XII - Chương 7
-
6 Người Đi Khắp Thế Gian (Trọn bộ 2 tập)
- James Albert Michener
- 8263 chữ
- 2020-05-09 03:40:06
Số từ: 8247
Thể loại: Tiểu Thuyết Hư Cấu
Người dịch: Nguyễn Thị Bạch Tuyết
NXB Văn Học
Theo định kỳ, những người Mỹ trọ ở khách sạn Bordeaux lại thấy cần phải ra khỏi khu phố cũ của Marrakech và đánh bạo đi vào khu phố mới. Những dịp đó, họ rời khỏi vòng bảo vệ của dãy tường đỏ cổ xưa để như quân xâm lăng Visigoth[127] lang thang vào khu thương mại rộng lớn nằm lọt thỏm giữa những dãy nhà thanh lịch từ thời Pháp thuộc. Phần đất Marrakech này giống như bất cứ cộng đồng ngoại ô giàu sang nào của Paris hay Los Angeles, và đám hippy trông lạc lõng đến nực cười. Họ ý thức được điều này, vì họ đi đứng thiếu tự nhiên, biết rõ cảnh sát đang theo dõi, nhưng những chuyến
bay
ấy thì không thể tránh được, cho dù chẳng mấy thích thú.
Vào ngày thứ Năm đặc biệt, tôi được yêu cầu cùng tham gia đoàn thám hiểm, vì vậy thỏa thuận là tất cả những người liên quan sẽ tập hợp tại quán Terrace lúc mười một giờ trưa, và tôi đang uống cà phê ở đó thì nhìn thấy đoàn người tạp nham ấy hàng một đi vào quảng trường Djemaá, Big Loomis dẫn đầu, một động vật da dày đeo chuỗi hạt, vòng tay xủng xoảng, đôi bốt da bò Tây Tạng nện cồm cộp và cái túi thêu dành cho phụ nữ lủng lẳng trên vai trái. Theo sau ông ta là ba cô gái gầy đét trước đây tôi mới thấy loáng thoáng; họ đến từ nhiều vùng khác nhau của Hoa Kỳ, và như cha mẹ họ biết thì họ vẫn đang nghiên cứu tiếng Pháp tại trường đại học ở Besançon. Phía sau họ là hai chàng trai quê ở New England đầu tóc bù xù to như quả dưa hấu, theo sau là Monica và Gretchen mặc váy ngắn, và cuối hàng là Yigal và Cato, Cato mặc bộ quần áo kỳ cục nửa châu Phi, nửa đại học Pennsylvania.
Trong lúc họ từ từ tiến bước qua quảng trường Djemaá, Big Loomis phải chịu đựng không ít lời lăng mạ của thằng Jemail cùng đồng bọn, còn những người khác lại được chào đón thân thiện. Những người bán hàng quen mặt đều gật đầu chào ra vẻ tán dương khi đoàn tháp tùng đi qua còn đám đông ở bãi gửi xe đạp thì rẽ ra nhường lối. Cuối cùng Big Loomis cũng đến trước nhà hàng, ngẩng bộ mặt to bè lên phía ban công tôi đang ngồi và gọi,
Chú ý, các vị trên ấy! Hôm nay, chúng tôi nối lại quan hệ với bà già nhỏ bé người Dubuque[128] đây.
Tôi nhập hội với họ và chúng tôi đi ngược đại lộ Mohammad V rộng thênh thang, qua tòa tháp Koutoubia xinh đẹp dưới ánh mặt trời chẳng kém gì trong bóng tối nửa đêm, rồi đi vào khu thương mại. Chúng tôi dừng bước trước một tòa nhà kiên cố có chấn song trên cửa sổ và một tấm biển đồng khiêm tốn: Ngân hàng Mỹ, New York. Đẩy hai cánh của nặng trịch ra, Big Loomis hùng dũng tiến vào đại sảnh, theo bản năng định hướng mà tiến thẳng về quầy giao dịch ghi: Quầy rút tiền từ nước ngoài gửi đến. Gõ mạnh lên mặt quầy, ông ta hỏi,
Có tin tốt lành từ Petroleum, Texas chưa?
Nhân viên quầy lật giở một tập giấy và đáp,
Đến rồi đây, thưa ông Cargill,
rồi đưa ra ô cửa tấm ngân phiếu hai trăm đô la do bà mẹ của người đàn ông to béo này gửi từ Petroleum mấy ngày trước. Bằng nét chữ bay bướm, Loomis ký mọi giấy tờ cần thiết và nhận tiền của mình bằng giấy bạc Marốc, đưa lên môi hôn từng tờ trước khi nhét vào cái túi thêu đeo vai.
Khi Big Loomis xong việc, ba cô gái gầy gò bèn tiến đến trước quầy lần lượt hỏi xem ngân phiếu của họ đã đến chưa, nhưng chỉ có hai người may mắn. Vừa nhận tiền, họ vừa nói với cô thứ ba là sẽ giúp cho đến khi cha mẹ cô chuyển séc đến. Hai chàng trai New England thì bị một phen thất vọng, nhưng các cô gái may mắn kia cũng cam đoan rằng họ sẽ có tiền tiêu và không có gì phải lo lắng cả.
Giờ là lúc cần đến tôi. Tôi theo Cato và Yigal đến ô cửa rồi nói với anh nhân viên vốn đã quen biết qua nhiều lần giao dịch trong những chuyến đi trước,
Cậu thanh niên này là Cato Jackson, từ Philadelphia đến, tôi cho rằng cậu ấy có điện tín do một người tên là John Wister gửi đến đây. Tôi không biết chính xác nó được gửi từ ngân hàng nào, nhưng tôi có thể bảo đảm cho cậu này.
Anh nhân viên lật lật tập giấy và tìm được một ngân phiếu của ngân hàng Fidelity ở Philadelphia.
Sau đó tôi giới thiệu Yigal là
Bruce Clifton, Grosse Pointe, Michigan. Tên được đặt theo tên các nhà thám hiểm Pháp.
Anh nhân viên mỉm cười và khẽ nghiêng mình.
Chắc tấm ngân phiếu được gửi từ một ngân hàng nào đó ở Detroit,
tôi nói tiếp.
Detroit cũng là tên Pháp phải không?
anh này hỏi, và khi tôi gật đầu, anh mỉm cười đưa ra tờ ngân phiếu của Yigal. Cuối cùng đến lượt Monica, và nghe tôi giới thiệu cô là con gái nhà ngoại giao Anh lỗi lạc, Ngài Charles Braham, anh nhân viên cúi người rất thấp trước khi trao cho cô tờ ngân phiếu sáu mươi bảng chuyển từ một ngân hàng Canada - một cách lách qua những quy tắc cứng nhắc của Anh chống việc xuất tiền ra nước ngoài. Vì gặp chút trục trặc trong việc hoàn tất giấy tờ nên chúng tôi quanh quẩn ở đại sảnh, lơ đãng quan sát một nhóm bảy người Mỹ đến nhận tiền trợ cấp từ nhà.
