5.3. Ghế thượng hạng
-
Tiền không mua được gì?
- Michael Sandel
- 2003 chữ
- 2020-05-09 09:43:39
Số từ: 2001
Dịch giả: Nguyễn Diệu Hằng
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Trẻ
G
iống như một vài thể chế trong đời sống của nước Mỹ, bóng chày, bóng bầu dục, bóng rổ và khúc côn cầu là nguồn gốc sinh ra sự kết dính xã hội và niềm tự hào của công dân. Từ sân Yankee Stadium ở New York đến sân Candlestick Park ở San Francisco, các sân vận động đều là thánh đường của tinh thần công dân, là không gian chung, thu hút mọi người từ mọi tầng lớp xã hội đến tham dự những nghi thức mất mát và hy vọng, báng bổ và cầu nguyện [288].
Nhưng thể thao chuyên nghiệp không chỉ là nơi thể hiện niềm tự hào của mỗi địa phương. Nó còn là một ngành kinh doanh. Trong những thập niên gần đây, tiền trong thể thao đã lấn át tính cộng đồng. Sẽ là phóng đại quá mức nếu nói rằng quyền đặt tên và hoạt động tài trợ của các công ty đã làm mất đi trải nghiệm gắn bó với đội nhà. Nhưng việc thay đổi tên gọi một địa điểm công cộng đã làm thay đổi ý nghĩa của nó. Đây là lý do tại sao người hâm mộ ở thành phố Detroit than khóc khi sân Tiger Stadium – được đặt tên theo đội bóng – được đổi thành Comerica Park – tên của một ngân hàng. Cũng vì vậy mà người hâm mộ đội Denver Broncos trở nên giận dữ khi sân Mile High yêu quý của họ – cái tên gợi đến địa điểm đặt sân – bị đổi thành Invesco Field, tên của một quỹ đầu tư tương hỗ [289].
Tất nhiên sân vận động là nơi chủ yếu để mọi người tụ tập để xem các sự kiện thể thao. Khi người hâm mộ đến sân, họ không chỉ tìm trải nghiệm về tinh thần chung. Họ đến để xem David Ortiz ghi điểm ở cuối lượt đấu thứ chín trong một trận bóng chày (điểm quyết định trận đấu – ND), hoặc xem Tom Brady ghi điểm vào giây cuối cùng trong một trận bóng bầu dục. Nhưng tính chất cộng đồng của sân đấu còn cho chúng ta một bài học chung – rằng tất cả chúng ta đang cùng ở đây, và ít nhất trong một vài giờ, chúng ta có chung cảm xúc về địa điểm này, chung niềm tự hào về vùng đất này. Khi sân vận động mất dần ý nghĩa là một địa điểm mà giống bảng quảng cáo nhiều hơn thì tính chất cộng đồng của nó cũng mờ nhạt dần. Mối gắn kết xã hội và tình cảm công dân cũng vậy.
Bài học về tinh thần chung do thể thao mang lại đang bị xói mòn ngày càng nghiêm trọng bởi một xu hướng mới đi cùng với việc trao quyền đặt tên cho doanh nghiệp – sự xuất hiện ngày càng nhiều của ghế thượng hạng. Khi tôi xem Minnesota Twins thi đấu hồi giữa thập niên 1960, chênh lệch giữa giá vé đắt nhất và rẻ nhất trên sân chỉ là 2 dollar. Thực tế là gần như suốt thế kỷ 20, sân bóng là nơi mà giám đốc ngồi cạnh công nhân, nơi mà mọi người cùng xếp hàng để mua xúc xích và bia, nơi mà người giàu hay người nghèo đều bị ướt như nhau khi trời mưa. Nhưng vài chục năm sau, mọi thứ đã thay đổi. Sự xuất hiện của ghế ngồi thượng hạng trong phòng riêng nằm trên cao, nhìn xuống sân vận động đã tách những người giàu có, người thuộc tầng lớp có đặc quyền đặc lợi ra khỏi đám đông những người bình thường phía dưới.
Mặc dù ghế thượng hạng đầu tiên xuất hiện trên sân Houston Astrodome vào năm 1965, nhưng nó bắt đầu trở thành xu hướng khi câu lạc bộ bóng chày Dallas Cowboys lắp đặt ghế thượng hạng trên sân Texas vào thập niên 1970. Các công ty đã chi hàng trăm nghìn dollar để ban lãnh đạo và khách hàng của họ có được chỗ ngồi sang trọng, phía trên đám đông. Suốt thập niên 1980, có hơn mười đội bóng làm theo Cowboys, mời những khán giả giàu có ngồi xem trận đấu trong những căn phòng vách kính tít trên cao. Vào cuối thập niên 1980, Quốc hội xóa bỏ chính sách giảm thuế cho khoản chi vào ghế thượng hạng của các công ty, nhưng nhu cầu được hưởng tiện nghi điều hòa nhiệt độ vẫn không giảm.
