Thay đổi suy nghĩ trắng hay đen


Số từ: 703
Công ty phát hành: Skybooks
Nhà xuất bản: NXB Thế Giới
Dịch Giả: Như Nữ
Nguồn: truyenhayhoan
Đây là một trường hợp tôi từng tư vấn
Ông giữ vị trí giám đốc của một công ty tầm trung. Vị giám đốc này không thể dậy sớm nên thường có thói quen đến trễ hai tiếng so với nhân viên. Với cương vị giám đốc thì như vậy, ông không phải là một tấm gương tốt, thế nên ông đặt ra mục tiêu cho bản thân: "Từ tuần sau, mỗi sáng phải đến công ty lúc 8 giờ"
Khi được hỏi về kết quả trong tuần kế tiếp, ông ấy vô cùng hối hận "Không được. Tôi hoàn toàn không thể dậy sớm được. Khổ thế không biết"
Tôi hỏi "Ông không đi làm sớm được một ngày nào sao?", vị giám đốc trả lời "À không, hai ngày đầu tiên tôi có thể đi làm lúc 8 giờ, nhưng những ngày sau đó tôi lại quay lại với mốc 10 giờ"
Lúc này, tôi lại nói:
- Hai ngày có thể đi làm lúc 8 giờ, vậy tuần này ông đã được 40 điểm rồi.
Tôi hỏi tiếp:
- Trong hai ngày đấy, ông có nhận thấy điều gì mới mẻ không?
Vị giám đốc ấy kể suốt với tôi trong 30 phút
- Tôi đã tham dự buổi họp hàng sáng của nhân viên, và tôi thấy thực sự cảm động khi các nhân viên đều hiểu và theo phương châm hoạt động của công ty. Hơn 80% nhân viên trong công ty đều có những phát biểu hết sức tích cực trong buổi họp đầu giờ làm. Và..."
Cuối cùng, tôi đưa ra đề nghị:
- Chỉ có hai ngày đi làm sớm mà ông nhận ra được rất nhiều điều hữu ích đấy chứ. Vậy sang tuần, ông hãy thử sức với ba ngày đi làm sớm xem sao?
Vị giám đốc nói: "Nghe có vẻ có thể thực hiện được đấy" và chúng tôi kết thúc buổi trao đổi ở đấy.
Sang tuần tiếp theo, khi tôi hỏi về kết quả thì được biết rằng vị giám đốc đã đi làm lúc 8 giờ được cả 5 ngày.
Những người có suy nghĩ theo chủ nghĩa hoàn hảo quá mạnh thường muốn phán đoán mọi chuyện thành trắng, đen rõ ràng: thành công hay thất bại, tốt hay xấu, giỏi hay kém, 0 điểm hay 100 điểm...
Và tôi gọi đó là những suy nghĩ trắng đen
Tuy nhiên, dù mọi chuyện có thuận lợi đến đâu cũng sẽ có điểm khiến bạn phải hối hận, dù có thất bại ê chề thì bạn cũng sẽ nhận được một điều gì đó
Vấn đề của những người có suy nghĩ rạch ròi này chính là luôn yêu cầu mọi chuyện tuyệt đối, dẫn đến họ buộc bản thân phải tiêu hao quá nhiều năng lượng. Chỉ cần có một chuyện không được như ý, họ sẽ đánh giá thành quả là 0 điểm và thấy chán ghét bản thân mình. Một vấn đề nữa là khi đánh giá tất cả đều là "thất bại", họ sẽ không nhìn thấy những điểm tốt trong đó nữa
Ví dụ, như với vị giám đốc lúc nãy, ban đầu vị giám đốc này cũng có những suy nghĩ phân biệt trắng đen rạch ròi: "có thể" hay "không thể" đi làm lúc 8 giờ cả năm ngày một tuần
Hay nói cách khác, vị giám đốc này cho rằng nếu cả năm ngày mà không đi làm được lúc 8 giờ thì chẳng còn ý nghĩa, và sẽ thấy hối hận vì bản thân "hoàn toàn không thể làm được"
Trong trường hợp này, nếu không có bất cứ sự tư vấn nào thì những tuần tiếp theo, vị giám đốc này chắc chắn sẽ quay lại thói quen đi làm lúc 10 giờ như ban đầu
Tuy nhiên, sau khi được nhắc rằng thực hiện được hai ngày tương đương với 40 điểm, vị giám đốc này bắt đầu nhận thấy có thể thực hiện thêm một ngày nữa, tức là nâng lên 60 điểm
Khi con người bắt đầu nhìn thấy vùng xám cũng là lúc họ có thể thoát ra khỏi những suy nghĩ trắng đen.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Mình là cá việc của mình là bơi.