VII - Chương 11
-
6 Người Đi Khắp Thế Gian (Trọn bộ 2 tập)
- James Albert Michener
- 5941 chữ
- 2020-05-09 03:39:50
Số từ: 5925
Thể Loại: Tiểu Thuyết Hư Cấu
Người dịch: Nguyễn thị Bạch Tuyết
NXB Văn Học
Một hôm, do cuộc họp đặc biệt dài với đám người Hy Lạp, đến tận giữa buổi chiều tôi mới đến quán Alamo và thấy một phụ nữ trông rất khác thường đang chờ tôi. Tại sao tôi lại nhận xét cô ta là khác thường? Đó là vì đến được Torremolinos rồi mà cô ta không có vẻ phấn chấn gì cả, và đối với một phụ nữ xinh đẹp khoảng hai mươi sáu tuổi thì điều này đúng là không bình thường. Cô ta có thân hình mảnh mai, dáng vẻ bồn chồn, mắt sắc lẻm và nói năng sốt sắng như thể cô ta chỉ có vài ngày để thực hiện một nhiệm vụ quan trọng nào đó. Nhưng điều làm tôi cảnh giác nhất là một việc không đáng kể - cách cố ý giới thiệu đầy đủ cả họ lẫn tên, một hiện tượng khá hiếm gặp ở Torremolinos, nơi tôi không bao giờ biết họ của Joe, hay của Clive, hay tên họ của bất cứ cô gái xinh đẹp nào hàng ngày vẫn ra vào chiếc pop-top.
Tôi là Susan Eltregon,
cô ta nói và bắt tay tôi một cách xã giao.
Tôi được biết có thể gặp Cato Jackson ở đây.
Thấy tôi gật đầu, cô ta nói tiếp,
Và cả Gretchen Cole nữa.
Cô ấy sẽ hát ở đây lúc năm giờ.
Có cách nào để tôi gặp họ ngay bây giờ không?
Họ đến rồi lại đi. Tôi chắc họ đang ở trong thành phố, nhưng cả ngày hôm nay tôi chưa gặp họ.
Thế ông là ai?
George Fairbanks. World Mutual.
Nghe tôi nhắc đến hãng ở Geneva, cô ta căng thẳng hẳn lên. Tôi tin chắc cô ta đã nghe về chúng tôi, và những gì nghe được làm cô ta không hài lòng, nhưng cô ta tuyệt nhiên không để lộ ra, ngoại trừ thái độ khinh ghét qua trực giác.
Tôi chờ được không?
cô ta hỏi gọn lỏn.
Đây là quán bar mà,
tôi đáp. Tôi không thích cô ta, và tôi đoán cô ta cũng biết vậy, nhưng cô ta vẫn ngồi xuống bên tôi. Khi tôi hỏi,
Cô đến Torremolinos có việc gì?
cô ta ngẫm nghĩ một lúc, rồi kết luận là chắc hẳn tôi sẽ hỏi dò quanh đây cho đến khi tìm ra mới thôi.
Haymakers,
cô ta đáp.
Tôi mới chỉ nghe nói về nhóm này qua những bài báo đăng trên tờ Paris Herald Tribune, nhưng đôi mày tôi vô tình cau lại, để lộ ra tôi đã đọc được ít nhiều tư liệu như vậy, vì tôi chưa kịp phản ứng, cô ta đã nói,
Tất cả những gì báo chí nói về chúng tôi đều đúng cả.
Cô ta nói nhanh như nuốt chữ, dằn giọng, và vì một lý do nào đó không thể giải thích được, tôi nhận xét,
Cô đang mặc bộ váy áo khá đắt tiền đấy nhỉ,
thế là cô ta rít lên,
Người làm cách mạng không nhất thiết phải là kẻ bần cùng,
và tôi cũng lầm bầm,
Hiếm khi lắm.
Cô ta lạnh lùng nhìn tôi một lúc rồi nói,
Tôi chẳng việc gì phải tranh cãi với ông cả, ông Fairbanks... chỉ có điều khi nào lẽ phải thắng thế, các hãng kinh doanh như của ông sẽ bị thanh toán trước tiên. Các ông là một tập đoàn bóc lột quốc tế và các ông phải cuốn xéo.
Đúng thời gian này tôi lại đang tiến hành một vụ giao dịch mà hãng chúng tôi đang cố gắng hút một ít máu đây, và tôi không cuốn xéo đi đâu cả. Cô có muốn giúp tôi không?
Tôi đến đây để gặp Cato Jackson và Gretchen Cole.
Sao cô lại có thể quan tâm đến họ nhỉ?
Ý ông là sao Haymakers có thể quan tâm phải không? Jackson và Cole là người của Haymakers. Họ còn chưa nhận ra điều này nhưng chắc chắn họ sẽ là thành viên Haymakers.
Họ sẽ ngạc nhiên lắm nếu cô nói thế với họ đấy.
