Chương hai mươi bảy


Số từ: 9379
Người dịch: Nguyễn thị Hải Hà
NXB Lao Động
Nguồn: vietmessenger
Richard đang ngồi ở bàn ăn khi chuông cửa reo vang. Chàng vặn radio nhỏ lại và xếp gọn giấy tờ vương vãi trên bàn trước khi ra mở cửa. Harrison đứng đó, trán, cổ, tay và chân của ông ta phía dưới cái quần soóc bằng ka ki đều bị băng bó, đẫm máu. Cái màu đỏ còn tươi làm Richard muốn ngất xỉu. "Harrison! Chúa ơi! Ông sao thế? Chuyện gì đã xảy ra với ông?"
"Xin chào ông chủ."
"Ông bị tấn công hả?" Richard hỏi.
Harrison vào trong nhà, đặt cái túi rách tả tơi của mình xuống rồi bắt đầu cười to. Khi Harrison giơ tay tháo mấy miếng băng thẫm máu trên đầu xuống, Richard nói, "Đừng, đừng, không cần phải tháo ra, không nên làm thế. Tôi sẽ gọi tài xế ngay lập tức. Chúng tôi sẽ đưa ông đến bệnh viện."
Harrison giật miếng băng xuống. Đầu ông ta lành lặn; không có vết thương nào chứng tỏ là máu đã chảy ra từ đó.
"Củ cải đỏ đấy, thưa ông", Harrison nói và lại cười.
"Củ cải đỏ?"
"Vâng, thưa ông."
"Nó không phải là máu, ý ông là sao?"
"Không phải máu, thưa ông." Harrison đi sâu vào trong phòng khách và đứng ở một góc nhưng Richard bảo ông ta ngồi xuống. Ông ta ngồi xuống thành ghế. Nụ cười trên mặt ông bỗng tắt ngấm khi ông bắt đầu nói.
"Tôi từ làng tôi đến đây, thưa ông. Tôi không nói cho bất cứ ai biết là làng của chúng tôi sắp mất để người ta không buộc tội tôi là kẻ phá hoại. Nhưng tất cả mọi người đều biết là kẻ địch đã gần kề. Hai ngày trước đây chúng tôi đã nghe tiếng đại bác, nhưng hội đồng của làng bảo đó là lính mình tập trận. Vì thế tôi đưa gia đình tôi và bầy dê vào tuốt trong trại xa. Rồi tôi bắt đầu đi Port Harcourt, bởi vì tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với ông chủ. Tôi còn nhắn tin qua anh tài xế của ông Giáo sư Blyden nhiều tuần trước đây."
"Tôi chẳng nhận được tin gì cả."
"Thằng ngu", Harrison làu bàu, trước khi ông ta tiếp tục. "Tôi nhúng vải vào nước củ cải đỏ tươi và làm băng quấn vào người rồi tôi nói là tôi vừa thoát chết trong một trận bom. Chỉ có cách này thì người ta mới cho phép tôi leo lên xe vận tải. Chỉ có đàn ông bị thương mới được đi theo đàn bà và trẻ em."
"Thế Nsukka thì sao? Làm thế nào ông trốn thoát?"
"Chuyện này xảy ra từ mấy tháng trước, thưa ông. Khi tôi nghe tiếng pháo kích, tôi gói đồ của ông và tôi để bản thảo của ông vào một cái hộp nhỏ chôn trong vườn, gần bụi hoa nhỏ mà Jomo mới trồng lần cuối."
"Ông chôn bản thảo của tôi?"
"Phải, thưa ông, bởi vì nếu không người ta sẽ tịch thu lúc tôi đi đường."
"Phải, đúng vậy." Richard nói. Thật vô lý nếu chàng hy vọng là Harrison đã mang bản thảo Thời Đại Bình Đồng đến cho mình.
"Thế thì từ khi ấy cho đến giờ, ông sống như thế nào?"
Harrison lắc đầu. "Đói lắm, thưa ông. Dân làng tôi phải quan sát đàn dê."
"Quan sát đàn dê?"
"Để xem chúng ăn; sau đó người ta nấu cái thứ lá mà mấy con dê ăn lấy nước cho trẻ con uống. Nó giúp phòng bệnh kwashiorkor[72] ."
"Tôi hiểu", Richard nói. "Bây giờ ông đi đến khu nhà dành cho người giúp việc và tắm rửa đi."
"Vâng, thưa ông." Harrison đứng dậy.
"Còn kế hoạch của ông bây giờ thế nào?"
"Thưa, ông nói gì thế ạ."
"Ông có định trở về làng của ông không?"
Harrison xoa xoa lớp băng dày cộm vì máu giả. "Không, thưa ông. Tôi chờ đến khi chiến tranh chấm dứt để còn có thể nấu ăn cho ông chủ."
