Phần 6 - Chương 1: Nhân Quả Bồ Tát Đạo - Đồng Sự Nhiếp
-
Luận Về Nhân Quả
- Vân Họa , Thích Chân Quang
- 3663 chữ
- 2020-05-09 03:59:16
Số từ: 3666
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo
Nguồn: sachvui.com
Chúng ta nhường phần định nghĩa thuật ngữ cho các vị học giả, chỉ hiểu đơn giản rằng Bồ tát hạnh là sự nghiệp giáo hóa chúng sinh của một vị đã giác ngộ giải thoát. Chỉ bởi sự chứng ngộ viên mãn của mình, một vị Bồ tát mới đủ đạo nhãn để quan sát căn cơ chúng sinh, đủ trí tuệ để có những phương tiện giáo hóa thích hợp. Chưa chứng ngộ viên mãn, việc làm lợi ích chúng sinh chưa hoàn toàn đúng nghĩa Bồ tát.
Bồ tát là gì?
Thật ra danh từ chỉ là hư rỗng, tạm đặt bởi tâm lý của con người. Chúng ta dễ bị danh từ che mất sự thật để rồi lập ra những định kiến trên đó. Hầu hết quan niệm của Phật giáo Đại thừa đều đề cao Bồ tát vị mà chê bai quả vị Alahán là tiêu cực thụ động. Nhưng vấn đề này phải được tìm hiểu sơ lược trước khi chúng ta bước vào nghiên cứu Nhân Quả Bồ tát đạo. Chúng ta sẽ nghiên cứu kỹ về giá trị, vai trò của Bồ tát trong một luận bản khác.
Tính chất của một vị Bồ tát là Tâm Đại bi viên mãn. Chính bởi tâm Đại bi này mà Bồ tát thị hiện vào sinh tử hóa độ chúng sinh không mệt mỏi.
Cũng một vấn đề, khi nói ở phương diện tiêu cực, chúng ta gọi là VÔ NGÃ, khi nói ở phương diện tích cực, chúng ta gọi là ĐẠI BI. Một bậc giải thoát tan vỡ Ngã chấp hoàn toàn, ngay đó không phải là đoạn diệt hư vô (Trung Quán luận). Khi không còn ích kỷ, thì tâm vị tha tự nhiên tràn đầy vô hạn; khi chấp ngã đã hết thì đại bi tâm hiển lộ không bờ bến. Nếu chúng ta chỉ học hiểu trên văn tự ngôn ngữ, nghe nói vô ngã liền chỉ biết vô ngã mà không biết vô ngã đó chính là đại bi, nghe nói đại bi chỉ biết là đại bi mà không biết đại bi đó chính là vô ngã. Đạo Phật là đạo của sự thật tu thật chứng, không phải một triết thuyết để bàn luận suông, suy tư rỗng như vô số các triết thuyết khác. Và chỉ bởi sự thực tu thực chứng, chúng ta mới có cái nhìn thấu triệt mọi vấn đề mà ngôn ngữ nói chưa hết. Nếu không thực tu thực chứng, văn tự ngữ ngôn sẽ là một ngục tù giam hãm tâm thức chúng ta.
Nếu một vị đã hết sạch ngã chấp, chứng đạt Alahán, ngay đó tâm đại bi đã hiện hữu vô biên. Thời tại thế Nguyên thủy, Đức Phật không tiết lộ về công hạnh Bồ tát đạo của một vị Alahán bởi vì đó là việc làm của một người chứng ngộ tự biết, không phải việc làm của phàm phu. Kẻ phàm phu nghe nói về công hạnh Bồ tát sẽ khởi sinh vọng tưởng và chấp trước, quên đi việc tự lợi trước mắt của mình, tự cho là gần gũi để hóa độ chúng sinh, không ngờ bị danh lợi cuốn mất. Nếu vị này đã giải thoát giác ngộ, dù không cần dạy bảo, vị ấy tự biết bổn phận của mình đối với những chúng sinh si mê còn lại. Chỉ là các ngài không bộc lộ thân thế, không khoe khoang việc làm của mình nên chúng ta lầm tưởng Niết Bàn vô dư y của các ngài là sự chấm dứt vĩnh viễn. Niết Bàn là sáng suốt biết rõ, không phải là mờ mịt si mê, Niết Bàn là không sở đắc, chẳng phải là có sở đắc như chúng ta gán ép. Niết Bàn là linh hoạt, chẳng phải là khô cứng. Niết Bàn là có năng lực tự tại, chẳng phải là sự gò bó câu thúc. Niết Bàn là cảm ứng vô biên, chẳng phải là sự đóng khung một mình một cõi.
