- 13 -
-
Ngày đẹp hơn sẽ tới
- Chetan Bhagat
- 2205 chữ
- 2020-05-09 03:22:41
Số từ: 2184
Dịch giả: Phạm Hồng Anh
C.ty Nhã Nam phát hành
Nhà xuất bản Văn học
✯✯✯
Số hóa và soát lỗi: VCTVEGROUP
tve-4u.org
Mấy tuần trôi qua, ngày báo kết quả thi đang đến gần. Bố có vẻ còn hồi hộp hơn cả tôi.
Một đêm tôi đưa thuốc đến cho ông, ông hỏi:
Khi nào thì có kết quả thi?
Tuần sau ạ,
tôi đáp.
IIT thì sao?
Tuần sau nữa ạ,
tôi trả lời.
Nếu đỗ IIT thì tuyệt quá nhỉ?
Bố nói, mắt ông sáng lên.
Tôi đắp chăn cho ông.
Bố, bác sĩ có nói bố cần phẫu thuật không?
Giờ thì bác sĩ nào chả cần việc làm, phải không nào?
ông nói.
Mình có nên bảo bác Ghanshyam đưa mình khoản tiền bác ấy muốn cho miếng đất không?
tôi hỏi.
Không ăn thua. Ông ta sẽ không nghe đâu. Vả lại ở tuổi này rồi ta còn phẫu thuật làm gì nữa?
Bố không bao giờ chịu nghe cả,
tôi lắc đầu và tắt đèn.
Chưa phải là ngày tận thế đâu, Gopal. Chưa phải đâu.
Nàng cầm lấy tay tôi.
Nói gì đi chứ.
Aarti mời tôi đến nhà vào ngày có kết quả AIEEE. Nhà nàng có kết nối Internet và bất chấp sự phản đối của tôi, nàng vẫn không muốn tôi xem kết quả một mình.
Tôi nhớ mọi thứ về khoảnh khắc đó. Miếng vải trải bàn thêu hai màu đen đỏ phủ cái bàn máy tính, cái quạt ồn ào trên đầu, những kỷ niệm chương đa dạng của chính phủ trao cho cha nàng, màu đen của cái máy tính xách tay và màn hình hiển thị xếp hạng của tôi.
44,342
thứ hạng hiển thị không thay đổi cạnh số báo danh của tôi.
Sau cả một năm nhồi nhét những môn tôi căm ghét, sống một mình tại thành phố bụi bặm và để cha tôi chìm sâu trong nợ nần, tôi chỉ có thể tái khẳng định - tôi là kẻ thất bại.
Tôi không phản ứng. Tôi không khóc, tôi không cảm thấy giận dữ, sợ hãi, bực bội, bất cứ điều gì. Tôi nhớ là Aarti lượn vòng quanh, nói chuyện với tôi. Nhưng, tôi không thực sự hiểu được những gì nàng nói.
Tôi đứng lên như một cái xác sống.
Anh ổn chứ?
Aarti lắc tôi. Nàng, tôi, cái máy tính, thế giới này, tất cả mọi thứ có vẻ như trong một cuốn phim quay chậm.
Còn JEE thì sao?
"Sẽ còn tệ hơn. Anh làm bài không tốt.
Nàng im lặng. Mà nàng có thể nói gì được nhỉ?
Anh phải đi đã,
tôi nói.
Anh sẽ đi đâu?
nàng hỏi tôi câu quan trọng nhất. Phải rồi, tôi có thể đi đâu được? Về nhà ư? Và nói với bố rằng tôi đã lãng phí tất cả số tiền ông vay vì tôi sao.
Em sẽ về nhà với anh. Em có thể nói chuyện với bố.
Tôi lắc đầu.
Anh chắc chứ?
nàng hỏi.
Tôi không trả lời. Tôi không thể. Tôi vội vàng ra khỏi nhà nàng.