"Ờ, thế cũng được", Richard nói. Cũng may mà hai người giúp việc của Kainene đã tham gia quân đội và chỉ còn Ikejide ở lại.
"Nhưng, thưa ông, người ta nói chẳng mấy chốc Port Harcourt cũng sẽ thất thủ. Kẻ địch đến nhiều lắm trên mấy chiếc tàu của Anh. Họ sắp pháo kích Port Harcourt đấy."
"Đi tắm đi, Harrison."
"Vâng, thưa ông."
Sau khi Harrison đi rồi, Richard vặn radio to lên. Chàng thích cách phát âm nhấn giọng của người Ả Rập trên radio của Kaduna, nhưng chàng không thích cái vẻ vui mừng chắc chắn khi họ nói, "Port Harcourt đã được giải phóng! Port Harcourt đã được giải phóng!" Người ta đã đồn về chuyện Port Harcourt sẽ bị thất thủ suốt hai ngày qua. Cả đài Lagos cũng nói thế, mặc dù không có vẻ vui mừng như thế. Đài BBC cũng đã bình luận về hiểm họa của việc mất Port Harcourt sẽ dẫn đến sự sụp đô của Biafra; Biafra sẽ mất nguồn sống của nó là hải cảng, sân bay và sự kiểm soát nhiên liệu như dầu hỏa.
Richard mở nút làm bằng tre của cái chai trên bàn và rót cho mình một ly rượu. Chất lỏng màu hồng tỏa một hơi ấm dễ chịu lan tràn khắp người chàng. Bao nhiêu cảm xúc lẫn lộn trong lòng – mừng là Harrison được bình an nhưng thất vọng là bản thảo của chàng đã bị chôn ở Nsukka, lo lắng cho số phận của Port Harcourt. Trước khi rót cho mình ly thứ hai, chàng đọc nhãn hiệu trên chai: CỘNG HÒA BIAFRA, BỘ KHẢO CỨU VÀ SẢN XUẤT, NENE SHERRY, 45%. Chàng nhấp chậm rãi. Lần cuối cùng đến thăm, Madu đã mang đến hai thùng, anh ta nói đùa là rượu địa phương trong chai bia cũ là một trong những nỗ lực cho chiến thắng.
"Người RAP đã bảo là Ojukwu uống thứ này nhưng tôi không tin", anh ta nói. "Tôi chỉ uống loại rượu trắng chứ không tin loại có màu."
Vẻ ngạo mạn của Madu khi gọi Lãnh Tụ là Ojukwu luôn luôn làm Richard khó chịu nhưng chàng không nói gì. Chàng không thích nhìn nụ cười tự mãn của anh ta, cũng giống như khi Madu nói với Kainene, "Mình chạy xe của mình bằng dầu hỏa và dầu cọ", hay, "Chúng ta tập sử dụng ogbunigwe cho hoàn hảo", hay "Mình làm một cái xe bọc thép bằng sắt vụn". Chữ mình, chúng ta của anh ta luôn luôn ngấm ngầm một sự loại trừ. Sự nhấn mạnh có ngụ ý giọng nói trầm hơn – có nghĩa Richard không là một phần tử trong chữ chúng ta; một người khách ở trọ không thể có được cái tự do của chủ nhà.
Và do đó, vài tuần trước, Richard lúng túng khi Kainene nói với chàng, "Madu muốn nhờ anh viết cho Bộ Tuyên truyền. Anh ấy sẽ xin cho anh một cái thẻ đặc biệt và dầu hỏa để anh có thể đi khắp mọi nơi. Họ sẽ gửi bài viết của anh cho những người lo về việc liên hệ với công chúng ở nước ngoài."
"Tại sao lại là anh chứ?"
Kainene nhún vai. "Tại sao không?"
"Anh ta ghét anh lắm."
"Đừng có phóng đại chuyện chẳng đáng. Em nghĩ họ muốn một người trong cuộc có kinh nghiệm viết những câu chuyện về việc hiện ngày càng có nhiều người Biafra bị chết hơn."
Ban đầu chữ người trong cuộc làm Richard thấy xúc động. Nhưng sau đó là sự nghi ngờ; người trong cuộc là từ của Kainene, không phải của Madu. Madu luôn xem anh là người ngoại quốc, có lẽ vì thế mà anh ta nghĩ Richard sẽ giỏi về chuyện này. Khi Madu gọi điện thoại và hỏi anh có thể làm việc này không, anh trả lời rằng không.
"Anh đã nghĩ kỹ chưa?" Madu hỏi.
"Anh sẽ không nhờ tôi nếu tôi không phải là người da trắng."