Chư Thánh ở trong Niết Bàn rất sáng suốt, biết rõ tình trạng của Phật pháp, của chúng sinh và cảm ứng với nhau không thể nghĩ bàn. Khi thấy cần phải xuất hiện ở một nơi nào để giáo hóa, các ngài liền âm thầm thọ thân sinh tử để đến với chúng sinh mà chúng sinh không hề hay biết. Vô số vị Alahán đã thọ thân sinh tử để trở lại với chúng sinh mà chúng ta đâu hay biết gì, cứ ngỡ các ngài đã ra đi rồi là hết hẳn.
Mặc dù đạo quả Alahán được định nghĩa như là
không trở lui lại trạng thái này nữa
theo Nikaya hoặc
không thọ thân đời sau
theo A hàm, nhưng đó chỉ là không trở lại theo nghiệp. Không nghiệp nào có thể lôi kéo một vị Alahán trở lại sinh tử được nữa nhưng vị này tự có năng lực làm chủ, vẫn có khả năng tùy nguyện trở lại để giáo hóa chúng sinh. Nếu cho rằng, dù muốn trở lại mà một vị Alahán ở trong Niết Bàn vẫn không thể trở lại, tôi gọi Niết Bàn này là một sự trói buộc mới, không phải là giải thoát tự tại. Nhưng chính vì Niết Bàn là giải thoát tự tại nên một vị Alahán hoàn toàn tự do trong việc hiện thân vào sinh tử để giáo hóa chúng sinh. Nào giờ chúng ta chỉ hiểu trên ngôn từ, nghe nói vị Alahán nhập vô dư y Niết Bàn không thọ thân đời sau, liền cho rằng Alahán là tiêu cực, là cây khô mộng lép, không lợi ích cho Phật pháp và chúng sinh. Chúng ta không ngờ rằng đằng sau phong thái ung dung trầm mặc đó lại là sự hoạt dụng tích cực vô biên. Cái hoạt dụng tích cực của một vị Alahán, được dấu kỹ trong phong cách điềm đạm hư vô đến nỗi trời người không thể nhìn thấy. Khác với kẻ phàm phu tích cực năng nổ hiện tướng bị mọi người biết liền.
Tại sao chúng ta lại lạm bàn về Nhân Quả của Bồ tát đạo nếu đó không phải là công việc của chúng ta?
Chính vì hai lý do:
Một, vì công hạnh Bồ tát đã bị kinh Đại thừa tiết lộ quá nhiều. Chúng ta bàn về Nhân Quả Bồ tát đạo để tăng thêm niềm tin đối với Phật pháp.
Hai, biết được Nhân Quả Bồ tát đạo, chúng ta sẽ khéo xử sự với mọi người để không trở ngại việc tự lợi của mình và gây được sự thuận tiện cho việc giáo hóa về sau.
1 – ĐỒNG SỰ NHIẾP
(trích Bổn Sanh 1, tr 81)
Lúc bấy giờ, các Tỳ kheo sau khi tắm tại hồ Nalakapàna, bảo các Sa Di lấy những ống cây lau để làm ống kim, thấy các cọng lau đều trống bộng hoàn toàn, đi đến Thế Tôn và hỏi:
Bạch Thế Tôn, chúng con cho lấy các cọng lau để làm ống kim. Nhưng từ gốc cho đến ngọn các cọng lau ấy đều trống bộng hoàn toàn. Vì sao lại như vậy?