Những gì họ từng trải qua đã khiến nó trở thành chuyện không thể tránh. Chỉ cần thức tỉnh họ thôi.
Họ là những kẻ mộng tưởng hão huyền bẩm sinh chăng? Và cô đến đây để thức tỉnh họ?
Các sự kiện sẽ thức tỉnh họ. Tôi đến đây để chỉ cho họ thấy các sự kiện.
Cô là cấp chỉ huy trong Haymakers chăng?
tôi hỏi.
Chúng tôi không bận tâm tới những điều vớ vẩn như vậy,
cô ta cáu kỉnh.
Tổ chức Haymakers[76] lấy cái tên khác thường đó vì ba lý do. Nó mang hình ảnh một cú đấm rất mạnh sẽ làm nốc ao lực lượng quyền uy. Nó còn có nghĩa rộng là người khôn ngoan biết lợi dụng tình thế hiện tại - cắt và phơi cổ lúc trời nắng. Và cuối cùng nó còn cho thấy cuộc sống nông thôn và tránh bị mang cái tiếng phong trào thành thị, mà thực ra đúng là như vậy.
Thành viên Haymakers, phần lớn dưới ba mươi tuổi, góp phần vào sự phá hủy triệt để xã hội Mỹ, phá không chừa lại gì. Kế hoạch của họ rất đơn giản: can thiệp vào bất cứ tình thế rối ren nào, làm căng thẳng gia tăng, không để thời gian cho mọi việc ổn định, duy trì tình trạng vô chính phủ, và dựa vào sự hỗn loạn do tình trạng đó gây nên để biến thanh niên thành những kẻ quá khích. Khi nào có đủ lực lượng nòng cốt trẻ có năng lực đã thay đổi chính kiến thành nhà cách mạng tận tụy, các phong trào quần chúng quy mô lớn sẽ được phát động để phá bỏ cơ cấu xã hội: ngân hàng sẽ bị mất tín nhiệm, lực lượng Cảnh vệ Quốc gia sẽ bị trói chân trói tay, trường đại học sẽ bị phá bỏ, các cơ quan xã hội như tòa báo và đài truyền hình sẽ bị vô hiệu hóa.
Khi việc phá hủy triệt để đã hoàn thành, Haymakers lên kế hoạch nhảy vào giữa cảnh hỗn loạn và – với lực lượng nòng cốt được chỉ đạo chặt chẽ - làm cho cảnh sát, quân đội, hệ thống trường học và chính quyền thành phố không hoạt động được. Nếu vào cuối thời kỳ hỗn độn ấy mà vấp phải sự chống đối, họ sẽ chiến đấu ngoài phố, nhưng cho dù không tiến hành được một cuộc chiến đấu như vậy thì những kẻ nắm quyền cổ hủ vẫn phải bị thanh toán. Một trong những cách nói quen thuộc của các thành viên Haymakers là,
Hắn là một tên Kerensky[77] và hắn phải biến đi.
Nếu kế hoạch đó thành công, những nhân tài bất mãn ngấm ngầm - như Gretchen Cole, người từng dây dưa với cảnh sát, và Cato Jackson, người đã xách súng vào một nhà thờ của người da trắng - phải được gọi gia nhập; Cato được coi như mục tiêu đáng giá gấp đôi vì anh là người da đen, mà một trong những nguyên lý cơ bản của tổ chức Haymakers là phải biến sự bất đồng quan điểm của người da đen thành cuộc cách mạng.
Để lôi kéo Gretchen và Cato tham gia cuộc cách mạng đó, Susan Eltregon được phái đến từ St. Louis, nơi đặt trụ sở hiện thời của tổ chức Haymakers. Cô ta là con gái một dược sĩ ở Denver; cô ta thường nói,
Tôi từng là con của một cặp vợ chồng phản động ở Colorado,
như thể, bằng một hành động ý chí, cô ta đã tách mình ra khỏi cha mẹ ngay sau khi chào đời. Cha mẹ cô ta dành dụm tiền bạc cho con gái đi học cao đẳng ở Montana nhưng họ đã tốn công vô ích; cô ta thấy trường cao đẳng buồn chán không tin nổi còn giáo viên thì thật đáng thương. Cùng với một nhóm sinh viên từ các bang như California và Massachusetts, cô ta thành lập một ủy ban để xem xét lại chương trình giảng dạy, phương pháp chọn giảng viên và toàn bộ hệ thống chấm điểm và kỷ luật. Việc này đặt cô ta vào thế chống lại mục đích của nhà trường, nơi người ta mong sự yên ổn và có cơ hội cấp bằng tốt nghiệp cho sinh viên, những người sẽ trở thành giáo viên hoặc thủ thư, vì vậy đến cuối năm thứ nhất, Susan bị đề nghị thôi học.