"Dĩ nhiên, tôi nhờ anh vì anh là người da trắng. Người ta sẽ nghĩ về lời anh viết một cách nghiêm túc hơn bởi vì anh là người da trắng. Này, thật sự đây không phải là cuộc chiến tranh của anh. Đây không phải là lý tưởng của anh. Chính phủ của anh sẽ chuyển anh đi ngay lập tức nếu anh xin họ giúp. Vì thế mang mấy cành cây mềm oặt rồi phất lên và la hét quyền lực, quyền lực không đủ để chứng tỏ rằng anh ủng hộ Biafra. Nếu anh muốn thật sự chung vai góp sức, đây là cơ hội để anh có thể tham gia. Thế giới phải biết sự thật về những gì đang xảy ra bởi họ không thể lặng thinh trong khi chúng tôi chết. Họ sẽ tin lời một người đàn ông da trắng sống trên đất Biafra và không phải là ký giả chuyên nghiệp. Anh có thể nói cho người ta biết là chúng tôi sẽ giữ vững lập trường của mình và sẽ chiến thắng ngay cả khi MIG-17 của người Nigeria, IL-28 và L-29 Delfins lái bởi phi công Nga và Ai Cập bỏ bom chúng tôi mỗi ngày, nói cho họ biết một phần trong số này được máy bay chuyên chở và họ đã thả bom để giết đàn bà, trẻ em như thế nào; người Anh, người Nga đã là liên minh vô đạo, đã cung cấp vũ khí cho Nigeria càng lúc càng nhiều, chính quyền Mỹ đã từ chối không giúp đỡ chúng tôi, hay là các chuyến bay tiếp tế thực phẩm phải đến vào ban đêm, phải tắt đèn bởi vì người Nigeria sẽ bắn hạ máy bay tiếp tế nếu đến vào ban ngày…"
Madu ngừng để lấy hơi, Richard nói, "Vâng, tôi sẽ viết". Câu Họ không thể lặng thinh trong khi chúng tôi chết vang lên trong đầu chàng.
Bài báo đầu tiên của chàng viết về sự sụp đổ của Onitsha. Chàng viết là người Nigeria đã rất nhiều lần cố gắng chiếm đóng thành phốcổ xưa này nhưng người Biafra chiến đấu rất dũng cảm và hàng trăm quyển tiểu thuyết rất nổi tiếng đã được xuất bản trước chiến tranh. Chàng cũng viết rằng ngọn khói dày đặc, buồn thảm của chiếc cầu Niger bốc lên cao tựa như một bài thơ kháng chiến. Chàng miêu tả Nhà thờ Công giáo Ba Ngôi, hai Sư đoàn Hai của Nigeria đã phóng uếlên bàn thờ trước khi giết hai trăm thường dân. Chàng dẫn lại lời nói điềm tĩnh của một người chứng kiến. "Quân vô đạo đã báng bổ Chúa. Chúng ta sẽ đánh bại chúng."
Lúc viết bài này, chàng cảm thấy như mình trở lại là một cậu học trò nhỏ, viết thư cho bác Elizabeth trong khi ông hiệu trưởng trông chừng. Richard nhớ ông ta rất rõ , màu da loang lổ, cái cách ông ta gọi Khoa Học là "dơ bẩn", cái cách ông ta vừa ăn cháo vừa đi quanh phòng ăn vì ông ta bảo rằng đó là phong cách của những người lịch sự. Richard không chắc lắm cái nào làm chàng ghét nhiều hơn lúc đó, bị bắt buộc phải viết thư hay là bị trông chừng trong lúc viết. Và bây giờ chàng cũng không biết là mình không thích cái nào hơn, tưởng tượng là Madu đang quan sát mình hay chợt nhận ra là mình quan tâm quá mức đến tư tưởng của Madu. Một mẩu nhận xét nhỏ của Madu gửi đến chàng vài ngày sau: Bài viết rất khéo, nên chăng lần sau bớt chút hoa mỹ đi và người ta đã gửi nó sang châu Âu. Chữ viết của Madu rất khó đọc. Trong bài viết, dòng NGƯỜI NIGERIA CỦA QUÂN ĐỘI NIGERIA đã bị gạch đi bằng bút mực và chữ BIAFRA được viết thế vào đó bằng chữ in. Nhưng lời của Madu làm cho Richard tin tưởng là mình đã quyết định đúng đắn. Chàng tưởng tượng mình như Winston Churchill trẻ tuổi đang chịu trách nhiệm theo dõi trận đánh của Kitchener ở Omdurman, một trận đánh giữa kẻ mạnh và phái yếu, chỉ khác với Churchill, chàng đứng về phe những người chiến thắng về mặt tinh thần.
