Chương tám
-
Nửa Mặt Trời Vàng
- Chimamanda Ngozi Adichie
- 2680 chữ
- 2020-05-09 01:32:46
Số từ: 2669
Người dịch: Nguyễn thị Hải Hà
NXB Lao Động
Nguồn: vietmessenger
Olanna tạm hoãn chuyến đi Kano của nàng vì cuộc đảo chính. Nàng chờ cho đến khi các sân bay hoạt động trở lại, bưu điện và điện tín hoạt động bình thường, các vị Thống đốc quân sự được bổ nhiệm về các bang. Nàng chờ cho đến khi chắc chắn trật tự đã được thiết lập. Nhưng dư âm về cuộc đảo chính vẫn còn. Mọi người ai cũng nói đến chuyện này, cả người tài xế taxi đội mũ trắng mặc áo thụng chở nàng và Bé By từ sân bay về nhà của Arize cũng thế.
"Nhưng Sardauna không bị giết, thưa bà", ông ta nói rất khẽ. "Ông ấy được Thánh Allah phù hộ nên trốn thoát và bây giờ đang ở Mecca 1 ". Olanna mỉm cười dịu dàng và không nói gì bởi vì nàng biết người đàn ông với vòng tràng hạt treo lủng lẳng trên cái gương chiếu hậu này cần phải tin như thế. Sardauna, nói cho cùng không chỉ là Thủ hiến của miền Bắc, ông còn là vị lãnh tụ tinh thần của những người theo Hồi giáo giống ông.
Nàng kể cho Arize nghe về câu nói của người lái taxi, cô nhún vai và nói, "Không có cái gì mà người takhông nói cả". Tấm váy quấn của Arize bị đẩy tụt xuống khá thấp, dưới thắt lưng, và chiếc áo rất rộng để cho vừa với cái bụng căng phồng của Arize. Hai người ngồi ở phòng khách xem ảnh cưới của Arize và Nnakwanze treo trên vách tường dính đầy dầu, trong khi Bé By chơi với đám trẻ con trong làng. Olanna không muốn Bé By đụng vào đám trẻ nhỏ mặc quần áo rách rưới, mũi chảy lòng thòng, nhưng nàng không nói ra; nàng cảm thấy hổ thẹn vì đã có ý nghĩ như thế.
"Ngày mai, chúng ta sẽ lên chuyến bay đi Lagos sớm nhất, Ari, vì thế em có thể nghỉ ngơi trước khi mình đi mua sắm. Chị không muốn em mệt nhọc vì bất cứ chuyện gì", Olanna nói.
"Ha, mệt nhọc! Chị ơi, em chỉ mang bầu chứ đâu có bệnh tật gì. Chẳng phải những người đàn bà như em vẫn làm việc ngoài đồng cho đến lúc đứa nhỏ đòi chui ra hay sao? Và chẳng lẽ không phải chính em đã may bộ váy áo đó sao?" Arize chỉ vào góc nhà nơi chiếc máy khâu hiệu Singer ngự ở trên bàn, giữa một đống quần áo.
"Chị lo là lo cho đứa con đỡ đầu của chị trong này, chứ không phải lo cho em đâu", Olanna nói. Nàng vén áo của Arize, áp mặt vào cái bụng tròn trĩnh và cứng chắc của cô, áp vào làn da đã bị căng rất mỏng như là một nghi lễ; nàng bắt đầu làm thế kể từ khi Arize có thai; Arize nói nếu nàng làm thế thường xuyên, đứa bé sẽ được in khuôn và giống hệt nàng.
"Em không cần giống vẻ bề ngoài", Arize nói, "nhưng con bé phải giống chị về bên trong. Con bé phải có bộ óc giống như của chị và phải đọc nhiều sách vở".
"Hoặc là thằng bé".
"Không, đứa bé này phải là con gái, chị sẽ thấy. Nnakwanze nói nó sẽ là con trai và giống anh ấy, nhưng em bảo anh ấy là Chúa sẽ không cho phép con em có cái mặt to bè".
Olanna cười phá lên. Arize nhổm dậy, mở nắp một hộp có hình trang trí rất đẹp và lấy ra một số tiền. "Xem này, chị Kainene gửi tiền cho em tuần trước. Chị ấy nói em nên dùng tiền mua đồ cho đứa bé".
"Chị ấy tốt quá". Olanna biết giọng nàng có vẻ gượng gạo, biết là Arize đang quan sát mình.
"Chị và chị Kainene phải nói chuyện với nhau. Chuyện xảy ra trong quá khứ phải để nó chìm vào quá khứ".