Susan làm ngơ đề nghị đó, dọn ra một nhà trọ nằm sát khuôn viên trường, lôi kéo một nhóm sinh viên có chiều hướng bỏ học giữa chừng như mình và bắt đầu một chương trình quấy rối mà kết thúc là một cuộc nổi loạn toàn trường chống lại giáo viên điền kinh và một vụ đốt phòng thí nghiệm khoa học. Cảnh sát Montana ập vào nhà trọ, nhưng Susan và đám bạn đã cao chạy xa bay, bỏ lại toàn bộ hành lý cá nhân.
Bọn cớm đã tống cổ chúng tôi,
họ báo cáo với tổ chức ở New York.
Trước khi Susan đến New York, Haymakers đã thiết lập một cơ sở tạm thời ở thành phố này. Lãnh đạo cơ sở vốn là giáo sư trợ giảng tại một trong những trường cao đẳng địa phương; do khiến nhiều người bất bình khi cố gắng cải tiến cơ sở của mình, ép nhà trường nhận học sinh da đen và Puerto Rico vào học, bất kể điểm số của họ ở cấp trung học, nên ông ta không được nhận làm cán bộ giảng dạy dài hạn của khoa. Vậy là ông ta phát động hàng loạt cuộc đối đầu quyết liệt để bảo vệ việc làm của mình, và mặc dù thất bại, ông ta cũng đã quá khích hóa được bảy sinh viên chưa tốt nghiệp, dụ dỗ họ bỏ học để làm việc với ông ta, và nhóm này đã tạo nên những hạt nhân của phong trào. Nhưng sức mạnh thực sự của phong trào - khả năng ghê gớm trong việc lợi dụng nhiễu loạn và tranh thủ sự ủng hộ của đám thanh niên bất mãn với tình hình đó - chỉ được phát huy khi một nhóm cựu sinh viên từ miền Trung Tây đến. Họ là những nhà cách mạng cứng rắn, quyết liệt, trưởng thành từ các thành phố như Chicago, Detroit, Terre Haute và Gary. Họ nhận thấy không còn hy vọng gì đối với nước Mỹ hiện thời và quyết tâm lật đổ nó. Susan Eltregon tìm được chỗ đứng trong nhóm nòng cốt này vì cô ta hiểu lối suy nghĩ và tán thành lời cam kết của họ. Một trong những lãnh đạo từ Trung Tây đã đề ra khẩu hiệu của phong trào,
Mọi kẻ đương quyền phải biến đi,
và giờ đây chính quan niệm này thành động lực thúc đẩy cả nhóm.
Haymakers thu nạp nhiều thanh niên ưu tú, và tại cơ sở St. Louis những chuyên gia lập kế hoạch và bày mưu tính kế đó theo dõi bất cứ sự cố nào xảy ra trên toàn nước Mỹ có khả năng sản sinh ra những sinh viên hay người lao động bất mãn có thể tiếp cận được. Chính trong quá trình lật giở báo chí tìm thông tin cho Haymakers, một nữ sinh viên bỏ học trường Smith đã phát hiện ra tên của Gretchen Cole và Cato Jackson. Các thành viên nằm vùng ở Philadelphia và Boston được lệnh lần theo dấu vết của Gretchen và Cato, nhưng những báo cáo đầu tiên thật đáng thất vọng:
Gretchen Cole biến mất khỏi trường đại học Besançon, không ai biết hành tung. Jackson đào tẩu, có tin đang ở Detroit.
Nhưng sau khi điều tra thêm, cơ sở ở Boston phát hiện ra Gretchen từng gửi bưu ảnh cho một cô gái ở trường Radcliffe nói rằng,
Cậu nên đến đây.
Và một ngài Wister ở Philadelphia vốn là người chu cấp cho Cato Jackson đã để lộ ra là anh thanh niên đó đề nghị ông gửi séc tới Torremolinos.
Cô phải đi Torremolinos,
ban lãnh đạo cấp cao ở St. Louis ra lệnh cho Susan.
Có một căn cứ quân sự ở gần đó. Cho dù không tìm được Jackson và cô Cole này thì cô vẫn có thể làm được gì đó thực sự hữu ích.
Vì vậy Susan đành nhún mình viết thư về Denver xin tiền cha mẹ:
Con nghĩ nếu đi châu Âu một chuyến và đến thăm Hà Lan, nếu con nhìn thấy quê hương ông nội và tìm hiểu cuộc sống ở đất nước ấy, có lẽ con sẽ tìm được chính mình. Dù thế nào thì thử chút cũng không có hại mà biết đâu còn có ích.
Cô ta nhận được bảy trăm đô la, số tiền nhiều hơn cần thiết vì một chuyến đi khứ hồi hai mươi mốt ngày từ St. Louis tới Málaga cũng chỉ mất 340 đô la, và còn được sử dụng miễn phí một chiếc xe trong thời gian ở Tây Ban Nha nữa. Khi Susan kể với tôi việc này, tôi hỏi cô ta đậu xe ở đâu, cô ta đang định trả lời thì một nhóm lính từ Sevilla xuống đã ầm ĩ vào quán. Họ mặc thường phục, tất nhiên, và Susan hỏi tôi,
Họ có phải lính không?