Họ là một nhóm bình thường - tóc dài, quần áo tả tơi, không được tắm rửa - và họ đến từ khắp mọi miền của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Chắc hẳn bốn cô gái cũng khá xinh đẹp hồi còn chưa tắm rửa, và một cô giờ vẫn rất đặc biệt. Cô gái có mái tóc màu mật ong, thân hình cân đối, lanh lợi và khá mồm mép. Điểm đáng chú ý là gần như nói gì cô cũng chêm vô vài câu
Ôi chà!
và
Cậu biết đấy.
Để giết thời gian, cô bắt chuyện với Gretchen:
Cậu đi cùng Big Loomis. Ôi chà! Cậu biết đấy, ông ta chơi được lắm, cậu biết đấy. Ôi chà, chúng tôi đã nghe nói đến Big Loomis từ lúc còn ở Tangier cơ, và người ta bảo, cậu biết đấy, ông ta chơi được lắm, cậu biết đấy, ôi chà!
Đến lúc này Gretchen vẫn chẳng hiểu gì cả, nhưng vị khách mới tiếp tục giải thích,
Cậu biết đấy, cậu có thể tin ông ta được, cậu biết đấy, trên đủ mọi phương diện, cậu biết đấy, ôi chà!
Cậu ở đâu đến?
Gretchen hỏi.
Claire từ Sacramento. Cha tớ làm việc với trung tâm vũ trụ ở Houston, ôi chà. Cậu biết những người lên mặt trăng rồi đấy, ôi chà. Tớ hy vọng ông già gửi séc cho tớ. Chao ôi, tớ chỉ còn đúng một đô la Mỹ, ôi chà, ai sống nổi với một đô la Mỹ kia chứ, cậu biết đấy, ôi chà?
Trong lúc cô gái huyên thuyên, Gretchen dần dần hiểu được sự tình rằng mẹ và chị cô không chịu chuyển tới Houston khi cha cô được cử đến đó,
Bởi vì cậu biết đấy ai mà thèm sống ở Texas, ôi chà, tớ không phải dân cao bồi và cậu biết đấy khi đàn ông làm tình với tớ, tớ không muốn đinh thúc ngựa của hắn thúc vào mông tớ, ôi chà.
Gretchen nhận thấy cô gái có phạm vi bạn bè rất rộng, vì người Mỹ nào vào ngân hàng lĩnh tiền nhà gửi cũng đều biết cô, nói chuyện thân mật với cô, như thể đã từng làm ăn. Khi hai cô gái cực kỳ nhếch nhác, có lẽ đang phê cứng vì ăn quá nhiều bánh xanh, nhắc cô một cuộc hẹn quan trọng, Gretchen hỏi,
Cậu bán gì à?
thì Claire hất đầu ra sau cười sảng khoái,
Cậu biết đấy, tớ bói bài ta rô.
Bài gì cơ?
Ôi chà, bài ấy. Tớ bói bài ta rô, cậu biết đấy.
Gretchen nhớ mang máng cỗ bài có những họa tiết đặc biệt của dân gypsy. Cô từng nhìn thấy lá bài Người Bị Treo, lủng lẳng lộn ngược vô tư lự trên cây nhựa ruồi, trong một quảng cáo và nó đã khơi cảm hứng cho cô ngắm nghía thật kỹ. Ngoài ra, bây giờ cô chỉ nhớ được lá bài Đại Tư Giáo ngự trên ngai với hai giáo chủ đang cung kính quỳ gối và lá Ẩn Sĩ mặc áo xám, tay cầm đèn lồng. Trong lúc cô nghĩ đến ba hình ảnh ấn tượng ấy, Claire vẫn nói thao thao:
Ôi chà, tớ bói có dễ, cậu biết đấy, phải hai mươi quẻ mỗi ngày, cậu biết đấy. Nếu thu tiền thì tớ đã giàu to rồi, ôi chà, hai mươi lần một đô la, ôi chà, có mà đủ hashish cho hàng mấy tuần.
Bất chợt nảy sinh cảm hứng, Claire nằm xoài ngay xuống nền sảnh và lôi từ túi xách ra một cỗ bài hơi quá khổ, xáo quân bài rồi yêu cầu Gretchen đảo và trải mười quân thành hình thoi, vừa làm vừa ngân nga,
Quân này bảo vệ cô ấy. Quân này cản trở cô ấy. Quân này ủng hộ cô ấy. Quân này mang vinh dự đến cho cô ấy.
Xong xuôi, Claire mỉm cười rạng rỡ ngước lên nhìn Gretchen và nói,
Ôi chà, nếu tớ bói bài ta rô cho cậu, cậu phải xuống đây với tớ,
đoạn cô giật giật gấu váy Gretchen cho đến khi cô gái phải nằm ườn bên cạnh. Biết rõ tài bói bài ta rô của Claire, Big Loomis và những người khác liền xúm lại quanh hai người đang nằm nghiêng nghiêng, và quẻ bói bắt đầu, nhưng Claire chỉ vừa mới nêu vài quan sát mào đầu thì một bảo vệ ngân hàng đã vội chạy đến nóng nảy nhắc nhở bằng tiếng Pháp,
Trước đây tôi đã cảnh cáo cô rồi, cô không thể nằm trên sàn ngân hàng này được.
Claire ngước lên cười tươi tắn, vỗ vỗ vào giày anh ta, vẫn tiếp tục bói bài. Không đặc biệt quan tâm đến những gì Claire nói, Gretchen mỉm cười với người bảo vệ và nói bằng tiếng Pháp,
Cô ấy sẽ chỉ mất một phút thôi, anh sĩ quan. Xin thứ lỗi cho cô ấy,
nhưng anh bảo vệ vẫn đứng tại chỗ, không ngừng gõ gõ chân. Không thể tập trung được, Claire nhẹ nhàng đặt tay lên giày anh ta rồi mỉm cười nói,
Ôi chà, tôi cần mọi sự tập trung có thể, anh biết đấy,
và Claire tiếp tục lan man về tương lai của Gretchen, cho dù kẻ sau hầu như chẳng hề nghe người trước. Bỗng nhiên Claire nói,
Trong cuộc bầu cử vừa rồi, cậu ủng hộ Thượng nghị sĩ McCarthy và bị cảnh sát đánh nhừ tử.