"Mình chỉ có thể trò chuyện với người muốn trò chuyện với mình". Olanna trả lời. Nàng luôn muốn đổi đề tài mỗi khi tên của Kainene được nhắc đến. "Chị phải đưa Bé By đến chào mợ Ifeka". Nàng vội vã chạy đón Bé By trước khi Arize có thể nói một lời nào.
Nàng phủi cát trên mặt và tay của Bé By trước khi hai mẹ con bước ra khỏi làng và đi ra đường. Cậu Mbaezi vẫn còn ở ngoài chợ, và hai mẹ con ngồi với mợ Ifeka trên một băng ghế dài trước quầy hàng của mợ, Bé By ngồi trong lòng nàng. Trong sân đầy ắp tiếng trò chuyện của láng giềng và tiếng hét ỏm tỏi của trẻ con chạy vòng quanh cây kuka. Có người nào đó mở nhạc rất to; không lâu, một đám đàn ông bắt đầu cười và xô đẩy lẫn nhau, hát nhại theo bài hát. Mợ Ifeka cũng bật cười và vỗ tay.
"Có gì buồn cười thế?" Olanna hỏi.
"Đó là bài hát của Rex Lawson". Mợ Ifeka trả lời.
"Bài hát này có gì buồn cười?"
"Người mình nói ban hát phụ họa mmee-mmee-mmee, nghe như dê kêu". Mợ Ifeka cười khúc khích. "Người ta kể rằng Sardauna cũng kêu như thế khi ông ta van xin tha mạng. Khi lính pháo kích vào nhàông ta, ông ta bò đằng sau mấy bà vợ và kêu, Mmee-mmee-mmee, xin đừng giết tôi, mmee-mmee-mmee!"
Mợ Ifeka lại cười vang, Bé By cũng cười như thể nó cũng hiểu chuyện vậy.
"Ồ", Olanna nghĩ về Bộ trưởng Okonji và tự hỏi không biết ông ta có kêu như thế trước khi bị giết. Nàng nhìn qua bên kia đường, nơi trẻ con đang chơi đánh vòng đua với nhau. Có một cơn bão cát bắt đầu nổi lên từ xa, cát bụi bốc lên mờ mịt.
"Sardauna là một người ác độc, ajo mmadu", mợ Ifeka nói.
"Hắn ghét chúng ta. Hắn ghét tất cả những ai không cởi giày và cúi mọp chào hắn. Không phải chính hắn ta là người đã cấm trẻ con mình không được đến trường hay sao?"
"Họ không nên giết ông ấy", Olanna nói nhỏ nhẹ. "Họ chỉ nên bỏ tù ông ấy thôi".
Mợ Ifeka hơi gắt. "Bỏ hắn vào tù? Ở cái xứ Nigeria mà hắn có thể kiểm soát tất cả mọi thứ?" Mợ đứng dậy và bắt đầu đóng cửa hàng. "Đi, vào nhà để mợ nấu cái gì đó cho Bé By ăn".
Khi Olanna về đến xóm của Arize, nàng vẫn cònnghe thấy bản nhạc của Rex Lawson oang oang. Nnakwanze cũng thấy bản nhạc rất buồn cười. Anh ta có hai cái răng cửa bàn cuốc, khi anh ta cười, có cảm giác như cả đám răng chen chúc nhau đến khổ trong cái miệng nhỏ tẹo của anh ta. Mmeee-mmeee-mmeee, một con dê khẩn cầu đừng bị giết, mmeee-mmeee-mmeee.
"Đâu có gì đáng cười chứ". Olanna nói.
"Chị ơi, nghe rất buồn cười mà". Arize nói. "Chị học nhiều quá nên chị không còn biết cười nữa".
Nnakwanze đang ngồi trên nền nhà dưới chân của Arize, nhẹ nhàng xoa bụng của cô theo vòng tròn. Anh ta bớt lo lắng đi rất nhiều so với lúc hết năm đầu sang năm thứ hai, rồi đến năm thứ ba sau khi hai người cưới nhau mà Arize vẫn không có mang; mẹ anh ta đến thăm thường xuyên, chỉ chỉ vào bụng Arize rồi giục cô thú nhận xem đã phá thai bao nhiêu lần trước khi hai người cưới nhau, đến nỗi anh ta phải bảo mẹ mình thôi đừng đến nữa. Anh ta cũng bảo mẹ đừng có mang mấy thứ thuốc đắng ngắt, có mùi hôi nồng nặc đến bắt Arize phải trợn trạo nuốt nữa. Bây giờ Arize đã có thai, anh ta làm thêm giờ ở hãng xe lửa và khuyên cô nên giảm số giờ may.