Khi thấy tôi gật đầu, cô ta bỏ tôi lại đấy mà chuyển sang ngồi cùng bàn với họ. Trong số đó có hai người da đen và cô ta chú ý đến họ nhiều hơn, gọi đồ uống cho họ rồi hỏi họ có thích quân đội không. Tôi chỉ nghe loáng thoáng câu được câu chăng, nhưng hình như cô ta tìm hiểu về thái độ của người da đen trong quân đội và họ định làm gì khi xuất ngũ trở về nhà. Có lúc tôi nghe thấy cô ta bình luận về những vấn đề chủng tộc ở Detroit và Los Angeles, nhưng hai người lính chỉ nhìn cô ta chằm chằm. Bằng một cơ chế lạ kỳ nào đó, cô ta đã truyền đạt cho đám đàn ông hiểu là mình không quan tâm đến tình dục.
Khi Gretchen bắt đầu thực hiện nhiệm vụ ca hát của mình, Susan Eltregon rời đám lính quay về bàn tôi.
Cô ấy là một thiếu nữ quyến rũ,
Susan nói với vẻ tán dương.
Những gì cô ấy trải qua với cảnh sát...
Cô ta cố tìm từ thích hợp nhưng không được, bèn ngồi im lắng nghe. Cô ta nhận thấy các khúc ballad rất thú vị, bèn thì thầm,
Thời buổi này, chúng mang tính cách mạng thực sự đấy. Cứ nghe ca từ mà xem!
Cuối buổi biểu diễn, Susan lên chỗ Gretchen, nói,
Tôi từ St. Louis tới đây để nói chuyện với cô.
Sao lại là tôi?
Sau câu mở đầu đường đột đó, Susan tuôn ra một tràng mô tả hùng hồn những gì tổ chức Haymakers đang nỗ lực thực hiện: lật đổ chính quyền Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Tôi ngạc nhiên thấy cô ta dám công khai tiết lộ kế hoạch của mình cho Gretchen; ngay cả việc cô ta không cảm thấy hối tiếc vì đã thảo luận vấn đề này ngay trước mặt tôi cũng thật khó hiểu. Cô ta giải thích:
Dù sao thì ông Fairbanks cũng chống lại chúng tôi. Kể ra ông ấy biết trước số ngày còn lại của mình chỉ đếm được trên đầu ngón tay thì cũng tốt. Ngay khi chúng tôi lên nắm quyền, ông ấy và bè lũ sẽ bị biện tội.
Vừa nói cô ta vừa nhìn thẳng vào mắt tôi.
Lý lẽ cô ta đưa ra với Gretchen cũng khá thuyết phục:
Cô đã thấy mặt tồi tệ nhất của hệ thống cảnh sát Mỹ. Không phải,
cô ta sửa lại câu nói vừa rồi,
tôi đã thấy mặt tồi tệ nhất - sự đè nén tự do của nhân dân. Những gì cô chứng kiến là sự gây hấn cá nhân. Nhưng với vốn hiểu biết của mình, cô sẽ rất có ích cho phong trào - tức là cho cách mạng. Một cô gái như cô, với cây guitar đó, giọng hát đó... Tất nhiên, cô biết đấy, cô là người rất đặc biệt. Xuất thân của cô cũng vậy. Cô có thể đi khắp nước Mỹ và làm nhiều việc có ích. Thanh niên sẽ nghe theo cô. Điều chúng tôi cần là người lãnh đạo có sức thu hút để đưa quần chúng đến với chúng tôi. Lực lượng nòng cốt trung kiên thì chúng tôi đã có, súng đạn chúng tôi cũng đã có.
Tôi rất muốn biết Gretchen sẽ phản ứng như thế nào; cô chăm chú lắng nghe, theo dõi mọi lý lẽ, ngón tay vạch hình vẽ minh họa những điều Susan nói và tỏ thái độ nghiêm túc như thể đây là một hội thảo ở trường Radcliffe. Nhiều ý tưởng được trình bày cho cô nghe, và xem ra một số điều cũng có giá trị; cô dành cho chúng sự quan tâm nghiêm túc. Qua thái độ đồng tình mà Gretchen thể hiện để bày tỏ sự tán thành đối với nhiều điểm Susan nêu ra, lúc đầu tôi đã lo là cô sẽ bị thuyết phục, nhưng khi phái viên của cuộc cách mạng ngừng lời, cô lên tiếng,
Ta cứ cho rằng tôi chấp nhận dữ liệu của cô nhưng không đồng tình với các kết luận.
Sao lại thế?
Đơn giản thôi. Tôi đồng ý là cảnh sát có thể cư xử tồi tệ. Tôi không đồng ý cô giải quyết vấn đề bằng cách tiêu diệt họ.
