Ba bảo: Một cây nến là một ước mơ
-
Cứ bình tĩnh! (Keep Calm)
- Tuệ Nghi
- 1386 chữ
- 2020-05-09 01:20:00
Số từ: 1367
Tác giả: Tuệ Nghi
Nhà xuất bản: NXB Hà Nội
-----
Nguồn sưu tầm: D.Đ. Lê Quý Đôn
Trước trung thu năm 1998, tôi bị tai nạn. Phải nói đó là tai nạn nặng nhất trong cuộc đời tôi tính đến thời điểm này. Vết thương toác cận sọ, máu chảy ướt đẫm hết áo của ba mẹ.
Chuyện đã qua gần hai mươi năm, nhưng tôi vẫn nhớ như in đêm hôm đó. Trên đường đến bệnh viện, tôi liên tục bảo buồn ngủ, hai mắt cứ nặng trình trịch, mọi người hoảng hốt lay tôi dậy bằng mọi giá, mà đứa trẻ năm tuổi như tôi khi đó chẳng hiểu vì sao. Vào viện tỉnh, băng ca chạy rầm rập qua một khoảng hành lang tối như mực, tôi còn đưa tay chỉ: "Mẹ ơi, trăng sáng quá!" Mẹ tôi bảo lúc đó nghe ám ảnh kinh khủng mà cũng cảm thấy con mình lì kinh khủng, bị thương nặng như thế mà không kêu khóc lấy một tiếng, lại còn tao nhã ngắm trăng.
Người thân trong gia đình làm y bác sĩ tại bệnh viện hay tin tôi gặp nạn thì hộc tốc chạy xuống, ai nấy đứng tim khi nghe bác sĩ trưởng khoa bảo trước với gia đình có tiên lượng xấu. Trước khi thiếp đi, tôi còn nghe văng vẳng tiếng ba nạt mọi người: "Nín hết đi, giờ không phải lúc để khóc. Con tôi mạng lớn lắm!" Thế rồi tôi ngủ một giấc rất dài, tỉnh dậy thì băng trắng kín đầu, người không cựa quậy được, dây dợ lằng nhằng còn mặt thì ụp một cái ốp thở oxi, bên cạnh tiếng máy gì đó tít tít tít như phim. Giá mà lúc đó lớn hơn chút, có thêm "soái ca" nắm tay ngủ gật bên cạnh thì đúng là phim Hàn Quốc chiếu rạp luôn ấy chứ.
Nhưng rất tiếc, đây là phim Hong Kong, tỉnh dậy sau một giấc ngủ, "soái ca" chả thấy đâu, chỉ thấy ba tôi đang vơ chiếc ghế nhựa chuẩn bị phang một chú xấu trai kinh khủng. Thì ra chú đó là thủ phạm gây nên vết thương toác cận sọ cho công chúa. Phụ vương suýt làm thủ tục chia tay răng hàm mặt cho chú, may mà có mẫu hậu can ngăn.
Mà thôi, chuyện người lớn, phim Hong Kong mà không có nam chính đẹp trai thì tôi lại lăn ra ngủ tiếp.
Chẳng biết tôi ngủ trong bao lâu, chỉ biết khi tỉnh dậy thì sắp Trung thu, kiểu giấc ngủ của những nàng tiên, ngủ một giấc, tỉnh dậy là một trăm năm sau, hi hi.
Đùa vậy, sau giấc ngủ nàng tiên, tôi không đi được nữa, công chúa năm tuổi không thể cưỡi ngựa bắn cung, không săn bắn hái lượm được nữa, mà lại ngồi xe lăn. Chân tôi mất hết cảm giác vì tiêm nhiều quá. Nhưng với bản tính hiếu thắng, liếc qua giường bên cạnh thấy thằng cu xấu trai có cái đèn lồng điện tử kêu tò te tí te tèn ten tén ten...tôi cũng khoái, đòi ba mua cho bằng được.
Nhưng ba tôi lại không mua cho ngay, cứ mỗi lần thấy ba vào viện đi tay không, tôi lại dỗi. Ba cứ gãi đầu gãi tai bảo ba quên, để từ từ ba tìm rồi ba mua, làm tôi ngóng, cổ dài như con hươu. Từ một công chúa ngây thơ thánh thiện, tôi đã biến thành một con hươu năm tuổi như thế.