Anh ta vẫn còn ê a bài hát và cười ngất. Một con dê năn nỉ để đừng bị giết, mmeee-mmeee-mmeee.
Olanna đứng dậy. Gió về đêm se lạnh, khó chịu. "Ari, em nên đi ngủ, để có sức sáng mai đi Lagos".
Nnakwanze có vẻ như muốn đỡ Arize đứng lên, nhưng cô nàng đẩy chồng ra một bên. "Em đã nói với anh là em không có bệnh tật gì cả. Em chỉ có thai thôi".
Olanna thấy mừng là căn nhà ở Lagos đang bỏ trống, không có ai sống. Bố nàng gọi điện báo ông sẽ đi nước ngoài. Nàng biết bố nàng muốn đi xa cho đến khi mọi chuyện êm xuôi trở lại, bởi vì ông cũng lo lắng về những khoản mười phần trăm, những bữa tiệc hoang phí và những mối quan hệ "bôi trơn" của ông, nhưng cả bố lẫn mẹ nàng đều không nói ra. Họ nói là họ nghỉ xả hơi. Đó là quy ước giữ im lặng không giải thích của hai người, hệt như cách họ làm ngơ, giả vờ không thấy, không để ý là nàng vàKainene không còn nói chuyện với nhau và nàng chỉ về thăm nhà khi biết chắc Kainene không về.
Trong chiếc taxi của sân bay, Arize dạy Bé By một bài hát khi Olanna nhìn Lagos nhập nhoạng trôi qua trước mắt nàng: giao thông nhộn nhạo, mấy cái xe buýt gỉ sét, đám đông mệt mỏi chờ xe, tiếng rao hàng, những người ăn xin lê lết trên mặt đường, những chiếc xe đẩy bằng gỗ, những người bán rong nghèo nàn dúi cả mẹt hàng vào những người không muốn mua hoặc không có tiền mua.
Tài xế ngừng trước cổng khuôn viên nhà bố mẹ nàng ở Ikoyi. Hắn nhòm cái cổng cao vợi. "Ông Thủ hiến người ta giết trước đây cũng sống ở vùng này phải không, abi, cô?" Hắn hỏi. Olanna giả vờ không nghe thấy, nói chuyện với Bé By thay vì trả lời, "Xem kìa, con làm cái gì dính vào áo thế? Nhanh lên, vào bên trong để mình giặt nó đi!".
Sau đó, tài xế của mẹ nàng, Ibekie, chở họ đến Kingsway. Siêu thị thơm mùi sơn mới. Arize đi quanh quéo hết dãy này sang dãy khác, xuýt xoa, rờ mấy túi hàng bằng nhựa, chọn quần áo trẻ em, chiếc xe nôi màu hồng, một con búp bê nhựa có đôi mắt màu xanh.
"Tất cả mọi thứ đều bóng loáng trong siêu thị, chị ạ", Arize nói, cười rạng rỡ. "Không có bụi!"
Olanna giơ lên một cái áo đầm trắng có dải đăng ten màu hồng. "O maka. Cái này xinh và dễ thương quá".
"Giá đắt quá", Arize nói.
"Không ai hỏi ý em".
Bé By lôi ra một con búp bê từ một ngăn thấp và lật ngược nó xuống, con búp bê bật tiếng khóc.
"Không, Bé By". Olanna lấy con búp bê và đặt vào chỗ cũ.
Họ đi ngắm đồ và mua sắm thêm một lúc nữa rồi đến chợ Yaba, nơi Arize có thể mua vải cho mình. Đường Tejuosho rất đông đúc, những gia đình ngồi chen chúc xung quanh mấy cái nồi thức ăn sôi sục, phụ nữ nướng ngô và chuối trên mấy chậu than, đàn ông cởi trần trùng trục chất bao hàng lên xe tải có những câu châm ngôn được sơn bằng tay: "KHÔNG CÓ GÌ MÃI MÃI, THƯỢNG ĐẾ BIẾT RÕ NHẤT". Ibekie đậu xe gần sạp báo. Olanna liếc thấy người ta đang đứng đọc tờ Daily Times và nàng như bay bổng vì hãnh diện. Người ta đang đọc bài của Odenigbo, nàng biết chắc; nhiều khả năng bài của chàng sẽ là bài hay nhất. Nàng đã đọc và sửa, làm dịu bớt lối đại ngôn của chàng, sao cho bài lý luận - chỉ có một chính quyền đoàn kết mới có thể xóa đi sự chia rẽ mà chủ nghĩa địa phương cục bộ gây ra - rõ ràng hơn.