Làm gì còn cách nào khác? Nếu toàn bộ hệ thông xã hội đã thối nát thì cô có thể làm gì ngoài việc phá nó tan tành?
Cô cải thiện nó. Hệ thống xã hội luôn luôn phải được cải thiện.
Ý cô là dùng phương pháp tiệm tiến?
cô Eltregon hỏi, vẻ khinh khỉnh.
Chính thế.
Lúc này Gretchen đã nghiêng hẳn người về phía trước, và với một loạt lý lẽ đanh thép mà tôi không biết là cô lại có nhiều đến thế, cô bắt đầu tranh luận theo kiểu Socrates và hết sức kiềm chế biện hộ cho sự thất thường lên xuống trong chính trị, đặc tính của các dân tộc nói tiếng Anh trong bảy trăm năm qua. Các anh lính đều ngừng chuyện trò để theo dõi.
Susan Eltregon không phải người dễ thuyết phục. Trong những đêm dài dằng dặc ở Montana và những buổi chiều nóng như thiêu như đốt ở St. Louis, cô ta đã tiếp thu được một nền tảng triết lý xã hội giúp ta giữ vững những lý thuyết cách mạng của mình, và cô ta đã tạo được danh tiếng cho bản thân:
Như chúng ta đã biết, chính quyền như chúng ta vẫn biết phải bị phá hủy trước sức ép liên tục của tình trạng hỗn loạn, và giờ đây trách nhiệm của mỗi chúng ta là gia tăng tình trạng hỗn loạn đó để ngày mai chúng ta có thể chứng kiến sự tiến hóa của một xã hội mới.
Tôi để ý thấy khi chuyện trò cô ta không bao giờ dùng cách nói rút gọn: cô ta luôn nói it is hẳn hoi chứ không phải it’s. Đối với cô ta, cuộc sống rất mãnh liệt và độc đáo, và khi chạng vạng buông xuống con ngõ hẹp tối sầm, tôi có thể thấy cô ta đã phát cáu với Gretchen, người vẫn lắng nghe chăm chú, đánh giá và phản biện. Mắt Gretchen không một lần vụt sáng lên niềm vui khám phá những khi Eltregon nêu ý kiến đáng chú ý nào đó, vì cô đã nghe những lý lẽ này từ nhiều năm trước tại các buổi tọa đàm thân mật ở ký túc xá; lúc này cô nghe với thái độ tôn trọng và thầm đánh giá trong đầu, rồi mỗi khi Susan trình bày xong một lập luận, Gretchen lại mỉm cười, công nhận những dữ liệu ấy là không thể bác được, và bắt đầu phản biện. Rõ ràng Susan sẽ không tuyển được Gretchen vào hàng ngũ cách mạng.
Cuộc thảo luận kết thúc một cách bất ngờ. Sau khi nói hết những gì đã chuẩn bị sẵn, cô Eltregon hỏi,
Nhưng chẳng phải chính cha cô - một người đại diện cho tất cả những gì tồi tệ nhất mà chúng ta vừa nói đến - đã bắt cô bỏ vụ kiện cảnh sát sao?
Phải.
Thế thì sao...?
Cha tôi bối rối thôi. Điều đó không có nghĩa là ông đáng bị thanh toán.
Cô tin rằng những điều thối nát mà ông ta ủng hộ...
Gretchen mỉm cười,
Tôi không nghĩ là cha tôi ủng hộ nhiều thứ lắm... ngoại trừ tính ngay thẳng trong quan hệ buôn bán... và đảng Cộng hòa.
Vậy cô không thấy là chính những người như ông ta đang phá hoại đất nước sao?
Gretchen lại mỉm cười,
Có lẽ cô say mất rồi, cô Eltregon. Cô nhìn gì cũng thấy nghiêm trọng hơn thực tế.
Chỉ vì...
Không,
Gretchen ngắt lời.
Vướng mắc không phải ở tôi. Mà là ở cô. Vấn đề của cô là cô không được học ở một trường đại học có kỷ luật chặt chẽ... Một ngôi trường giúp cô ít nhiều ý thức được... bắt cô phải suy nghĩ.
Mắt Susan sáng lóe lên. Cô ta định đáp lại bằng một vài câu mang tính cá nhân, nhưng quá trình rèn luyện trong tổ chức Haymakers đã chứng tỏ làm vậy chẳng ích lợi gì. Cố gắng tự kiềm chế, cô ta nói,
Cô Cole, đối với thế hệ này đường phố là trường đại học.
Cô nói đúng,
Gretchen khoan dung công nhận.
Đấy là nơi tôi đã được dạy dỗ.
Cô cố ý nhấn mạnh từ tôi.
Nhưng khi đã được dạy dỗ, tôi có thể đánh giá toàn bộ phạm vi lịch sử. Và kết quả rất khác với những gì cô vừa nói.