Ghế thượng hạng đem lại con số doanh thu bất ngờ cho các đội bóng, dẫn tới bùng nổ việc xây dựng sân vận động vào thập niên 1990. Nhưng các nhà phê bình phàn nàn rằng ghế ngồi trong phòng thượng hạng đã hủy hoại ý nghĩa không phân biệt giai cấp của thể thao. Jonathan Cohn viết:
Ghế thượng hạng, với tất cả những đặc điểm phù phiếm của nó, đã nói lên một quy luật cơ bản trong đời sống xã hội nước Mỹ: Tầng lớp tinh hoa luôn sẵn sàng, thậm chí khát khao đến tuyệt vọng muốn tự tách mình khỏi đám đông những người còn lại... Thể thao chuyên nghiệp, từng là phương thuốc chữa chứng bệnh phân biệt giai cấp, nhưng giờ lại làm sự phân biệt trở nên trầm trọng hơn
. Frank Deford của tờ Newsweek
nhận thấy yếu tố kỳ diệu nhất của thể thao đại chúng luôn luôn là
tính dân chủ... Sân vận động là để dành cho những cuộc tụ họp lớn, một ngôi làng xanh của thế kỷ 20, nơi tất cả chúng ta đến với niềm vui chung
. Nhưng sự xuất hiện của ghế thượng hạng ở các sân truyền thống gần đây đã khiến người giàu có được tách biệt ra khỏi quần chúng nhân dân đến mức không có gì quá đáng khi nói rằng các sân thi đấu ở Mỹ đã trở thành nơi có chỗ ngồi chia rẽ nhất trong tất cả những địa điểm giải trí
. Một tờ báo ở bang Texas đã gọi phòng có ghế ngồi thượng hạng là
khu bất động sản có hàng rào bảo vệ trong thể thao
, cho phép người giàu
tự tách họ ra khỏi công chúng bình thường
[290].
Mặc dù bị phản đối, chỉ trích, nhưng giờ đây, ghế thượng hạng đã trở nên phổ biến ở hầu hết các sân thi đấu thể thao chuyên nghiệp, thậm chí cả ở sân vận động của nhiều trường đại học. Tuy các chỗ ngồi đắt tiền, bao gồm cả ghế thượng hạng trong phòng riêng và ghế trung hạng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số ghế ngồi trên sân, nhưng với một số đội bóng chày thuộc MLB, chúng mang lại đến 40% doanh thu bán vé. Sân Yankee mới – bắt đầu hoạt động từ năm 2009 – có ít hơn sân cũ 3000 ghế, nhưng có số ghế thượng hạng nhiều gấp ba. Đội Boston Red Sox có một danh sách chờ của những người muốn mua một chỗ trong tổng số bốn mươi phòng có ghế thượng hạng trên sân Fenway Park cho dù giá vé lên tới 350.000 dollar [291].
Những trường đại học có chương trình thể thao lớn cũng khó thoát khỏi sự quyến rũ của doanh thu từ ghế thượng hạng. Đến năm 1996, gần ba mươi sân vận động của các trường đại học đã có ghế thượng hạng. Đến năm 2011, hầu như sân bóng bầu dục nào của các trường cũng có ghế thượng hạng, trừ sân Notre Dame. Đạo luật thuế liên bang khấu trừ thuế cho những người mua vé thượng hạng trên sân vận động của trường đại học, tức là họ được khấu trừ 80% giá vé, coi như đó là số tiền đóng góp cho trường [292].
Cuộc tranh luận gần đây nhất về tính chất đạo đức của ghế thượng hạng đã diễn ra ở Đại học Michigan, trường đại học có sân thi đấu lớn nhất nước Mỹ. Còn có tên là Đại Ốc, từ năm 1975 đến nay, sân Michigan thu hút đến hơn 100.000 người đến xem mỗi trận bóng bầu dục của đội nhà. Năm 2007, khi ban quản trị trường đưa ra kế hoạch cải tạo sân với tổng chi phí 226 triệu dollar, trong đó bổ sung phòng có ghế thượng hạng thì một số cựu sinh viên đã phản đối. Họ viết:
Một trong những điều tuyệt vời nhất trong giải bóng bầu dục ở trường, nhất là trường Michigan là nó có không gian công cộng tuyệt vời, nơi mà công nhân chế tạo ô tô hay triệu phú đều có thể đến để cùng ủng hộ đội nhà
[293].