Con đã đi đâu vậy?
bố hỏi khi mở cửa.
Tôi vào thẳng phòng mình. Bố đi theo tôi.
Con không muốn xem kết quả thi AIEEE à?
ông hỏi.
Tôi im lặng.
Con nói ngày hôm nay có kết quả mà.
Tôi không trả lời.
Sao con không nói gì?
Tôi nhìn vào đôi mắt lo lắng của bố.
Con có tin xấu đây,
tôi nói.
Bố thì thầm.
Gì vậy?
Điều tệ nhất đã xảy ra.
Gì hả?
Tôi nhún vai.
Khi nào thì có kết quả AIEEE?
Có rồi ạ,
tôi nói và đi sang phòng khách.
Và?
bố đi theo và đứng ngay trước mặt tôi.
Tôi nhìn xuống. Bố chờ thêm vài giây.
Chát!
Tôi thấy má mình rát bỏng. Với tuổi và sức khỏe của bố tôi, cái tát này khá mạnh. Đây là lần đầu tiên ông đánh tôi trong hơn mười năm nay. Tôi đáng phải nhận nó.
Sao lại thế?
bố hỏi.
Con không làm gì ở Kota cả, đúng không? Không làm gì cả.
Nước mắt dâng lên, tai tôi ù đi. Tôi muốn nói với ông rằng tôi đã làm bài tập hàng đêm, đến lớp học cả ngày, nâng cao được thứ hạng. Tôi đã có một cơ hội khá tốt để thành công. Chỉ thiếu vài điểm mà bị rớt mười nghìn bậc.
Tôi không nói gì. Tôi khóc như một đứa trẻ, tựa hồ như sự hối hận của tôi có thể làm cho ông cảm thấy tốt hơn.
Chúng ta làm thế nào để trả nợ bây giờ?
bố nói, quay lại với những vấn đề thực tế nhanh hơn tôi nghĩ.
Con đã lên được hạng cao hơn, tôi muốn nói với ông thế. Những thầy cô giáo ở Career Path đều nói con có tiềm năng. Phải, con cũng bị phân tán tư tưởng mất một thời gian, có thể đấy là lý do con không đỗ. Dù sao chăng nữa, không phải ai đến Kota cũng đỗ hết. Vineet, cậu bạn từ Varanasi đến Kota trước tôi, cũng đâu có đỗ. Nhưng tôi chỉ chìa khuôn mặt sưng sỉa của mình ra cho bố.
Con đang nghĩ gì vậy? Con có chút xấu hổ nào không vậy?
ông nói và ho một tràng. Người ông rung lên, rất vất vả để giữ thăng bằng.
Ngồi xuống đi bố,
tôi nói và lại gần ôm lấy ông. Người ông ấm áp.
Đừng lại gần ta,
ông đẩy tôi ra.
Bố đang sốt đấy,
tôi nói.
Đoán xem tại ai?
ông đáp trả.
Tôi không biết phải nói hay làm gì. Tôi thậm chí thấy mình không xứng đi lấy thuốc từ phòng bên đưa cho ông. Tôi để ông một mình. Khi ta hủy hoại cuộc đời ai đó, ít nhất ta cũng nên để người đó được một mình.
Tớ đã trải qua tất cả những chuyện đó. Cậu chắc phải thảm hại lắm,
Vineet nói với tôi.
Chúng tôi ngồi trên bậc nước Assi, gần bến tàu. Tôi đã sắp xếp một cuộc hẹn bí mật với Vineet. Tôi không biết cậu ta rõ lắm. Tôi chỉ mới gửi email qua lại với cậu ta sau khi tôi đi Kota. Nhưng bây giờ cậu ta có vẻ là một người đồng hành lý tưởng. Phải, Aarti vẫn giữ liên lạc, hỏi han sức khỏe tôi và thậm chí còn đi chèo thuyền với tôi. Dù vậy, tôi chẳng có gì để nói với nàng. Tôi đã nghĩ đến chuyện nhảy xuống sông Hằng và chấm dứt đời mình. Lúc này, Raghav là người tôi tự động tránh mặt. Tôi không muốn nhận an ủi từ một anh chàng từ IIT-BHU, nhất là một người thậm chí còn có vẻ không thèm quan tâm đến cả bằng cấp của mình.