Cô hết thuốc chữa rồi.
Không. Tôi là người được dạy dỗ đàng hoàng.
Bế tắc được phá vỡ nhờ sự xuất hiện của Cato Jackson và Monica, vì vừa nhìn thấy Cato, Susan đã bỏ Gretchen đấy mà hỏi anh hết câu này đến câu khác, và được Monica khích lệ, câu nào anh cũng trả lời hết sức nhiệt tình.
Cách mạng ư?
Cato nhắc lại.
Nhất định bùng nổ chứ.
Đúng vậy,
Monica kêu lên.
Cứ xem đám dân Hà Lan chết tiệt ở Amsterdam đấy, nữ hoàng của họ sở hữu những một nửa lượng dầu lửa toàn thế giới.
Việc người da đen cần làm,
cô Eltregon cố lái câu chuyện trở lại hướng cũ,
là liên hiệp với các tầng lớp lao động...
Cô nói hoàn toàn đúng!
Cato thốt lên cao giọng hơn cần thiết và chuyển sang giọng của người da đen miền Nam.
Chúng ta sẽ tập hợp toàn bộ công đoàn da đen lại... cô nghĩ chúng ta sẽ tập hợp được bao nhiêu?
Việc đầu tiên chúng ta phải làm,
Monica nói,
là tập hợp được công nhân mỏ thiếc ở Bolivia... Cato, anh biết công nhân mỏ thiếc ở Bogotá rồi đấy.
Câu này làm nổ ra một cuộc tranh cãi dài dòng xem Bogotá ở đâu, và cuối cùng một anh lính giúp giải quyết ổn thỏa:
Nghe này, tôi đã đóng quân ở Venezuela và biết chắc nơi đó là ở Ecuador.
Khi mọi người thống nhất xong về vị trí, Cato nói tiếp,
Chà, chúng ta sẽ nện cho bọn áp bức da trắng một trận, đùng đùng, đoàng đoàng!
Cố gắng lái cuộc đàm luận đi đúng đường, cô Eltregon hỏi,
Anh có nghe nói đến Haymakers không?
Có, đó là cú đấm quen thuộc của Cassius Clay,
Cato đáp.
Nghe như cocktail nước dứa pha với một vốc phân chuồng ấy,
Monica gợi ý.
Cô Eltregon cũng đủ tinh khôn để hiểu được có lẽ đôi bạn đang lừa mình, nhưng cô ta vẫn tiếp tục nói như không có chuyện gì,
Haymakers là mũi nhọn của cách mạng,
cô ta giải thích.
Chà!
Cato hăng hái reo.
Đó chính là thứ chúng ta cần! Anh bạn Akbar Muhammad của tôi, anh ấy định tàn sát cả thành phố đấy.
Bạn nào của anh?
Akbar Muhammad. Anh ấy lãnh đạo tổ chức Tín đồ Hồi giáo Mới ở Philly.
Tôi nhận thấy cô Eltregon đang ghi nhớ cái tên đó và lục tìm trong trí nhớ.
Anh ấy có tham gia vụ khủng bố ở nhà thờ cùng anh không?
Anh ấy sẽ tham gia cùng tôi khi chúng tôi khủng bố thế giới.
Việc mang lại kết quả thực sự,
Monica nói xen vào,
sẽ là cuộc tấn công vào Hạ viện Anh.
Cô Eltregon lờ câu này đi và cố hướng cho cuộc trao đổi trở lại nghiêm túc, nhưng Cato nói,
Tấn công cả Hạ viện Anh và Thượng viện Mỹ cùng một buổi chiều, chà, sẽ thu hút sự chú ý của mọi người lắm đây.
Giờ giấc chênh lệch cơ mà,
Monica nói, và cô Eltregon quay ngoắt đầu lại.
Em nói thế là có ý quái quỷ gì?
Cato vặn lại.
Phải chăng em cho là anh không biết chuyện chênh lệch giờ giấc? Như trong phim ấy. Sidney Poitier bảo Paul Newman, ‘Chỉnh đồng hồ cho khớp giờ nào.’ Nếu chúng ta đủ khôn ngoan để lật đổ toàn bộ chính phủ, em có nghĩ chúng ta cũng đủ khôn ngoan để chỉnh đồng hồ khớp giờ không?
Anh giận dữ nói thêm,
London chậm hơn bảy giờ so với Washington đấy.
Câu này gây ra một cơn thác lũ chuyên môn, nhất là mấy anh lính đã được đào tạo về vấn đề đó. Họ tranh cãi xem về những chênh lệch giờ giấc sai khác từ London nhanh hơn tám giờ đến London chậm hơn bảy giờ. Eltregon không mất bình tĩnh; thực ra, như sau này tôi được biết, cô ta đã vượt xa tất cả chúng tôi, vì khi Monica tiếp tục gợi ý việc đánh bom cả Nghị viện Pháp, với điều kiện họ so được đồng hồ theo giờ giấc Paris, tôi nhận thấy cô Eltregon chăm chú nhìn vào mắt Monica. Có lẽ đến lúc đó cô ta đã hiểu ra Monica nghiện ma túy.