Gretchen sững người, ngước mắt nhìn Cato và Big Loomis, nhưng cả hai đang dán mắt vào Claire lúc này đã chuyển sang những chuyện lặt vặt khác, và đúng lúc người bảo vệ sốt ruột cúi xuống thu cỗ bài và giải tán đám lộn xộn, Claire nói,
Cậu từng yêu một người làm nhạc, khá xuất sắc, nhưng chuyện kết thúc rồi.
Người bảo vệ vỗ vai Gretchen nói,
Giấy tờ của cô xong rồi đấy,
vậy là cô đến thế chỗ Monica trước ô cửa, nơi tờ séc thường kỳ bốn trăm đô la đang chờ sẵn. Khi nhóm chúng tôi rời ngân hàng, mười một thanh niên khác vẫn đang xếp hàng đợi rút tiền nhà gửi.
Lúc chúng tôi rảo bước trở lại quảng trường Djemaá, Claire người Sacramento ở lại với chúng tôi, và dưới bầu trời rộng mở, bài nói chuyện của cô dường như còn kỳ quặc hơn so với khi tù túng trong bốn bức tường của một ngân hàng ngăn nắp trật tự. Tôi sẽ không cố gắng nhắc đến tất cả những
ôi chà
và
cậu biết đấy
mà cô dùng; một lần cô kể tôi nghe về gia đình mình, mỗi quán ngữ ấy cô hẳn đã thốt ra đến hàng trăm lần. Cha Claire là một nhà khoa học kỷ nguyên-vũ trụ, trong thời gian làm việc cho hãng Lockheed ở Nam California đã cưới một cô gái miền Tây Oklahoma thuộc ban thư ký. Họ sinh được hai người con gái, sau đó mẹ cô bắt đầu hành nghề chiêm tinh -
Ôi chà, mẹ tôi, ông biết đấy, xem tử vi tài nhất toàn bang California. Chà!
- trong khi cô con gái lớn lại chuyên về thần số -
Ôi chà, ông có biết là mọi việc ông làm đều có một con số, và mọi con số đều có ý nghĩa không?
- thế là nghề bói bài ta rô được để lại cho Claire.
Ba người đàn bà chia nhau bao quát hầu như cả vũ trụ huyền bí, và năm Claire mười bảy tuổi, khi cô muốn rời khỏi nhà một mình đi tới Marrakech, chị cô đã gieo một quẻ bói về thành phố này và thấy Claire đi tới đó sẽ được an toàn tuyệt đối, nhưng đến khi Claire đi rồi, chị cô mới phát hiện ra mình đã dùng lối viết cũ, Marrakesh, tức là nếu thay chữ c vào chữ s, mọi chuyện lại đâm ra đáng ngại. Nhưng sau đó mẹ cô đoán sao cho một cô gái tóc vàng giống Claire ở Marrakesh với chữ s và hóa ra mọi việc lại thuận lợi rõ rành rành, vậy nên bà mẹ và cô con gái lớn bèn thảo một lá thư khuyên nhủ:
Khi ở đó, con phải luôn luôn nghĩ mình đang ở trong một thành phố tên có chữ s, và nếu có khi nào phải ghi lại cái tên đó, con đừng quên viết với một chữ s, bởi vì như vậy thì mọi ảnh hưởng sẽ đều thuận lợi.
Claire giải thích là ba người phụ nữ trong gia đình đã quyết định không chuyển đến Houston vì cái tên phát ra những chấn động rất xấu về thần số, là điềm dữ trong bói bài ta rô và chỉ hơi thuận trong thuật xem sao, nhưng điều quan trọng hơn là mẹ cô làm nghề chiêm tinh kiếm khá bộn tiền ở California và bà nghi ngờ chuyện dân Texas tiến bộ được như dân California; nghĩa là, họ không quen bỏ đồng tiền thực tế ra để được đoán số tử vi, trong khi ở California, đó lại là một phần ngân quỹ gia đình cũng như sữa hay bánh mì.
Claire bảo cô đang trọ ở một chỗ gọi là Casino Royale, nhưng cô vẫn theo chúng tôi về khách sạn Bordeaux, và đến đó cô bói cho Cato một quẻ ta rô thuyết phục, vừa thể hiện sự tinh quái bẩm sinh đáng kể lại vừa cho thấy nhận thức sắc sảo về tâm lý học thực hành. Khi đắm mình vào trong các quân bài, cô vận dụng cả một kho từ vựng mới, như thể cô tồn tại trong hai tầng lớp - tầng lớp tinh hoa với lối nói ngắn gọn và tầng lớp nghiên cứu thuật huyền bí gồm những ẩn ý chỉ rất ít người hiểu được. Đôi lúc cô gái mười tám tuổi có vẻ mặt ngây ngô này khiến người nghe hoàn toàn kinh ngạc; chẳng hạn cô bảo Cato,
Nếu em giải thích ý nghĩa đầy đủ của quân bài Đại Tư Giáo này, anh sẽ hiểu khi em nói là anh từng sống trong một thế giới bị tư tưởng bè phái tôn giáo tàn phá, và anh đã không hòa hợp hai nửa vũ trụ của mình được. Em nhìn thấy bán cầu não trái của anh bị nén lại hoàn toàn vì thất bại ấy, và anh sẽ không thể đạt được những gì vốn nằm trong khả năng của anh trừ phi anh đưa được hai nửa đó về cân bằng. Nhưng một khi hoàn thành việc đó, anh sẽ thấy những nguồn năng lượng vô biên được giải phóng.
Nói đến đây, cô nhìn Cato bằng ánh mắt của cô Claire hồn nhiên từ Sacramento đến và vui vẻ nói,
Ôi chà! Một Thánh Thomas Aquinas[129] mới đây.
Do đâu mà em biết về Thánh Thomas Aquinas?
Ôi chà, ai mà chẳng biết con người vĩ đại nhất, anh biết đấy, giáo phụ của Hội thánh. Ôi chà, anh cổ thể tự coi mình là có học không nếu chưa bao giờ nghe nói, anh biết đấy, về Thomas Aquinas?
Tôi hết lần này đến lần khác bị kinh ngạc trước niềm tin những bạn trẻ này đặt vào điều huyền bí. Một nhóm sinh viên nghiêm túc tự nhiên đứng đầu cuộc nổi loạn chống lại các phương pháp lỗi thời trong trường đại học nọ, và một trong những kiến nghị đầu tiên của họ là chương trình giảng dạy phải cập nhật những khóa vỡ lòng về thuật chiêm tinh. Tôi đã không ít lần ngồi dự các cuộc tụ họp của những sinh viên vốn dĩ thông minh luôn nỗ lực phấn đấu vì một xã hội tốt đẹp hơn nhưng cuối cùng lại suy sụp tinh thần trong vòng ảnh hưởng của một vị guru nào đó chỉ biết qua loa về ấn bản Kinh dịch của Quỹ Bollingen. Tại Ấn Độ, tôi đã gặp một cô gái California tin chắc rằng chỉ cần xác định được chính xác trình tự viết các chương trong Ngũ kinh Cựu ước, cô sẽ được tùy nghi sử dụng mọi bí mật của vũ trụ, và tôi thích thú nhớ đến ông tiến sĩ triết học thuộc đại học Chicago nhất định không chịu rời Marrakech đi nhận công việc mới ở Massachusetts chừng nào mấy quẻ dịch chưa thuận lợi.