Một buổi tối khi con hươu năm tuổi đang húp cháo, ba của con hươu đã đem vào một chiếc lồng đèn ông sao bằng giấy kính màu đỏ. Tôi nhớ mãi các bạn ạ. Ba móc trong túi áo ra tầm hai, ba cây đèn cầy nhỏ màu hồng màu xanh, có cây còn bị gãy đôi. Con hươu thấy có đồ chơi thì húp vội cháo để được bồng xuống công viên rước đèn. Ba tôi nói đèn lồng có nhạc không vui bằng đèn lồng thắp nến, đốt lên một cây nến, thì sẽ ước được một điều ước. Khỏi phải nói, nghe xong mắt tôi sáng như đèn pha, đốt vội hai, ba cây, ước vội luôn hai, ba điều. Toàn là kiểu: Con ước có chiếc cặp đầy kẹo, con ước con có tóc dài, con ước bạn Khôi thích con (Bạn Khôi là bạn cùng lớp chồi của tôi, sau điều ước đó bạn ấy vẫn không thích tôi).
Quay trở lại chuyện cái đèn lồng ngôi sao màu đỏ. Thật ra, khi lớn lên một chút, bản thân tôi hiểu rất rõ, lúc đó ba tôi không có tiền mua đèn lồng có nhạc. Con hươu năm tuổi nằm viện, mỗi ngày ba mẹ tôi chỉ ăn có một bữa, nhiều khi chỉ ăn cơm trắng, bao nhiêu tiền dồn hết cho tôi. Thuốc tốt nhất, đồ ăn ngon nhất, bổ nhất, bác sĩ giỏi nhất. Tất cả đều là để tôi được sống.
Đi làm về, ba tất tả chạy vào viện, bảo mẹ về tắm giặt rồi nghỉ ngơi đi một chút để ba tôi trông cho. Mà lúc bé, tôi là chúa ngậm cơm, húp cháo cũng mất mấy tiếng đồng hồ. Ra đường, ba tôi nóng nảy phát kinh, ai động vào vợ con là ba tôi làm thủ tục "nhào trộn răng môi" lập tức. Nhưng mà về nhà, ba vẫn kiên nhẫn ngồi bón từng thìa cháo cho con gái. Tôi cứ lải nhải: "Con mèo kêu sao hả ba?" Ba tôi lại: "Gâu gâu", thì tôi mới ăn. Chứ ba tôi mà "Méo" thì tôi lãi giãy nãy lên bảo mèo mà kêu meo á? Chẳng hiểu tôi là yêu quái phương nào nữa. Ba kêu hết tiwwsng của thế giới động vật thì tôi mới giải quyết xong được bát cháo và nằm yên vị. Còn ba thì bưng hộp cơm nguội lạnh từ bao giờ, ra một góc bệnh viện ngồi ăn cơm chỉ có rau với một nửa quả trứng.
Tất cả những bậc cha mẹ trên khắp thế gian này, sinh ra một đứa con, nuôi nấng ngắm nhìn con mình lớn lên từng ngày, trong lòng hẳn mừng vui lắm.
Con bưng bát cơm của cha mẹ, vui thì ăn nhiều, buồn thì ăn ít, còn không thì giận dỗi, cha mẹ cũng phải mọi cách mà chiều lòng. Lớn lên ra đời, đi làm kiếm bát cơm ăn, nhìn mặt từng người để mà sống. Người ta vui thì đến bữa mình có bát cơm trắng để ăn, đến lúc buồn thì cơm toàn sạn sỏi. Thế mới nói, cơm cha mẹ ngẩng mặt mà ăn, cơm người đời cúi đầu mà nuốt.
Con có cha có mẹ, thích gì vòi nấy. Cha mẹ mỗi năm tấm áo manh quần cũng chẳng dám mua, nhưng con thích gì mẹ cha cũng đều đi kiếm tiền về mua cho con.
Người làm mẹ làm cha, có thể nhìn đói nhịn khát để con được no lòng, có thể chịu nắng chịu mưa để con được chăn êm nệm ấm, có thể dầm mình ngoài giá rét để kiếm thêm vài đồng mua cho con tấm áo đẹp, bát canh ngon. Bất trắc gì xảy ra, cha mẹ sẵn sàng đổi mạng mình để lấy sự sống cho con. Nuôi con có nhọc nhằn đến mấy cũng chẳng khiến cha mẹ cảm thấy buồn khổ, nhưng một lời sai trái của con cũng khiến cha mẹ tan nát cõi lòng. Vất vả, đói khổ bao nhiêu cũng chỉ mong con lớn khôn, mạnh khỏe. Thành nhân trước rồi mới nói đến thành công, biết trên biết dưới, biết trái biết phải, mong con có một ước mơ lớn hay nhỏ cũng được, miễn là phải có một hoài bão để mà theo đuổi, thực hiện. Có một nửa yêu thương con thật lòng thật dạ vì cha mẹ cũng chẳng thể mãi sống đời với con.
Trung thu nhiều năm qua, tôi chỉ luôn có duy nhất một điều ước.
Nhưng tiếc rằng, nến đốt đã nhiều mà biết điều ước vĩnh viễn sẽ chẳng thể nào thành hiện thực...