Cato nói,
Chà, chúng ta cho toàn bộ pháo nổ cùng một lúc, thế là chúng ta sắp có cách mạng thật rồi.
Nhưng nói xong câu này, anh đột nhiên tỏ vẻ ủ rũ, nói thẳng với cô Eltregon,
Tôi cảm thấy tận xương tủy là khi khói tan... vậy đấy, người da đen chúng tôi vẫn ở dưới đáy như trước. Quý cô trả lời sao về việc đó đây?
Cô Eltregon không hiểu câu hỏi và yêu cầu nhắc lại. Anh nói,
Các ông, các bà lại cho anh em chúng tôi nắm đúng cái đầu gậy cũ hở, quý cô?
Thay vì nghĩ cách trả lời câu hỏi, cô Eltregon lại chăm chú nhìn vào mắt Cato và rõ ràng đã đi đến kết luận là cả anh cũng bị một thứ gì đó tác động, vì vậy cô ta không còn cố gắng trao đổi nghiêm túc với anh nữa mà ráng hết sức nói vui vẻ,
Tất cả chúng ta đi ăn tối thôi nào.
Cô ta ra hiệu là cả Monica và tôi cũng được mời.
Bằng tài phán đoán sắc sảo, cô ta chọn trong đám lính một anh da đen có chiều hướng hưởng ứng thông điệp của Haymaker, vậy là sáu người chúng tôi rời khỏi quán đi tìm nhà hàng, nhưng cô ta đã có sẵn một ý đồ đặc biệt hơn. Đưa chúng tôi ra chiếc xe được hãng hàng không cấp trong ba tuần, cô ta chở chúng tôi rời khỏi Torremolinos đến một đường nhánh dẫn ra biển. Một lúc sau chúng tôi đến cổng một lâu đài nhỏ thì Cato kêu lên,
Chết tiệt thật, tôi biết nơi này, Laura sống ở đây.
Đúng vậy,
cô Eltregon thừa nhận.
Bạn bè ở St. Louis bảo tôi đến.
Laura đã chờ sẵn ở cửa trong bộ áo captan kiểu Marốc trang trí dây bạc gò. Bà ta dẫn chúng tôi vào phòng ăn bày biện theo kiểu Trung cổ, nơi Paxton Fell đã chỉnh tề đứng đợi trong bộ vest dạ tiệc thêu ngân tuyến. Laura còn có thêm sáu khách nữa, ba trong số đó là người Mỹ, họ vỗ tay hoan nghênh khi Laura giới thiệu:
Đây là Susan Eltregon từ St. Louis đến. Cô là một trong những thành viên Haymakers khôn ngoan sẽ lãnh đạo cách mạng.
Tổ chức của các cô có nhiệm vụ gì?
một người Mỹ hỏi.
Cô Eltregon trả lời một cách mạnh mẽ,
Chúng tôi đã đi đến kết luận rằng cuộc sống ở Mỹ là không thể chịu nổi.
Tất nhiên là như vậy,
người Mỹ kia tán thành.
Không thể chịu nổi đến mức chúng tôi phải loại bỏ toàn bộ mớ bòng bong thối nát ấy. Chúng tôi sẽ duy trì tình trạng hỗn loạn ở bất cứ nơi nào phát sinh... tạo ra tình trạng ấy ở những nơi không phát sinh.
Chiến thuật tuyệt đấy,
Laura nhất trí.
Ở Mỹ bà sống tại bang nào?
tôi hỏi bà ta.
‘‘Texas’’.
Tôi không nghĩ là dân Texas lại tán thành một kế hoạch như vậy.
Texas thì vô phương cứu chữa rồi,
bà ta trả lời một cách cộc cằn, không thèm để ý đến tôi nữa mà quay về phía Susan.
Còn bây giờ, cưng à, kể cho chúng tôi nghe xem các cô đã tiến triển đến đâu nào.
Chúng tôi có lực lượng nòng cốt ở mọi thành phố lớn. Hạt nhân ưu tú tại phần lớn các trường đại học. Chúng tôi được người da đen ủng hộ nhiệt tình.
Nói đến đây, cô ta nắm tay anh lính da đen vừa tuyển mộ được.
Tuyệt,
Laura reo lên.
Đây là tin đáng phấn khởi nhất mà tôi được nghe sau một thời gian dài đấy.
Quay sang Gretchen và Monica, bà ta nói,
Tôi tin chắc các cô cũng đã gia nhập. Phong trào đúng đắn đến thế kia mà.
Phong trào này ở Mỹ, còn tôi lại là người Anh,
Monica nói.
nhưng tôi rất hứng thú. Tôi dự định chăm lo cho Trung Phi... Bà biết đấy, Congo, Vwarda, Bolivia.
