của Biafra theo cách mà chàng không bao giờ có thể như thế nếu chàng là người Nigeria — chàng có mặt ở đây ngay từ lúc bắt đầu, góp phần vào công cuộc khai sinh nó. Chàng cảm thấy mình cũng thuộc về quốc gia này. Chàng thầm nói bao nhiêu lần, Làm vợ anh nhé, Kainene, nhưng chàng không thể thốt ra lời. Ngày hôm sau chàng trở về Nsukka với Harrison.
Richard thích Phyllis Okafor. Chàng thích mái tóc xù bồng bềnh của cô, cái giọng nói của dân miền Mississippi, cũng như cái gọng kính đầy vẻ nghiêm trang che đi cặp mắt hết sức thân thiện của cô. Kể từ khi không đến nhà Odenigbo nữa, tối tối chàng thường đến chơi, nói chuyện với vợ chồng cô, Nnanyelugo. Dường như cô ấy đoán biết rằng chàng vừa đánh mất một nhóm bạn bè giao thiệp trong xã hội, vì thế cô cứ nằng nặc mời chàng đi xem kịch nghệ, đi nghe diễn thuyết công cộng và chơi squash, một môn quần vợt chơi trong nhà. Cũng vì thế nên khi cô mời chàng đến dự một buổi học có nhan đề "Trong Trường Hợp Chiến Tranh" do hội phụ nữ trường đại học tổ chức, chàng nhận lời ngay. Chuẩn bị khi chiến tranh là một ý kiến hay, cho dù chiến tranh sẽ không xảy ra. Người Nigeria sẽ để cho người Biafra yên; họ không bao giờ đi đánh những người đã bị giày xéo vì cuộc thảm sát vừa qua. Họ sẽ vui mừng gạt bỏ người Igbo qua một bên. Richard biết chắc như thế. Chàng chỉ không chắc mình sẽ phản ứng thế nào nếu gặp lại Olanna ở buổi học. Trốn lánh là việc khá dễ dàng với chàng từ trước đến nay; trong bốn năm chàng chỉ lái xe ngang qua nàng chừng một vài lần, chàng không bao giờ ra sân quần vợt hay câu lạc bộ giáo viên và chàng không còn mua sắm ở tiệm Đông Phương.
Chàng đứng gần Phyllis ở cửa vào giảng đường và đảo mắt nhìn một vòng. Olanna đang ngồi trên hàng đầu với Bé By trong lòng. Gương mặt quyến rũ của nàng dường như rất quen thuộc, cả cái áo màu xanh với những tua dợn sóng ở cổ nàng cũng thế, dường như chàng đã nhìn thấy cả hai mới gần đây. Chàng nhìn lảng sang chỗ khác và thở phào vì Odenigbo đã không đến dự. Giảng đường đông nghẹt người. Người đàn bà trên khán đài lặp đi lặp lại điều bà ta đang nói. "Gói giấy tờ của quý vị trong túi không thấm nước và đó là cái mà quý vị phải mang theo trước nhất. Gói giấy tờ của quý vị ở trong túi không thấm nước…"
Nhiều người lên nói. Rồi buổi học kết thúc. Mọi người nấn ná lại thêm một chút để trò chuyện với nhau, cười nói và trao đổi những mẹo nhỏ "trong trường hợp chiến tranh". Richard biết là Olanna đang đứng gần, nói chuyện với một người đàn ông có bộ râu rậm dạy nhạc. Chàng quay người, một cách ngẫu nhiên, để lặng lẽ trốn đi. Chàng gần ra đến cửa thì nàng xuất hiện bên cạnh.
"Chào anh, Richard. Kedu?"
"Tôi khỏe", chàng trả lời. Da mặt chàng như căng ra. "Còn cô?"
"Chúng tôi đều khỏe cả", Olanna nói. Môi nàng sáng một lớp son bóng màu hồng nhạt. Richard để ý đến cách nàng dùng số nhiều trong câu nói. Chàng không biết chắc là nàng ám chỉ nàng và đứa bé, hay nàng và Odenigbo, hay có thể chữ chúng tôi có nghĩa nàng đề nghị quên đi chuyện cũ, quên đi những gì đã xảy ra giữa họ và những sứt mẻ trong quan hệ của nàng với Kainene.
"Bé By, con đã chào bác chưa?" Olanna hỏi, nhìn xuống đứa bé đang nắm tay nàng.