Nàng dắt tay Bé By đi qua mặt đám người bán hàngrong ở lề đường. Họ ngồi dưới những tán dù to, pin, ổ khóa, và thuốc lá được sắp xếp cẩn thận trên những mâm hàng có tráng men. Cổng chính vào chợ vắng vẻ một cách kỳ lạ. Olanna nhìn đám đông phía trước. Có một người đàn ông mặc một cái áo may ô màu vàng đứng chính giữa trong khi hai người đứng bên cạnh tát ông ta tới tấp, hết cái nọ đến cái kia, rất đúng cách, nghe như tiếng nện da trâu, da bò. "Nào tại sao? Tại sao mầy chối?" Người đàn ông nhìn họ đăm đăm, cái nhìn trống rỗng, cổ hơi nghiêng sau mỗi cái tát. Arize dừng lại.
Có người trong đám đông hỏi to, "Chúng tôi đang tính sổ với người Igbo. Oya, lại đây và nói lý lịch của mấy người. Cô là người Igbo?"
Arize thì thào, "I kwuna okwu", dường như Olanna đang suy nghĩ nên nói cái gì và bỗng lắc đầu, rồi bắt đầu nói tiếng Yoruba thật lưu loát, và cùng lúc tự nhiên quay đầu để họ có thể đi ngược lại hướng đó. Đám đông không chú ý đến họ nữa. Một người đàn ông khác mặc bộ âu phục safari bị đập vào ót. "Mày là người Igbo! Đừng chối. Khai ngay!"
Bé By bắt đầu khóc. "Mẹ Ola! Mẹ Ola!"
Olanna bế Bé By lên. Nàng và Arize không nói với nhau lời nào cho đến khi họ trở vào trong xe. Ibekie đã quay xe chạy ngược lại và liếc chừng kính chiếu hậu. "Tôi thấy người ta đang chạy".
"Chuyện gì xảy ra thế?" Olanna hỏi.
Arize nhún vai. "Bọn em nghe tin đồn là họ đã làm cái trò này ở Kaduna và Zaria kể từ khi đảo chính; họ đi ra đường và tấn công người Igbo vì họ nói cuộc đảo chính là do người Igbo gây ra".
"Ezi okwu? Thật vậy sao?"
"Vâng, thưa cô", Ibekie nói nhanh, như là anh ta chờ đã lâu một cơ hội để nói. "Chú của tôi ở Ebutte Metta không ngủ ở nhà nữa từ khi có cuộc đảo chính. Láng giềng của ông toàn là người Yoruba, họ nói với ông là có vài người đến lùng kiếm ông. Ông ngủ ở các nhà khác nhau mỗi đêm, trong khi ông lo công chuyện buôn bán hằng ngày. Ông đã cho các con về quê".
"Ezi okwu? Thật vậy sao?" Olanna lặp lại. Nàng cảm thấy hoang mang. Nàng không thể ngờ rằng sự thể lại ra nông nỗi này; ở Nsukka, cuộc sống biệt lập, tin tức chỉ nghe loáng thoáng, hoạt động chỉ là những cuộc họp mặt buổi tối, những bài phê phán của Odenigbo và những bài báo đầy nhiệt huyết.
"Mọi chuyện rổi sẽ lắng dịu thôi", Arize nói, và chạm vào cánh tay của Olanna. "Đừng lo!"
Olanna gật đầu, nhìn ra ngoài và thấy dòng chữ được tô đậm trên một chiếc xe tải gần đó: KHÔNG CÓ ĐIỆN THOẠI TỚI THIÊN ĐÀNG. Nàng không thể nào tin được mình từ chối tông tích dễ dàng đến thế chối bỏ không nhận mình là người Igbo.
"Con bé sẽ mặc cái áo đầm trắng đó vào buổi lễ đặt tên thánh, chị ạ", Arize nói.
"Gì cơ, Arize?"
Arize chỉ vào bụng mình. "Con đỡ đầu của chị sẽ mặc cái áo đầm trắng đó trong lễ đặt tên thánh. Cảm ơn chị nhiều".
Ánh mắt rạng ngời của Arize làm Olanna mỉm cười; tình hình rồi sẽ dịu đi thôi. Nàng cù Bé By nhưng nó không cười. Bé By nhìn nàng chằm chặp bằng đôi mắt khiếp đảm còn chưa khô nước mắt.
--------------------------------
1 Thủ đô của Ả Rập.