Bậc Đạo sư nói:
Này các Tỳ kheo, đây là do đại nguyện xưa của ta vậy. Nói xong, Bậc Đạo sư kể câu chuyện quá khứ.
Thuở xưa, tại đây có một cái hồ trong khu rừng rậm. Trong hồ ấy có một quỷ La sát nước ăn thịt những ai xuống nước. Lúc bấy giờ Bồ tát sinh làm khỉ chúa, to lớn như một con nai màu đỏ, đoanh vây với độ tám chục ngàn con khỉ, che chở đoàn khỉ sống ở trong rừng. Bồ tát khuyên đàn khỉ.
– Này các con thân, trong rừng này có những cây trái độc, có những hồ nước mà phi nhân đang sống. Nếu các con muốn ăn những loại trái chưa từng ăn và uống những chỗ nước chưa từng uống, hãy hỏi ta đã!
Đàn khỉ vâng lời. Một hôm đàn khỉ tìm đến một hồ nước lạ, chúng ngồi ở trên chờ Bồ tát đến, Bồ tát đến hỏi:
– Tại sao các con không uống nước?
– Chúng con chờ ngài đến!
– Tốt lắm!
Bồ tát đi vòng bờ hồ, thấy có dấu chân đi xuống mà không có dấu chân đi lên, biết rằng không còn nghi ngờ gì nữa, hồ này có phi nhân ẩn trú.
– Này các con, các con đã làm một việc rất tốt là không uống nước, vì hồ này có phi nhân ẩn trú.
Con quỷ la sát biết được đàn khỉ không xuống uống nước liền hiện ra hình thù ghê tởm với bụng xanh, mặt trắng vàng, tay chân màu đỏ, rẻ nước nổi lên hỏi:
– Sao các ngươi không uống nước?
Bồ tát hỏi:
– Có phải ngươi là la sát sinh ra ở trong nước không?
– Phải.
– Có phải ngươi bắt những ai xuống uống nước chăng?
– Phải. Ta bắt cho đến từ con chim nhỏ xuống uống nước ở đây. Ta sẽ không tha một ai! Ta sẽ ăn thịt tất cả bọn ngươi.
– Chúng ta sẽ không để ngươi ăn thịt.
– Nhưng hãy uống nước đi!
– Được, chúng ta sẽ uống nước, không cần phải đi xuống mà bằng những cọng lau. Ngươi sẽ không làm gì được.
Thấy dấu chân đi xuống
không thấy dấu đi lên
Uống nước với cọng lau
ngươi không giết ta được.
Nói vậy xong, Bồ tát đem lại một cọng lau, hồi tưởng lại những hạnh Ba la mật, phát lời chân ngôn, lấy miệng thổi cọng lau, cọng lau trở thành trống không hoàn toàn, không một khúc mắc nào còn tồn tại ở trong. Nhưng Bồ tát không thể làm như thế cho từng cọng lau để đủ cho cả đoàn khỉ tám chục ngàn con. Bồ tát đi vòng quanh hồ và ra lệnh.
Tất cả cọng lau đều trống bộng hết!
Do lợi hành rộng lớn từ trước của các vị Bồ tát, mệnh lệnh được thành tựu. Từ đấy trở đi, tất cả cọng lau ở xung quanh bờ hồ đều trở thành rỗng suốt hết.
Trong kiếp này, có bốn thần thông được tồn tại lâu dài.
Một, tướng con thỏ trong mặt trăng sẽ tồn tại trong suốt kiếp này.
Hai, địa điểm mà lửa được dập tắt (Bổn sanh Vattaka) sẽ không bị lửa chạm đến trong suốt kiếp.
Ba, tại chỗ ngôi nhà của người làm đồ gốm Ghatiraka không bao giờ bị mưa rơi xuống trong suốt kiếp này. (xem Trung Bộ kinh 2, tr 344)
Bốn, các cây lau mọc quanh bờ hồ này sẽ rỗng trọn kiếp này.