Chính nhờ sự nổi loạn đáng sợ chống lại tri thức này mà tôi học được khá nhiều điều từ Claire, bởi cô đại diện cho cuộc tấn công chống tính tự mãn thiển cận của khoa học. Nếu các nhà khoa học có thể điều khiển những con tàu vũ trụ cách 186.000 dặm, thì nhất thiết phải chứng minh được là họ không thể điều khiển các con tàu vũ trụ tinh thần bên trong đầu óc con người. Ở thời đại khoa học thống trị mọi trường đại học, các bạn trẻ này lại thấy cần phải tuyên bố niềm tin nơi những nỗ lực kém khoa học nhất của con người: môn chiêm tinh, bài ta rô, phép phù thủy, thần số và thuật xem tướng tay.
Tôi đã có lần ước tính rằng trong khoảng ba trăm thanh niên tôi từng gặp ở Marrakech, tất cả ngoại trừ vài người có tin vào thuật chiêm tinh và ít nhất hai trăm bảy mươi người bị thuyết phục rằng đĩa bay từ ngoài vũ trụ đang xâm nhập vào trái đất. Họ tin không phải dựa trên cơ sở các báo cáo nhai đi nhai lại từ các bang miền Nam toàn những con người từng du hành thực tế trên đĩa bay, mà bởi vì đức tin kiểu ấy sẽ khiến cha mẹ họ tức giận và các giáo sư của họ bối rối.
Như Claire từng nói,
Ôi chà, cha tôi thật không tin nổi. Ông là nhà khoa học nhưng lại có tầm nhìn của con chuột chũi. Ôi chà, ông không tin vào thuật chiêm tinh, hay bài ta rô, hay Kinh Dịch, hay hầu như bất cứ thứ gì. Điều duy nhất ông làm tốt, mọi người biết đấy, là gửi séc hàng tháng cho tôi.
Sau khi bói bài ta rô cho Cato, Claire tuyên bố cô đã quyết định chuyển đồ đạc từ Casino Royale sang Bordeaux, và lập luận của cô rất thú vị:
Ôi chà, Big Loomis lôi cuốn được tất cả những kẻ lập dị ở Marrakech, nếu lên đó ở, ta sẽ thấy thứ điên rồ nhất, cũng như tìm được lời đáp cho mọi việc.
Khi Big Loomis cồm cộp bước vào khách sạn, cô hỏi ông ta,
Ôi chà, tôi có thể chuyển vào một phòng của ông được không? Ôi chà, thế thì hay nhất đấy.
Ông ta hòa nhã gật đầu và lộc cộc đi lên gác.
Ngoài ra,
cô nói thêm khi chuẩn bị đi lấy đồ,
Ôi chà, ông ta có nguồn cung cấp cỏ xịn nhất Marrakech.
Những người khác đều bận việc, vì vậy tôi cuốc bộ cùng cô xuyên qua các con hẻm đã trở nên thân thuộc với cô còn hơn cả phố xá Sacramento, và sau khi rẽ vào nhiều lối đi chật hẹp, chào hỏi những thương nhân giờ đã quen với mái tóc vàng của cô, cuối cùng Claire đưa tôi đến một ngõ cụt, và tôi nhìn thấy dòng chữ viết nguệch ngoạc trên bức tường từng có thời màu trắng: Casino Royale.
Nhà,
cô nói.
Được một người Ả rập tràn đầy hy vọng nào đó đặt tên từ hồi Pháp thuộc, Casino Royale là ngôi nhà một tầng, tường đất, với một sân trong nằm lọt thỏm giữa mười sáu phòng cho thuê nhỏ nhất tôi từng thấy. Không phòng nào có cửa sổ, vì vậy cửa ra vào phải để mở, và tôi đứng giữa sân, gần như té xỉu vì mùi hôi thối phả ra từ một nhà xí không hoạt động hiệu quả, tôi có thể nhìn thông thống bất kể phòng nào trong mười sáu phòng, mỗi phòng đều chứa trên sáu người hoặc đang ngủ say hoặc đang gà gật lơ mơ, không ai nằm trên giường - vì Casino Royale không có bất kỳ món đồ nội thất nào dưới bất cứ dạng nào, không giường, không ghế, không bàn - mà là trong túi ngủ, hoặc, vài trường hợp, là trên những tấm chăn mỏng tang trải luôn xuống đất. Đây là bộ mặt tồi tệ nhất của Marrakech, một chỗ ngủ với giá thuê bốn mươi xu Mỹ một đêm, được trông coi bởi một người Ả rập chột mắt khốn khổ chỉ có độc nhiệm vụ thu tiền, nếu thu được, và duy trì cho cái buồng tắm bẩn thỉu hoạt động, nếu có thể duy trì được. Hai nhiệm vụ ấy, ông ta đều thực hiện kém cỏi như nhau.
Claire đi thẳng vào căn phòng nhỏ thuê chung với bốn thanh niên cô đã gặp ở quảng trường Djemaá, và khi nghe nói cô sắp chuyển đi bọn họ tỏ ra vô cùng lo lắng, vì cũng như phần lớn con gái Mỹ ở Marrakech, cô đang chu cấp cho đám đàn ông, do nỗi con gái xin tiền nhà dễ hơn con trai. Cô bảo họ không phải lo, cô sẽ vẫn để ý đến họ từ giờ cho đến hết tháng, sau đó hẳn họ cũng sẽ rời Marrakech như bỡn thôi.
Nhưng chúng tớ chẳng còn gì ăn cả,
một người trong đám thanh niên than, vậy là cô chia cho anh ta nửa số tiền cha cô gửi đến sáng hôm ấy. Họ cho rằng như vậy chắc tạm đủ để giúp họ qua ngày. Đến lúc đó cô mới giới thiệu: Harold ở Detroit; Cliff ở New Mexico; Max ở Portland, bang Maine; Bucky ở Philadelphia. Qua vài câu trao đổi, tôi được biết tất cả đều đã từng có một hai năm học cao đẳng, đã bỏ học, và có thể một ngày nào đó sẽ lại quay về. Tôi không hỏi, nhưng tôi đoán ba bốn tháng rồi chưa ai tắm rửa, và hành lý duy nhất tôi có thể thấy là bốn cái túi ngủ. Chắc hẳn họ cũng có bàn chải răng và hộ chiếu, nhưng tôi không cho rằng họ có dao cạo hay xà phòng. Tất nhiên còn có một túi cần sa sử dụng chung và kha khá bánh xanh bọc trong giấy báo.