Vineet, một anh chàng tầm thường như tôi, là người tôi cảm thấy thoải mái khi ở bên. Cậu ta đã vào cao đẳng kỹ thuật.
Vậy là tớ có thể nói với mọi người là tớ học Kỹ thuật,
Vineet nói và cười.
Chỉ cần bỏ qua tên trường là được. Dù sao thì hầu hết mọi người đều chẳng biết đến nó.
Tôi nhặt mấy hòn sỏi trên bậc thang và ném thia lia trên mặt sông thiêng.
Cậu sẽ ổn thôi, anh bạn,
Vineet nói.
Không bao giờ ổn hoàn toàn, nhưng ít nhất sẽ ổn hơn bây giờ.
Cậu chọn trường tư bằng cách nào?
tôi hỏi. Có cả tá trường tư, hằng tuần đều có thêm trường mới mở.
Tớ đến hội chợ giáo dục. Tớ dò hỏi. RSTC có vẻ tốt hơn những trường khác một chút. Nhưng tớ không nghĩ có nhiều khác biệt lắm.
RSTC là gì?
Cao đẳng Kỹ thuật Riddhi Siddhi. Những người chủ sở hữu có cửa hàng bán váy áo sari cùng tên.
Ồ,
tôi nói, cố tìm sự liên quan giữa các bộ sari và giáo dục.
Tên nghe lạc hậu nhỉ, phải không? Thế nên chúng tớ gọi là RSTC, nghe khủng hơn.
Vineet cười.
Cậu có tìm được việc sau khi tốt nghiệp không?
Nếu như cậu may mắn. Tỉ lệ kiếm được việc là sáu mươi phần trăm. Không tệ.
Bốn mươi phần trăm sinh viên không tìm được việc làm cơ à?
tôi hỏi, thấy bị sốc. Như thế còn tệ hơn Kota, tốt nghiệp mà cuối cùng chẳng có được gì.
Thống kê đang tốt dần lên mỗi năm. Ngoài ra, cậu còn có thể xoay xở được vài công việc. Như là các trung tâm điện thoại hỗ trợ hay bán thẻ tín dụng chẳng hạn. Hãy nghĩ thoáng đi và mọi việc sẽ ổn.
Tốt nghiệp kỹ sư mà đi làm cho trung tâm điện thoại hỗ trợ?
Anh bạn, đừng có mà sốc thế. Bọn mình, cũng như hàng triệu sinh viên khác, đều là những kẻ thất bại trong cuộc đua vĩ đại của ngành giáo dục Ấn Độ. Hãy vui với bất cứ thứ gì mình có. Tất nhiên, nếu bố mẹ cậu giàu, hãy học MBA sau khi tốt nghiệp trường kỹ thuật. Một lần thử tìm việc nữa.
Nếu bố mẹ không giàu thì sao?
tôi hỏi.
Vineet không nói gì. Bực mình, tôi ném tất cả chỗ sỏi xuống sông Hằng. Như những sinh viên hạng thấp, những hòn sỏi chìm nghỉm và biến mất không dấu vết.
Này, đừng có điên lên với tớ. Tớ đâu có chế ra cái hệ thống này.
Vineet vỗ vai tôi.
Ngồi rỗi càng lâu cậu càng thấy tệ. Giấc mơ qua rồi. Vào cao đẳng đi, bất cứ trường nào, ít nhất thì cậu cũng sẽ được ở bên những sinh viên khác.
Những kẻ thất bại khác,
tôi nói.