Rồi Bồ Tát và đàn khỉ đều lấy cọng lau thòng xuống hồ hút nước và ngồi yên ổn ở trên, con quỷ la sát buồn rầu biến mất.
Bậc Đạo sư nói rằng:
Này các Tỳ Kheo, những cây lau hoàn toàn rỗng suốt chính do lời phát nguyện của ta thuở trước.
Khi ấy con quỷ la sát chính là Devadatta, tám muơi ngàn con khỉ chính là hội chúng của Đức Phật. Còn con khỉ chúa khéo dùng phương tiện chính là Thế Tôn.
NHẬN XÉT:
Bồ Tát, tiền thân Phật Thích Ca, đã hiện thân vào loài khỉ để che chở hướng dẫn cho đàn khỉ và kết duyên giáo hóa lâu dài về sau. Thật là khó khăn cho việc gần gũi giáo hóa nếu không có sự tương đồng lớn lao nào đó. Một công hạnh nổi bật của Bồ Tát là thị hiện đồng sự tương ứng với chúng sinh, chúng sinh có những hình dáng, tập quán, tâm tình, sở thích... ra sao, đều được bồ tát hòa đồng theo để gần gũi giáo hóa.
Chúng ta có thể bắt chước Bồ Tát để hòa đồng gần gũi giáo hóa chúng sinh, nhưng chúng ta dễ ô nhiễm theo họ và đánh mất lợi ích của đôi bên. Bồ Tát tuy đồng sự tướng với chúng sinh nhưng vẫn biểu hiện được sự thanh khiết, độ lượng, cao cả và phong cách độc lập của mình.
Người Hồi Giáo tin theo tiên tri Mahomet chỉ độc tôn Thượng đế Allah. Ngoài ra họ còn bài xích tất cả và sẵn sàng treo cổ những ai chống lại họ. Họ cũng có những giáo điều đơn giản về Đạo Đức như bố thí, không trộm cắp, không ngoại tình v.v... Ảnh hưởng của họ rất lớn, chiếm cả vùng trung Đông đến miền nam Châu Aâu và lan dần về Châu Á, được gây dựng bởi niềm tin cuồng nhiệt và lưỡi gươm sắt bén. Bỗng nhiên giữa họ một số tín đồ mặc áo vải, nhóm Soufi, cũng nhận mình tôn thờ Thượng đế Allah, nhưng lại chủ trương phải trừ diệt ái dục, từ bỏ ngã chấp, lắng tâm thanh tịnh. Họ dùng danh hiệu Allah để nhiếp tâm một chỗ. Họ đã bổ túc giáo lý của hồi giáo đến gần với đạo Phật.
Nhà hiền triết Socrate có thể nhập định trong tư thế đứng bất động một ngày một đêm. Aûnh hưởng của ông trong nền triết học Tây phương còn kéo dài đến hôm nay và để lại trong lòng người niềm kính thương sâu đậm. Ông có một trí tuệ phi thường, một tâm hồn độ lượng nhẫn nhục, một đời sống thánh thiện và một phong cách tự tại trước cái chết oan ức đến với ông.
Chúng ta hay mắc cái tật công kích tôn giáo khác. Không khéo chúng ta công kích luôn những bồ tát hiện thân đồng sự trong tôn giáo đó.
Mục đích của công hạnh đồng sự là để kết duyên giáo hóa chúng sinh, nhưng không có cái gì đúng tuyệt đối. Có những trường hợp một vị xuất gia cách biệt hẳn với thế gian, không ngồi chung bàn rượu với người thế tục, không mặc đồng chiếc áo, không nghỉ chung một giường không để chung mái tóc, sống khắc khổ đạm bạc, nhưng hình ảnh này lại khiến chúng sinh vâng phục kính tin hơn cả. Bồ tát biết rõ khi nào phải đồng sự, và khi nào phải cách biệt. Có những người cư sĩ hiểu không hết công hạnh đồng sự của Bồ tát rồi chê bai người xuất gia là thiên kiến, một chiều gò bó... Những kẻ này chưa đủ trí tuệ của Bồ tát.