Khi tin Claire sắp chuyển đi truyền sang các phòng khác, khách trọ liền đổ ra chào tạm biệt, bày tỏ cảm xúc chân thành với cô gái vui tính, dễ hòa đồng, có vốn từ không lấy gì làm phong phú này, nhưng tôi để ý thấy không có ai ở căn phòng liền kề xuất hiện. Tôi ngó vào và thấy sáu thanh niên, cả nam lẫn nữ, đang nằm mê man bất tỉnh trong túi ngủ, như thể đã chết. Mất một lúc tôi kinh hoảng, tưởng đã có tai họa nào đó xảy ra do thứ heroin độc hại kia, nhưng nhận thấy thái độ lo lắng của tôi, Claire bèn nhìn vào phòng, đá nhẹ một cô gái, nghe thấy tiếng rên rỉ đáp lại, và trấn an tôi,
Chẳng có chuyện gì đâu. Họ vẫn khỏe.
Chắc hẳn tôi đã để lộ vẻ ngạc nhiên trước lời trấn an này, nên cô nói thêm,
Ờ, đêm qua họ muốn thử xem, ông biết đấy, bánh nướng mạnh thế nào - và, ông biết đấy, ôi chà, mỗi người ăn hai cái rồi nằm liệt luôn. Nhưng tự ông cũng có thể thấy họ chẳng sao cả. Thêm mười tiếng nữa là họ bắt đầu đi lại được thôi.
Trong lúc Claire đi quanh chào từ biệt mọi người, tôi ở lại với sáu cơ thể bất động và quỳ xuống vỗ vai một cô. Mí mắt cô ta từ từ hé mở, nhưng chỉ thấy toàn lòng trắng. Cô ta rên rỉ, lăn người nằm sấp xuống rồi lại quay về trạng thái bất tỉnh. Một chàng trai - sau này Claire nói với tôi cậu ta là sinh viên xuất sắc ở Đại học Michigan - có vẻ như đang dần dần thoát khỏi ảnh hưởng của hai cái bánh, nhưng lúc chống tay định nhổm dậy, cậu ta ngã vật xuống và lại rơi vào giấc ngủ sâu.
Trong lúc chăm chú quan sát căn phòng bẩn thỉu cùng chuyến hàng khác thường của nó, tôi thầm nghĩ đám sinh viên đáng thất vọng này đại diện cho một phần đáng kể của thế giới mới đang trên đà tiến hóa. Họ tiêu biểu cho đông đảo tâm hồn non trẻ lầm lạc đã chối bỏ xã hội của mình ở Paris, London, Tokyo và Berlin. Chính họ cung cấp dân cư cho các công xã trên những ngọn đồi nhìn xuống thị trấn Taos ở New Mexico, các khu kiều dân ở Nepal và các hang động ở đảo Crete. Họ là một lớp người mới, khó hiểu nhất, và nhìn sự chọn lọc này, tôi nghĩ đến các gia đình họ bỏ ra đi. Chắc hẳn những nơi ấy không mấy khác mái ấm tôi đã rời xa khi còn trẻ; cha mẹ họ chắc hẳn cũng dành cho họ những hy vọng tương tự của cha mẹ tôi đã dành cho tôi. Có lẽ cả sáu người đang ngủ này đều từng học đại học và đã bỏ nửa chừng, lãng phí món học phí do cha mẹ họ chu cấp, và tôi tự hỏi các bậc cha mẹ ấy sẽ cảm thấy thế nào nếu họ có thể đứng tại chỗ tôi lúc này. Đây là phần mới của thế giới, và những âm vang mà nó đang khơi lên sẽ còn dội lại nhiều thập kỷ.
Sau đó tôi mường tượng về phần thế giới quen thuộc kia, hàng triệu thanh niên trên khắp Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ và mọi quốc gia đã vào đại học cùng hoàn cảnh như sáu người này nhưng lại thấy khả dĩ tự thích nghi được với những đòi hỏi truyền thống, và tôi biết công trình tương lai của xã hội - nhà máy, bệnh viện, bảo tàng nghệ thuật, hội đồng thành phố - sẽ được hoàn thành bởi lớp người ở lại quê nhà học hành làm việc theo đúng cách mà phần lớn thanh niên vẫn làm suốt cả quá trình lịch sử. Những người bỏ học ở California và những kẻ bị bỏ rơi ở Marrakech thật đáng chú ý; những thanh niên ổn định chăm chỉ học hành lại khiến cho người ta yên lòng. Thật hứng khởi biết bao khi nhớ ra rằng Harvard, Michigan và Tulane vẫn đang đào tạo nhiều sinh viên có kiến thức như trước nay, và rằng xét về mọi mặt chính những sinh viên đó sẽ bảo đảm sự tồn tại của xã hội chúng ta. Các chàng trai phải học toán thì vẫn đang học toán; các cô gái cần hóa học thì vẫn đang tinh thông môn hóa.
Nhưng rồi tôi lại nảy ra mối nghi ngờ khó chịu là sự lãnh đạo tinh thần cho cái xã hội ấy - cái xã hội mà sự tồn tại về mặt vật chất được đảm bảo nhờ những sinh viên bình thường ở lại làm việc - rất có thể sẽ thuộc về những kẻ thích phiêu lưu mạo hiểm đã tiếp thu được phần kiến thức sống còn nhất của mình tại các phòng trọ công cộng không ai ngờ như Casino Royale ở Marrakech hay các ổ ăn chơi ở Greenwich Village. Tôi chợt nghĩ đến Thánh Paul[130], người đã thúc đẩy nhà thờ Cơ Đốc giáo mạnh mẽ nhất; ông không xuất thân từ trường tôn giáo yeshiva bảo thủ mà từ nơi ngõ hẻm bùn lầy nước đọng thời ông. Các ca sĩ thể hiện thành công nhất tinh thần của thời đại này không xuất thân từ trường Harvard, Stanford hay Tulane mà từ các trung tâm đào tạo tổ chức kém hơn như Pamplona, Copenhagen hay Conakry vì sự học hỏi đích thực của một đầu óc hiếu kỳ diễn ra bất thình lình và trong những môi trường có khi chẳng thể đoán trước hay quy định được.