Đừng trịch thượng với những kẻ như mình chứ,
Vineet nói.
Cậu ấy đúng.
Tớ xin lỗi,
tôi nói.
Chi phí cho cao đẳng thế nào?
Một trăm ngàn một năm trong bốn năm, có ký túc xá.
Mẹ kiếp,
tôi nói.
Phải bao nhiêu năm lương mới trả hết nợ, đấy là nếu may mắn có việc làm sau khi ra trường.
Tớ biết. Nhưng bố mẹ cậu sẽ trả tiền. Và họ được huênh hoang với mọi người là con trai họ sẽ thành kỹ sư. Cậu được tự do trong bốn năm tới. Nghĩ mà xem, cũng không phải tệ lắm đâu.
Nhà tớ không có tiền,
tôi nói thẳng.
Vineet đứng lên.
Đấy mới là vấn đề, anh bạn ạ.
Về à?
tôi hỏi.
Ừ, trường tớ cách Varanasi hai mươi cây số. Vui lên đi. Cậu đang trong giai đoạn tệ hại nhất của cuộc đời. Từ giờ trở đi chỉ có tốt hơn thôi.
Tôi đứng dậy, phủi bụi khỏi quần. Tôi lê bước về nhà. Đã ba ngày nay bố không nói chuyện với tôi.
Chúng tôi đi theo con ngõ hẹp Vishwanath Gali tới đường chính Gadholia.
Hai tuần nữa sẽ có hội chợ giáo dục ở Sân vận động Dr. Sampooranand,
Vineet nói.
Đến đi, có thể cậu sẽ tìm được một trường cao đẳng rẻ hơn.
Làm gì có tiền. Nhà tớ nợ ngập đến cổ,
tôi nói.
Rồi, nhưng cứ đến xem có sao đâu. Cậu có thể sẽ được giảm học phí, nhất là từ những trường mới nếu cậu có xếp hạng AIEEE kha khá.
Tôi đi bộ về nhà. Một tiếng đi bộ ngoài không khí trong lành giúp tôi tạm thời cảm thấy khá hơn. Tôi không nên nói với bố về những trường cao đẳng đắt đỏ, tôi nghĩ. Có lẽ tôi nên nói với bố về cách tìm việc để kiếm tiền thay vì chi tiêu nhiều hơn. Nhưng đầu tiên tôi phải chấm dứt cơn dằn dỗi của ông đã.
Tôi vào phòng ông. Ông đang nằm trên giường.
Con muốn tìm việc làm, bố à. Hãy để con đi kiếm ít tiền trước khi con quyết định chuyện đại học.
Ông không nói một lời. Tôi tiếp tục,
Con hiểu bố đang giận. Cũng phải thôi. Có quán cà phê Coffee Day mới mở ở Sigra. Đấy là một chuỗi quán cà phê cao cấp. Họ đang tuyển nhân viên. Học xong lớp 12 là có thể xin việc rồi.
Đáp lại, tôi chỉ nghe thấy tiếng rù rù của cánh quạt trần.
Con đã ứng tuyển rồi. Con sẽ không làm việc ở quán cà phê mãi đâu. Nhưng họ trả năm ngàn một tháng. Không tệ phải không?
Bố vẫn im lặng.
Nếu bố im lặng, có nghĩa là bố đồng ý đấy.
Bố tiếp tục thờ ơ trước lời khiêu khích của tôi. Tôi muốn ông nhiếc mắng, gào thét, gì cũng được, để chấm dứt sự im lặng này.
Tôi cúi xuống ông.
Bố, đừng trừng phạt con thế nữa,
tôi nói. Tôi nắm tay ông và lắc. Tay ông mềm và lạnh.
Bố?
tôi gọi lần nữa. Người ông có vẻ cứng cứng.
Bố?
tôi lại gọi. Cuối cùng thì tôi cũng hiểu ra: Tôi đã mồ côi.