Một nhóm người có tên Hãy cứu lấy sân bóng lớn
đã cùng kiến nghị với hy vọng thuyết phục được ban quản trị trường chấm dứt kế hoạch xây dựng phòng chứa ghế thượng hạng. Trong 125 năm,
những tín đồ trung thành của đội bóng vàng và xanh [294] đã đứng bên nhau, chia sẻ nỗi sợ hãi, chia sẻ niềm vui, chia sẻ chiến thắng
– một nhà phê bình viết.
Ghế thượng hạng là biểu tượng đi ngược lại truyền thống ấy, chia rẽ người hâm mộ Michigan bằng thu nhập, làm xói mòn tình đoàn kết, niềm vui và tình thân giữa người hâm mộ Michigan thuộc mọi lứa tuổi, trình độ mỗi khi họ cùng đến sân. Chính ý tưởng về ghế thượng hạng trên sân Michigan là cái trái với tư tưởng công bằng mà Đại học Michigan theo đuổi
[295].
Cuộc đấu tranh phản đối đã thất bại. Ban quản trị trường đã bỏ phiếu với kết quả 5-3 nghiêng về phía thông qua kế hoạch lắp đặt 81 phòng có ghế thượng hạng trên sân Michigan. Khi sân được nâng cấp xong và mở cửa lại vào năm 2010, giá một phòng chứa 16 ghế thượng hạng mỗi mùa bóng là từ 85.000 dollar trở lên, đã gồm chi phí đỗ xe [296].
∞ ∞ ∞ ∞ ∞
[288] Đoạn này và các đoạn tiếp theo được trích từ bài báo của tôi có tên:
Thể thao bị hư hỏng
, New Republic
, 25/5/1998.
[289] Tom Kenworthy,
Người hâm mộ thể thao Denver đấu tranh bảo vệ tên sân thi đấu
, USA Today
, 27/10/2000; Cindy Brovsky,
Chúng tôi vẫn gọi nó là sân Mile High
, Denver Post
, 8/8/2001, David Kesmodel,
Invesco sẵn sàng thu lợi nhuận: Ngoài quan hệ công chúng, công ty còn tiếp cận được đội Brosco
, Rocky Mountain News
, 14/8/2001; Michael Janofsky,
Báo chí Denver tranh luận quanh chuyện tên sân vận động
, New York Times
, 23/8/2001.
[290] Jonathan S. Cohn,
Chia rẽ chỗ ngồi: Ghế thượng hạng khiến thể thao có vẻ hợm hĩnh
, Washington Monthly,
12/1991; Frank Deford,
Những mùa bóng bất mãn
, Newsweek
, 29/12/1997; Robert Bryce,
Hội chứng xa cách
, Austin Chronicle
, 4/10/1996.
[291] . Richard Schmalbeck và Jay Soled,
Xóa bỏ chính sách miễn giảm thuế cho ghế thượng hạng đi
, New York Times
, 5/4/2010; Russell Adams,
Chờ mua vé thượng hạng thật quá lâu
, Wall Street Journal
, 17/2/2007.
[292] Robert Bryce,
Ghế thượng hạng ở sân thể thao trường đại học tách khỏi đám đông dân chủ chật chội
, New York Times,
23/9/1996; Joe Nocera,
Ghế thượng hạng ở sân thể thao trường đại học
, New York Times
, 28/10/2007; Daniel Golden,
Giảm thuế khi mua vé thượng hạng
, Wall Street Journal
, 27/12/2006.
[293] John U. Bacon,
Xây – và xây mãi – sân Michigan
, Michigan Today
, 8/9/2010, http://michigantoday.umich.edu/story.php?id=7865; Nocera,
Ghế thượng hạng ở sân thể thao trường đại học
.
[294] Màu cờ sắc áo của các đội thi đấu thể thao thuộc Đại học Michigan (ND).
[295] www.savethebighouse.com/index.html.
[296]
Vé vào sân Michigan bán chậm nhưng đều đặn khi kinh tế đi xuống
, Associated Press, 12/2/2010, www.annarbor.com/sports/um-football/michiganstadium-suite-and-seats-sell-slowly-steadily-in-sagging-economy/.