Tôi thấy có lẽ sự kết hợp sáng tạo nhất cho một xã hội sẽ là chín phần mười nhân lực đáng tin cậy xuất thân từ các học viện như Viện Công nghệ Massachusetts, còn một phần mười là nhà thơ ở Marrakech, nhưng bất chấp thực tế bản thân tôi từng được đào tạo thành một trong số những lao động đáng tin cậy ấy, đồng nghĩa với việc mọi sự đồng cảm của tôi lẽ ra phải đặt ở nhóm này, tôi không từ bỏ nhà thơ được. Vấn đề là phải tìm được anh ta.
Đứng trong căn phòng nền đất nhỏ xíu ấy, giữa mùi hố xí hôi thối vít kín lỗ mũi và sáu học giả mê man bất tỉnh dưới chân, tôi kết luận là trong số thanh niên đang trọ ở Casino Royale, hơn chín mươi phần trăm hỏng hẳn chẳng còn lao động sáng tạo được nữa. Trong những kẻ đã bị hủy hoại ấy, không ít sẽ leo thang lên heroin và trở thành vô dụng tuyệt đối. Số khác sẽ thỏa mãn với việc lờ phờ hút cần sa hết buổi này sang buổi khác, không bao giờ mất hết khả năng lao động nhưng cũng chẳng bao giờ hoàn toàn kiểm soát được khả năng của mình. Một số người sẽ nhiễm phải những thói quen tình dục không thể thích nghi được, và một thập kỷ sau, tôi sẽ thấy họ dật dờ khắp các quán rượu ở Torremolinos hay sống ở Algarve với một bà góa London giàu có. Và vẫn còn số khác nữa trong chín mươi phần trăm kẻ bỏ đi ấy, những người nhiễm phải căn bệnh khủng khiếp không bao giờ hồi phục được - bệnh mất trí nhớ - và đám người này sẽ lải nhải mãi không thôi đến bao giờ bạn bè phát bực,
Đáng lẽ năm ấy anh phải tới Marrakech cùng chúng tôi.
Họ sẽ nhớ điều đó như thời điểm đáng nhớ nhất cả cuộc đời mình.
Như vậy còn lại một nhóm khoảng mười phần trăm, từ đó sẽ xuất hiện những người sống sót, một hai người sẽ tỉnh ngộ mà nhìn bao quát thế giới, sẽ hiểu cuộc đời là một thực tế đáng sợ, một sự kết hợp thành bại, và có thể dìu dắt tinh thần cho thế giới ở mức độ nào đó. Việc học hành của những nhà lãnh đạo như vậy chẳng bao giờ dễ dàng, cũng không hề nhẹ nhàng hay an toàn. Không người cha nào dạy dỗ quý tử của mình theo cách tệ hại như cách cậu bé Saul bị dạy dỗ, chỉ ăn may năm ăn năm thua là biết đâu khi trưởng thành cậu có thể được như Thánh Paul; không người lập kế hoạch có logic nào lại đòi hỏi con cá sấu phải ấp một trăm quả trứng trên bờ cách mép nước trăm thước với hy vọng một cá sấu sơ sinh có thể thoát xuống sông trước khi bị lũ linh cẩu và cò ăn sống nuốt tươi như chín mươi chín anh chị em của nó, nhưng đó là con đường do tự nhiên định đoạt. Phương thức đó vừa lãng phí vừa bi thảm, nhưng nó thực hiện được chức năng của mình.
Nhìn vào đám đông nhếch nhác đang tạm biệt Claire và bộ bài ta rô của cô, tôi chẳng dám đánh cược dẫu chỉ một trong những người lôi thôi lếch thếch ấy sẽ làm được gì nên hồn, vì hiển nhiên họ đã ở vào hạng hỏng đời rồi; nhưng tôi cũng hiểu là nếu được giao việc tìm nhà lãnh đạo giàu sức thuyết phục có thể nói chuyện với thế hệ tương lai, thì thay vì ở khách sạn Mamounia tiệt trùng đang trọ, tôi sẽ có nhiều cơ may phát hiện ra người đó hơn nếu đến Casino Royale nơi họ trọ.
Song, ngay khi nghĩ đến điều này, tôi cũng nhận ra mình đã dùng từ nhà lãnh đạo theo hai nghĩa. Từ lớp thanh niên siêng năng trong nước, những người đang hoàn thành nhiệm vụ học tập theo phong cách truyền thống, sẽ xuất hiện các nhà lãnh đạo có tính chất xây dựng như Aristotle, Pericles, Maimonides, Martin Luther, Thomas Jefferson và Winston Churchill, trong khi từ nhóm người Marrakech sẽ nổi lên những nhân vật thành công nhanh chóng như Thánh Paul và Thánh Augustine, những người đã thú nhận là từng sống trong hoàn cảnh tương tự, hay như Byron và Dostoievsky, từng hấp thu các kinh nghiệm tương đương, như Josef Stalin và Adolf Hitler, được nuôi dưỡng bằng cùng một thứ suy tư chính trị rối rắm. Tôi ngờ rằng trong mọi thế kỷ sắp tới, riêng trong vấn đề bộ phận lãnh đạo, thế giới sẽ vẫn tiếp tục tạo ra và đi theo đúng kiểu thuyết nhị nguyên đó, và lịch sử sẽ là hồ sơ ghi chép lại sự tương tác giữa hai thế giới của Michigan và Marrakech.
Lúc tôi mang cái túi ngủ hôi hám của Claire ra khỏi Casino Royale, cô túm tay tôi nói,
Ôi chà, nơi này, ông biết đấy, tôi không bao giờ quên được. Cả mùi hôi thối. Cả những cuộc tranh luận không dứt của chúng tôi nữa.
Nhưng khi về đến khách sạn Bordeaux, chúng tôi lại cảm nhận được một bầu không khí khích động kiểu khác, vì có vẻ như mọi người đều đổ hết ra ban công.
Chuyện gì vậy?
tôi hỏi, và một cô gái trường Wellesley chỉ về phía phòng Monica trên tầng ba. Tôi đánh rơi cái túi ngủ của Claire và chạy lên thang, nhưng chưa được mấy bước đã thấy Monica đứng ở cửa phòng, quan sát Big Loomis và Cato khiêng một vật từ phòng khác ra.
Gì vậy?
tôi hỏi.
Anh gay Mississippi,
một cô gái thầm thì.
Cậu ấy làm sao?
Chết rồi.