Phẩm Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa, diễn tả công hạnh của Bồ tát Quán Thế Âm thị hiện vô số ứng thân để đến với chúng sinh tùy theo chúng sinh đó đáng được dùng loại ứng thân nào. Hoặc thân cận gần gũi như hình ảnh cư sĩ, trưởng giả, đồng nam, đồng nữ hoặc độc lập siêu thoát như hình ảnh Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thanh văn, Bích chi, Phật đà...
Đồng sự để giáo hóa, mà không đồng sự cũng để giáo hóa. Đừng chấp một chiều!
Chúng sinh chỉ vâng lời chỉ dạy của người nào mà họ cảm thấy kính và thương. Bồ tát đã khơi dậy niềm thương kính của chúng sinh đối với mình bằng hạnh đồng sự và ban phát ân nghĩa. Bồ tát Thiện Tuệ (tiền thân Phật Thích Ca) thị hiện vào loài khỉ và làm con khỉ chúa to lớn với trí tuệ và quyền năng phi thường. Để đồng sự với tám chục ngàn con khỉ và che chở hướng dẫn cho đàn khỉ đó, Bồ tát đã ban phát ân nghĩa bằng mọi khả năng và trí tuệ của mình đem lại sự an vui cho đàn khỉ. Vô số đời sau gặp lại nhau ở thân người, họ sẽ dễ dàng nghe theo sự dạy bảo của Bồ tát.
Tứ nhiếp pháp trong đạo Phật gồm có: Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, Đồng sự.
Trong đó bố thí và lợi hành thuộc về ban phát ân nghĩa, ái ngữ và đồng sự thuộc về gần gũi thương yêu. Đầy đủ đồng sự và ân nghĩa, chúng sinh sẽ dành nhiều kính thương với Bồ tát.
Thần lực của một vị Bồ tát còn tùy thuộc vào công đức quá khứ, mặc dù Bản thể giải thoát đã bình đẳng suốt từ Alahán đến chư Phật. Bản thể giải thoát thì bình đẳng nhưng trí tuệ thần lực lại lệ thuộc về công đức. Cùng là Alahán nhưng tôn giả Mục kiền liên thì thần thông đệ nhất; tôn giả Xá lợi Phất thì trí tuệ đệ nhất. Muốn dùng thần lực để làm rỗng suốt cọng lau, Bồ tát đã hồi tưởng lại những hạnh Ba la mật quá khứ, sử dụng công đức đó để thành tựu một phép lạ cho hiện tại là làm thông suốt cọng lau. Nhưng chưa đủ, Bồ tát đi quanh bờ hồ và ra lệnh tất cả cọng lau đều trở thành rỗng suốt, lập tức các cọng lau đều trở thành rỗng suốt như mệnh lệnh của Bồ tát. Và thần lực đó đủ để tồn tại suốt kiếp này (một kiếp là một chu kỳ thành hoại của địa cầu).
Chuyện này tương tự với phép lạ mà vị Thánh da đen Martin de porres ở Péru thực hiện. Thánh là thầy dòng thuộc dòng tu Đa Minh. Suốt đời Thánh đã đem lại an vui lợi ích cho vô số người và vật. Những phép lạ của Thánh thì tương đương với phép lạ của Chúa Jésus và đức hạnh của Thánh thì chu toàn tuyệt diệu. Năm 1634, nước sông Lima bị mưa lũ trên nguồn đang dâng lên nhanh chóng, có thể cuốn trôi thành phố Lima bên cạnh. Dân chúng lo ngại cho tương lai đen tối! Thánh Martin cũng có mặt tại nơi để chứng kiến. Thánh chạy ra bờ sông lấy ba hòn đá ném vào chỗ xoáy nước mạnh nhất rồi quỳ xuống cầu nguyện trước mặt mọi người. Khi Thánh vừa cầu nguyện xong thì nước sông đã rút xuống trở lại bình thường. Đứng trước hiện tượng phi thường vừa xảy ra, toàn dân sung sướng hoan hô Thánh đã cứu họ khỏi sự đe dọa này. Họ đề nghị cất một thánh đường bên cạnh để kỷ niệm, nhưng thánh không đồng ý vì gần đó đã có sẵn nhà thờ Đức Bà. Và Thánh còn tuyên bố rằng vĩnh viễn sẽ không có nạn lụt tại vùng Lima nữa. Đến hôm nay, sắp sang thế kỷ 21, mấy trăm năm trôi qua, lời tuyên bố trên vẫn còn giá trị chân thật.