"Cháu chào bác", Bé By nói với một giọng trong trẻo.
Richard cúi xuống và vuốt má con bé. Có vẻ gì thật trầm tĩnh trong thái độ của con bé bốn tuổi làm nó trông già dặn và khôn ngoan hơn tuổi thực. "Chào Bé By."
"Chị Kainene thế nào?" Olanna hỏi.
Richard lẩn tránh ánh mắt nàng, không biết chắc là mình nên tỏ thái độ như thế nào. "Cô ấy khỏe."
"Quyển sách của anh có xúc tiến trôi chảy không?"
"Có. Cảm ơn cô."
"Nó vẫn còn được đặt tên là Giỏ Chứa Bàn Tay?"
Chàng thấy thú vị vì Olanna vẫn nhớ. "Không." Chàng ngưng và cố gắng để không nhớ mình đã làm gì với cái bản thảo ấy, về ngọn lửa đã đốt cháy nó thành than nhanh chóng. "Nó được đặt tên là Thời Đại Bình Đồng."
"Cái tựa đề khá thú vị", Olanna thì thầm. "Tôi hy vọng chiến tranh sẽ không xảy ra nhưng buổi học này khá hữu ích phải không?"
"Vâng."
Phyllis đến gần, chào Olanna, và rồi kéo cánh tay Richard. "Người ta nói Ojukwu đang đến! Ojukwu đang đến!" Có người lên giọng nói to ở bên ngoài.
"Ojukwu?" Richard hỏi.
"Vâng, vâng!" Phyllis bước về hướng cửa. "Anh có biết là ông ấy bất ngờ ghé thăm ký túc xá của Đại học Enugu cách đây vài ngày không? Có vẻ như là đến lượt trường của chúng ta!"
Richard đi theo cô ra ngoài. Họ nhập vào một nhóm giảng viên đứng xung quanh tượng con sư tử; Olanna đã biến mất.
"Ông ấy đang ở thư viện." Có người nói.
"Không, ông ta đang ở trong ngôi nhà của Ban chấp hành sinh viên."
"Không, ông ấy muốn diễn thuyết với sinh viên. Ông ấy đang ở khúc đường của ban Quản lý."
Vài người đã rảo bước hướng về khu nhà của ban Quản lý, Phyllis và Richard cũng đi theo. Họ vừa đến gần mấy cây tán dù trồng xếp hàng dọc theo đường xe chạy, Richard nhìn thấy một người đàn ông có râu, diện mạo rất sáng sủa và trang trọng, mặc quân phục có thắt lưng, đang sải bước dọc theo hành lang. Một vài phóng viên đang xô lấn nhau chạy theo ông ta, tay giơ cao máy ghi âm như là tặng phẩm dành cho ông. Sinh viên tụ tập rất đông khiến Richard phải tự hỏi bằng cách nào mà họ có thể nhóm họp nhanh như vậy. Họ đã bắt đầu lên tiếng reo hò nhịp nhàng. "Quyền lực! Quyền lực!" Ojukwu đi xuống cầu thang và đứng trên một vài khối xi măng chỗ thảm cỏ xanh mướt. Ông giơ tay lên. Mọi thứ trên con người ông đều bừng sáng, từ chiếc đồng hồ sáng choang, bộ râu cắt tỉa cẩn thận, bờ vai rộng.
"Tôi đến để hỏi các bạn một câu", ông nói. Giọng nói mang âm hưởng Đại học Oxford của ông dịu dàng đến ngạc nhiên, nó không có âm vang sang sảng như giọng nói trên radio mà có chút gì hơi kịch, hơi nặng về trình bày, và hơi cân nhắc quá độ. "Chúng ta phải làm gì? Chúng ta có nên giữ thái độ im lặng để họ bắt buộc chúng ta phải quay trở lại Nigeria? Chúng ta có nên làm ngơ trước hàng ngàn cái chết của anh chị em chúng ta ở miền Bắc không?"
"Không! Không!" Sinh viên đang tràn vào sân rộng và đường lái xe. Nhiều giảng viên đã đậu xe của họ dọc đường để gia nhập đám đông. "Quyền lực! Quyền lực!"