Big Loomis và Cato đã ra đến đầu cầu thang. Trong lúc họ khiêng cái bọc cứng đơ xuống, các ban công im lặng như tờ. Hàng mấy chục nam nữ thanh niên nhìn theo đoàn đưa ma, và tận đến khi họ đã im lặng nghiêm trang đi qua chỗ tôi, cô gái Wellesley thứ hai mới thì thầm,
Chúng cháu vào phòng anh ấy... mang đồ ăn cho anh ấy. Anh ấy say thuốc quá nặng rồi. Chúng cháu lay gọi nhưng anh ấy không có phản ứng gì... thậm chí phản ứng bất tỉnh như mọi khi cũng không. Chúng cháu sợ quá bèn gọi ông Big Loomis xuống. Chúng cháu nói, ‘Hay ta mời bác sĩ?’ thì ông ta hỏi lại, ‘Để làm gì?’ Thế là chúng cháu hiểu anh ấy chết rồi.
Chợt có tiếng ầm ĩ dưới sân. Đó là thằng Jemail đang cuống cuồng biện bạch,
Không phải lỗi tại tôi, không phải lỗi tại tôi!
Cút ra khỏi đây, đồ chó đẻ,
Loomis gầm gừ.
Sáng nay mày mang heroin đến cho cậu ấy! Mấy cô gái trông thấy mày.
Anh ta lúc nào cũng mua thứ rẻ nhất. Chẳng bao giờ trả tiền cho hàng an toàn cả. Nên anh ta mới bị o-d. Lỗi tại tôi đâu.
Sao mày không cuốn xéo ra khỏi đây nhỉ?
Cato hỏi, nâng một bàn tay của cái xác lên ấn vào mặt thằng Jemail.
Thằng bé Ả rập vội lùi lại và thét lên độc địa,
Thằng mọi đen chết tiệt! Đừng có đụng vào ông! Người yêu của mày ở trên kia kìa, nó rồi cũng chẳng còn là của mày nữa đâu, thằng mọi đen chết tiệt!
Tất cả mọi người đều bất giác quay lại ngước nhìn lên tầng ba, nơi Monica đang đứng. Nhận ra thằng Jemail đang nói về mình, cô vội lấy mu bàn tay che miệng và lùi vào bóng tối. Hiểu rõ cô bị lời lăng mạ của thằng Jemail làm tổn thương, Cato định đánh thằng nhóc, nhưng nó dễ dàng tránh được và hét lên,
Thằng mọi đen thối tha, mày không giữ được đứa con gái da trắng lâu nữa đâu. Tao biết mà.
Mấy người khiêng quan tài đã chuyển cái xác ra khỏi cửa, vì sau vài lần dính líu đến chuyện đột tử do heroin, Big Loomis đã rút ra kinh nghiệm tốt hơn cả là đưa người chết đến đồn cảnh sát để mọi thủ tục giấy tờ được hoàn thành dễ hơn, và khi đoàn đưa ma đột xuất đi khuất, Claire, giọng nghèn nghẹn thầm thì lời điếu văn,
Ôi chà, anh chàng này say thuốc, ông biết đấy, mãi mãi rồi!
Sau khi tang lễ kết thúc, khách sạn Bordeaux lại vang dội tiếng cười nói vui vẻ vì Clive đã bay đến Marrakech trong chuyến lưu diễn định kỳ, cái túi vải bạt màu đỏ tía nhét đầy đĩa hát mới phát hành. Cũng như ở Pamplona, đĩa hát được ưa thích nhất là một nhạc phẩm do anh viết,
Koutoubia
, gồm hai phần đối lập, một đoạn thơ dựa trên tiếng khóc than ai oán theo kiểu phương Đông và một điệp khúc sôi nổi mô tả cảnh nam nữ thanh niên nhảy nhót khắp quảng trường Djemaá:
Koutoubia, Koutoubia!
Ngón tay Thánh Allah, trở về Marrakech.
Koutoubia, Koutoubia!
Biểu tượng niềm khát khao trong ta.
Tại Djemaá và khu chợ náo nhiệt,
Ta tìm được một thế giới riêng biệt.
Dân hippy, những chàng trai sáng sủa và kẻ lập dị,
Người gàn dở, thiếu nữ yêu ca hát và đám quỷ quái.
Kẻ cổ hủ thích gọi họ là dân Đông Á...
Còn ta lại suy nghĩ rất nhiều về họ.
Khúc hát nắm bắt được tính trữ tình của Marrakech, và đồng thời, qua nhịp điệu đứt quãng và chất phác, mô tả mặt kỳ bí của thành phố:
Người dụ rắn huấn luyện chúng trên Djemaá
Trong khi tâm hồn con người vẫn tự do,
Lông bông lang bang ngoài tâm trí ta
Trong cơn mơ màng mờ mịt khói giờ đã thành thực tại.
Lắng nghe thứ tình cảm ngây ngô trong bài hát, tôi không tin là thơ ca thế hệ này lại hay hơn hẳn những khúc hát tạp nham ngọt ngào ủy mị thời trai trẻ của tôi. Một lần tôi đã nghe Clive bật liền năm bài, tình cờ bài nào cũng có từ reality - thực tại, có lẽ một phần vì nó gồm bốn âm tiết dứt khoát và dễ ghép vần, nhưng chủ yếu là vì nó truyền tải một quan niệm triết học đầy khiêu khích:
Thế hệ chúng ta đã tìm ra thực tại.
Những cơn mơ màng mờ mịt khói thường được bóng gió trong các bài hát mới thật ra chẳng mấy liên quan đến thực tại; chúng ám chỉ rõ ràng đến cần sa và hashish, và việc truyền bá liên tục này đã phần nào giải thích tại sao nhiều thanh niên lại muốn thử hai thứ trải nghiệm đó đến thế.
Bất chấp những suy nghĩ buồn thảm này, tôi nhận thấy mình khá thích ca khúc mới của Clive, cho nên tôi đề nghị anh gửi một bản qua đường hàng không đến Vila Gonealo cho trung úy Costa Silva, tin chắc là anh ấy và đại úy Teixeira sẽ thích. Thực ra, tôi khá bối rối khi nhận ra nhịp điệu dồn dập trong mấy đĩa mới của Clive làm tôi bâng khuâng nhớ đến những bài đã thành quen thuộc hồi ở Torremolinos. Những âm thanh này rất được ưa chuộng và phù hợp với lớp trẻ; vì vậy tôi nằm dài trên giường Inger để cho nhịp điệu mạnh mẽ vang dội trong lồng ngực, bụng bảo dạ rằng nếu nó gây tác động đến tôi như vậy, tác động của nó lên các bạn trẻ sẽ còn mạnh biết bao nhiêu. Hiểu biết ban đầu mà tôi thoáng có vào buổi tối ở Brookline khi Gretchen lần đầu tiên hát ballad cho tôi lúc này đã được mở rộng lên nhiều lần, và tôi biết mà không ngờ vực gì rằng âm nhạc của họ mang tính cách mạng; lời ca, khi có thể hiểu được, là nhằm phá hủy trật tự đạo đức và lối sống gia đình; nhịp điệu thình thịch là hồi kèn kêu gọi nổi loạn chống lại các chuẩn mực đã thành nếp.