Với lợi hành rộng lớn từ quá khứ kết nên công đức sâu xa, thần lực của Bồ tát tồn tại rất lâu dài.
Sự xuất hiện của Devadatta là điều làm chúng ta ngạc nhiên. Devadatta là kẻ thù, là đối thủ gây trở ngại tai họa cho Bồ tát với những hình tướng và hành vi ác độc. Đến tận đời cuối cùng hiện thân làm Phật của Bồ tát, mà Devadatta vẫn chưa chấm dứt sự thù địch với Ngài. Nhưng chúng ta đặt vấn đề nếu Devadatta chỉ thuần là kẻ ác độc trong nhiều kiếp, làm sao ông có thể đủ phước sinh cùng với Phật trong hoàng tộc và được dung mạo khá đẹp đẽ, cùng đời sống vương giả sung sướng như vậy? Công đức đó từ đâu mà có?
Mặc dầu kinh Pháp Hoa xuất hiện khoảng 700 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, nghĩa là thời tại thế nguyên thủy Đức Phật không giảng kinh Pháp Hoa cũng như các kinh Đại thừa khác, nhưng kinh Pháp Hoa tiết lộ rằng Devadatta là vị Bồ tát nghịch hạnh, theo phá hoại Đức Phật Thích Ca để Ngài thành tựu đại hùng đại lực và hạnh nhẫn nhục vô biên. Đúng là chỉ có nghịch cảnh mới thử thách và giúp một người phát khởi được ý chí dũng mãnh. Có thể như thế, rằng Devadatta là vị Bồ tát chân thật, chịu tổn phước làm nghịch hạnh trợ duyên cho công hạnh của Bồ tát Thiện Tuệ sớm được viên mãn. Vì là Bồ tát nên Devadatta làm nghịch hạnh với Bồ tát Thiện Tuệ, nhưng làm lợi ích chúng sinh ở những chỗ khác để tạo cho mình một hồ nước phước vĩ đại nhằm hóa giải nắm muối tội kia. Thế nên ông đủ phước bám theo Đức Phật từ đời này sang đời khác.
Trở lại vấn đề đồng sự, Bồ tát thị hiện đồng sự tướng với chúng sinh và khơi dậy được nơi chúng sinh niềm thương kính đối với mình. Sau khi được chúng sinh thương kính hoặc hiện đời hay đời sau, Bồ Tát mới đem chánh pháp giáo hóa. Nếu chúng sinh chưa đủ niềm thương kính mà chúng ta đã vội đem chánh pháp ra giáo hóa, họ sẽ phỉ báng chúng ta lẫn chánh pháp. Điều này khiến cho họ bị bất hạnh nhiều hơn. Phải đợi niềm thương kính của họ thuần thục Bồ Tát mới dạy họ những giáo lý mầu nhiệm khác.
Có thể trong những trường hợp nào đó, chúng ta phải đồng sự với mọi người, nhưng làm sao đưa họ đến niềm thương kính chứ không đưa họ đến sự khinh thường. Nếu việc đồng sự của chúng ta không gây được niềm kính thương của mọi người, trái lại, đã đưa đến sự coi thường, tốt hơn chúng ta nên cách biệt để quay lại lo tu cho chính mình đợi đến khi chúng ta đủ trí tuệ và uy đức hãy thực hành đồng sự.