Bolivia ở Nam Mỹ,
một ông khách người Âu nhắc cô.
Tôi biết chứ,
Monica nóng nảy nói.
Tôi sắp đến đó để tập hợp công nhân mỏ thiếc... ở Bogotá.
Tuyên bố này lại gây ra một cuộc tranh luận lạc đề tương tự cuộc tranh luận đã phá ngang lời trình bày của cô Eltregon lúc trước, mà cô ta không có ý định cho phép điều đó tái diễn. Bằng giọng đanh thép và trong trẻo, cô ta nói cho đến khi thu hút được sự chú ý của tất cả mọi người. Tất nhiên thông điệp của cô ta khiến tôi phải lắng nghe, và tôi ngồi kinh ngạc trước sự sốt sắng chia sẻ của cô ta:
Tổ chức Haymakers đang chuẩn bị nhiều biện pháp nhìn xa trông rộng cho ngày cách mạng bùng nổ, nhưng phần lớn công việc của chúng tôi đang được cái xã hội tất yếu phải đi đến chỗ diệt vong này thực hiện thay cho chúng tôi, trong lúc nó giãy giụa cố tự cứu mình. Mỗi lần xã hội ứng biến tìm lối thoát, vị thế của chúng tôi lại càng thêm vững chắc và không thể thiếu được. Tôi tin chắc các bạn sẽ thấy thị trường chứng khoán đột ngột giảm điểm khi hệ thống kinh tế thối nát của chúng ta ngã khụy. Các công ty như công ty ông, ông Fairbanks, sẽ dễ dàng bị dồn vào chân tường. Chúng sẽ biến mất. Toàn bộ sức mạnh lịch sử sẽ buộc Tổng thống Nixon phải mở rộng chiến tranh ở Việt Nam, và khi chuyện đó diễn ra, các bạn sẽ chứng kiến sinh viên khắp đất nước nổi dậy phản đối. Tầng lớp trung lưu Mỹ sẽ đòi khép sinh viên vào kỷ luật, vì thế chúng tôi có thể yên trí là sẽ tắm máu, và rồi càng khiến giới trẻ thêm quá khích. Nếu đến lúc đó, và tôi dám đảm bảo là không thể tránh khỏi, một lực lượng nòng cốt gồm những người nhiệt tình hiểu được tác động của sức mạnh lịch sử mà ở đúng vị trí của mình để thể hiện khả năng lãnh đạo... chà, các bạn sẽ được tận mắt chứng kiến những gì có thể được thực hiện.
Nghe có vẻ hết sức ly kỳ đấy!
Laura reo.
Giá mà tôi trẻ hơn chút nữa.
Thành công của chúng tôi phụ thuộc vào lòng can đảm của các thanh niên chúng tôi tuyển mộ,
cô Eltregon vừa nói vừa nhìn thẳng vào anh lính da đen.
Nếu chúng tôi có thể tin tưởng vào họ để giao nhiệm vụ, đến giờ phút quyết định, sẽ làm nổ tung mười hay mười hai chiếc máy bay xuyên quốc gia, một vài trạm rơ le điện, một số cột thu phát sóng truyền thanh truyền hình chủ chốt... các bạn có nhận ra những gì có thể được hoàn thành không? Giả sử đồng thời rất đông sinh viên sẵn sàng đối đầu với cảnh sát? Và đặc biệt giả sử nếu lúc đó các bạn da đen dũng cảm xuống đường?
Cô ta dừng lại một chút rồi kết luận:
Tôi nghĩ các bạn có thể thấy nước Mỹ nằm im chịu chết. Nước Mỹ có thể bị khuất phục nếu chúng ta sốt sắng hết mình.
Laura vỗ tay và quay về phía Gretchen.
Họ giao cho cô vai trò gì trong cuộc triển khai tuyệt vời này?
Tôi ư?
Gretchen hỏi lại.
Đối với tôi, đó chỉ là một mớ vô nghĩa.
Cô nói thế là sao?
Laura kêu lên.
Chúng ta chỉ dựa vào một nhóm người theo chủ nghĩa nhân đạo hết lòng vì sự nghiệp mà đã khuất phục được nước Nga. Chắc chắn chúng ta cũng có thể làm như vậy với nước Mỹ.
Gretchen ngẫm nghĩ một lúc rồi hỏi,
Nhưng nếu bà sống ở đất Tây Ban Nha này bằng nguồn tài chính nhận được từ Texas, thì tại sao bà lại ủng hộ một cuộc cách mạng sẽ lấy mất nguồn tài chính ấy?
Cô bạn thân mến,
Laura vừa ra hiệu mang thêm đồ uống vừa giải thích,
không người khôn ngoan nào lại để tiền bạc của mình ở Texas. Chúng tôi gửi tiền ở Thụy Sĩ.