Clive mang đến cho chúng tôi tin buồn liên quan đến hậu quả của cuộc nối loạn ấy.
Tháng trước hai trong những công ty ghi âm tốt nhất của chúng tôi ở London đã quyết định ngừng phát hành đĩa nhạc cổ điển. Không có thị trường. Thật đáng tiếc! Tôi hẳn đã chẳng biết gì về âm nhạc nếu không được cai sữa bằng các tác phẩm của Mozart. Các thế hệ sau này sẽ làm gì để có được hiểu biết nếu không còn Beethoven?
Nhưng khi tôi hỏi chẳng phải chính thể loại âm nhạc mà anh viết đã dẫn đến sự thoái trào này sao, anh trả lời dứt khoát,
Mỗi thế hệ phải bảo vệ những giá trị của chính mình. Nếu lớp người của ông đòi hỏi phải có nhạc cổ điển, tinh thần ái quốc và gia đình thì hãy bảo vệ chúng. Tìm cách để những giá trị của thế hệ các ông tồn tại được là nhiệm vụ của các ông. Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm cách để thể loại âm nhạc của mình tiến lên phía trước... cả lối sống của chúng tôi nữa.
Khoảng nửa đêm, Joe và Gretchen bước vào, vậy là Clive lững thững đi ra chỗ cô như thể định nối lại quan hệ tình ái của hai người, nhưng với quyền năng thông tri huyền bí của lớp trẻ, Joe đã xen vào giữa họ theo một cách buộc Clive phải hiểu rằng đã có thay đổi. Để xác minh lại xem mình hiểu có đúng không, Clive tìm cách ngồi cùng Gretchen hai lần nữa, nhưng Joe vẫn nắm quyền chủ động, và thế là anh rút lui. Rồi, với thái độ vui vẻ vốn là đặc điểm tiêu biểu trong mọi hành động của anh, Clive đề xuất,
Tại sao chúng ta không nghe Gretchen hát vài bài nhỉ,
vậy là vài người trong nhóm đi lấy đàn guitar và chẳng mấy chốc chúng tôi có bốn ca sĩ có thể tham gia cùng Gretchen mỗi khi cô xướng tên các bài của Child, nhưng điều ngạc nhiên nhất đêm đó, với riêng tôi, lại là một ca khúc không phải của Child. Gretchen nhẹ nhàng giới thiệu bài đó giữa những đợt hút điếu thuốc lá chuyền tay:
Anh Moorman và tôi đang thử một bài cần hai giọng hát tốt. Chúng tôi chưa luyện tập nhiều nên mong các bạn miễn thứ.
Cô đánh một vài hợp âm, ngay sau đó anh sinh viên danh dự trường Michigan mà lần trước tôi nhìn thấy nằm bất tỉnh trên sàn nhà Casino Royale liền hắng giọng và bắt đầu bập bùng cây guitar của mình.
Bài này có tên là ‘Vùng đánh cá voi Greenland’,
Gretchen giới thiệu, và một lần nữa tôi lại lấy làm lạ không hiểu sao các ca khúc họ thích nhất mang những cái tên lạ lùng như vậy. Nhưng khi hai người bắt đầu bản song ca hòa quyện êm ái, cả tôi lẫn những người khác trong phòng đều bị cuốn vào vẻ đẹp của nó.
Ôi Greenland, một chốn dễ sợ,
Mảnh đất hiếm khi tươi xanh,
Nơi chỉ có tuyết và băng,
Và tia nước cá voi phun giăng giăng,
Và ánh sáng ban ngày thật hiếm thấy,
Hỡi các chàng trai dũng cảm, thật hiếm thấy.
Rồi đến một đoạn có lẽ được tạo ra từ bọt sóng do cá voi quẫy, hay từ bóng tối nhập nhoạng do vầng mặt trời đang chạy trốn nơi phương Bắc quăng ra, một tiếng khóc đích thực của đàn bà có chồng đi biển. Khi bài hát kết thúc, chúng tôi ngồi nín lặng một lúc lâu:
Không còn nữa, không còn Greenland cho các anh về nữa, hỡi các chàng trai dũng cảm!
Không còn nữa, không còn Greenland cho các anh về nữa.
Khi Gretchen nhắc lại những lời này, cô nhằm thẳng vào Clive, và anh mỉm cười. Rồi, như một cử chỉ tôn trọng cô, anh gợi ý,
Thế còn Child 173?
, mọi người khác vỗ tay tán thành, vì vậy sau vài tiếng guitar bập bùng mào đầu và gật đầu mời các bạn khác tham gia, nếu không đàn thì cùng hát, cô cất giọng trong trẻo mềm mại thể hiện khúc ballad về bốn nàng Mary, đến những đoạn thơ được mọi người say mê nhất, khi nàng thị tỳ bạc phận ôn lại quãng đời bi thảm của mình, hai cô gái khác liền hòa theo, và dường như họ đang khóc thương cho nhiều người cùng thế hệ họ, nhất là trong một đoạn thơ đặc biệt thích hợp với cử tọa tại thành phố này:
Than ôi ngày nâng niu đón ta chào đời Mẹ ta đâu có ngờ,
Bao miền đất lạ ta lưu lạc,
Cái chết nào sẽ đến, ta, người mệnh bạc.
Tiếng hát tiếp diễn một lúc, sau đó đám đông tha thiết đề nghị nghe lại đĩa mới của Clive, và lần này, khi anh bật bài
Koutoubia
, họ cùng hòa giọng hát điệp khúc, sẵn sàng ứng tác những từ họ chưa thuộc. Giữa chừng cuộc vui, Big Loomis hiện ra lù lù ở ngưỡng cửa, cái đầu bù xù lắc lư theo điệu nhạc, rồi sau đó chúng tôi nghe tiếng ông ta nện bước lên những nhịp cầu thang dài. Khoảng bốn giờ sáng tiếng hát mới tắt, Clive, ngủ nhờ trên sàn phòng Inger, ra cửa dõi mắt nhìn theo Joe dẫn Gretchen lên phòng và đóng cửa lại sau lưng. Sau đó anh nhún vai nhìn tôi, còn tôi nghĩ những thanh niên này xử lý quan hệ tình cảm của họ mới hời hợt ngẫu hứng làm sao. Những đêm tiếp theo, Clive vẫn bật nhạc cho chúng tôi nghe, lần nào cũng nài Gretchen hát, rồi một thời gian sau anh lặng lẽ đi tiếp lên phía Bắc, tới Tangier và rồi Torremolinos, nơi mọi người vẫn đang chờ anh ở quán Alamo.