Ojukwu giơ cao bàn tay và đám đông ngừng. "Nếu họ tuyên bố chiến tranh", ông ta nói, "Tôi muốn nói cho các bạn biết cuộc chiến tranh này sẽ kéo dài và rất gian khổ. Các bạn có sẵn sàng không? Các bạn có sẵn sàng không?".
"Có! Có! Ojukwu, nye anyi egbe! Cho chúng tôi súng! Iwe di anyi n’obi! Lòng chúng tôi đầy phẫn nộ!"
Lúc này những tiếng reo hò nhất loạt vang lên — cho chúng tôi súng, lòng chúng tôi đầy phẫn nộ, cho chúng tôi súng. Những âm thanh nhịp nhàng đến độ ngây ngất. Richard liếc nhìn Phyllis đang huơ huơ nắm đấm lúc cô ta hò hét. Chàng đảo mắt nhìn tất cả mọi người xung quanh lúc ấy đầy vẻ căng thằng và quyết tâm, trước khi chàng cũng bắt đầu khoa tay và hô to. "Ojukwu, cho chúng tôi súng! Ojukwu, nye anyi egbe!"
Ojukwu mồi một điếu thuốc và ném que diêm ra sân. Ngọn lửa lóe lên một lúc, trước khi ông thò mũi giày ống sáng loáng của ông ra mà dập tắt. "Ngay cả ngọn cỏ cũng chiến đấu cho Biafra", ông nói.
Richard kể cho Kainene nghe chàng đã bị Ojukwu thu hút đến thế nào ngay cả khi ông ta đã có dấu hiệu bị hói đầu quá sớm, hơi có vẻ màu mè khoa trương và đeo một chiếc nhẫn có vẻ xa hoa không đúng chỗ. Chàng kể Kainene nghe về buổi học. Chàng tự hỏi không biết có nên nói cho nàng biết là mình tình cờ gặp Olanna. Hai người đang ngồi ở hàng hiên. Kainene đang gọt cam bằng dao, vỏ cam được bỏ vào cái đĩa dưới đất.
"Anh gặp Olanna", chàng nói.
"Thế à?"
"Ở trong buổi học. Bọn anh chào nhau và cô ấy hỏi thăm em."
"Thế à?" Quả cam trượt khỏi tay nàng, hay có lẽ nàng đánh rơi nó, bởi vì nàng để nó nằm yên trên nền nhà có đá cẩm thạch ở hàng hiên.
"Anh xin lỗi", Richard nói. "Anh nghĩ là anh nên nói cho em biết việc anh gặp cô ấy."
Chàng nhặt quả cam đưa cho nàng nhưng nàng không chịu cầm. Nàng đứng lên, đi đến hàng rào.
"Chiến tranh sắp xảy ra", nàng nói. "Port Harcourt sắp lên cơn điên."
Nàng nhìn xa xăm, dường như nàng thật sự thấy thành phố trong cơn thác loạn của những bữa tiệc quá trớn, những cuộc tình thác loạn, những chiếc xe phóng với tốc độ khủng khiếp. Chiều hôm ấy trước đó không lâu, một thiếu nữ ăn mặc sang trọng đến gần Richard ở trạm xe lửa. "Về nhà tôi, từ trước đến nay tôi chưa từng làm tình với một người đàn ông oyinbo, nhưng bây giờ tôi muốn thử cho biết tất cả mọi thứ!", cô ta vừa nói vừa cười ha hả, mặc dầu cơn thèm muốn điên cuồng trong mắt cô ả có vẻ nghiêm trọng. Chàng vuột thoát tay rồi bỏ đi và ngạc nhiên thấy mình buồn rũ rượi với cái ý nghĩ là cô ta rồi cũng sẽ lên giường với một người lạ mặt. Dường như dân cư trong thành phố này với những hàng phi lao ngóng gió sẵn sàng chộp lấy bất cứ cái gì họ có thể chộp, trước khi chiến tranh tước đoạt hết những chọn lựa của họ.
Richard đứng dậy, đến bên Kainene.
"Sẽ không có chiến tranh đâu", chàng nói.
"Cô ấy hỏi về em như thế nào?"
"Cô ấy nói, Kainene có khỏe không."
"Và anh nói là em rất khỏe?"
"Ừ."
Nàng không nói gì thêm về chuyện ấy; chàng cũng mong như vậy.
--------------------------------
1 Lối viết tiếng Anh của người Nigeria.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Nửa Mặt Trời Vàng.