Sau nhiều tuần, bây giờ chàng cảm thấy mình đã phần nào được chấp nhận. Chàng thấy hân hoan trước sự kính trọng mới hiện lên qua ánh mắt của người tài xế, lật đật nhảy ra mở cửa mặc dù Richard bảo anh ta không nên làm thế. Chàng thấy thích thú khi cái liếc nghi ngờ của những người dân vệ nhanh chóng chuyển thành nụ cười lúc chàng chào họ bằng tiếng Igbo chàng cũng thấy thích cái cách người ta sẵn sàng trả lời câu hỏi của chàng. Chàng thấy tự hào khi mình được công nhận là hơn hẳn các phóng viên ngoại quốc, họ mù tịt thông tin về nguyên nhân dẫn đến chiến tranh – sự ám chỉ dẫn đến cuộc đình công toàn quốc và cuộc điều tra dân số, những biến động ở miền Tây – chàng biết tỏng là họ chẳng biết chàng đang nói cái gì.
Nhưng điều thú vị nhất là chàng được gặp Lãnh Tụ. Đó là vào một buổi xem kịch tại Oweri. Một cuộc không kích đã làm vỡ hết ô cửa sổ trong nhà hát và gió mát buổi tối thổi bay một số lời trình diễn của các diễn viên. Richard ngồi sau Lãnh Tụ vài hàng ghế. Sau buổi diễn, một quan chức cao cấp ở Bộ Điều động đã giới thiệu hai người với nhau. Cái bắt tay siết chặt, lời cảm ơn lịch thiệp về những việc tốt chàng đã làm, giọng Oxford thân quen khiến Richard thấy yên lòng. Cho dù chàng thấy vở kịch chính trị rất lộ liễu, chàng cũng không nói thế. Chàng đồng ý với Lãnh Tụ. Vở kịch rất hay. Rất tuyệt vời.
Richard có thể nghe tiếng của Harrison trong nhà bếp. Chàng vặn đài Biafra, vừa đúng lúc chấm dứt bản tin lực lượng của kẻ thù đang bị chặn lại ở Oba, trước khi chàng tắt radio. Chàng rót thêm một ít rượu nữa rồi đọc lại câu cuối cùng chàng viết. Chàng vừa viết về Lực Lượng Biệt Kích, được dân chúng ngưỡng mộ như thế nào, nhưng vì chàng không thích người chỉ huy của lực lượng này, một người Đức đánh thuê, nên câu chữ cứ tắc tị; việc viết tiếp thật là khó và ly rượu sherry càng làm nỗi lo âu của chàng tăng lên chứ không hề giảm đi. Chàng đứng dậy nhấc điện thoại và gọi cho Madu.
"Richard. May quá. Tôi vừa mới bước đến cửa."
"Có tin gì về Port Harcourt không?"
"Tin tức?"
"Nó có bị đe dọa không? Umuokwurusi đang bị pháo kích, phải không?"
"Ồ, chúng tôi nhận được tin là có một số kẻ phá hoại loan tin về trận pháo kích. Anh nghĩ là nếu kẻ địch đã thực sự đến sát rồi, không lẽ chúng chỉ pháo kích cầm chừng như thế?"
Giọng nói châm chọc của Madu ngay lập tức làm Richard cảm thấy mình thật ngốc nghếch. "Xin lỗi đã làm phiền. Tôi chỉ nghĩ…" Chàng dừng giữa chừng.
"Không sao. Chào Kainene giúp tôi khi cô ấy trở về", Madu nói, trước khi gác máy.
Richard uống cạn ly rượu và muốn rót thêm ly nữa nhưng quyết định thôi. Chàng cố gắng đậy lại cái nút chai và ra ngoài hàng hiên. Mặt biển vẫn yên lặng. Chàng vươn vai và lấy tay hất nhanh mái tóc như muốn rũ đi những lo nghĩ. Nếu Port Harcourt bị mất, chàng sẽ mất đi nơi mà chàng đã đem lòng yêu thương và được yêu thương, chàng sẽ mất đi một phần con người mình. Nhưng Madu nói đúng. Madu đâu cần phải phủ nhận là thành phố nơi Kainene đang sống sắp thất thủ. Một khi anh ta nói là Port Harcourt không sao thì đúng là nó không sao thật.
Richard nhìn hình ảnh mình lờ mờ trên cửa kính. Nước da sạm nắng, mái tóc lơ thơ, lởm chởm, bù xù, chàng nghĩ đến câu thơ của Rimbaud: Tôi là người nào đó.
Kainene cười ngất khi Richard kể cho nàng nghe về củ cải đỏ của Harrison. Rồi nàng chạm nhẹ cánh tay chàng và nói, "Đừng lo, nếu ông ta bỏ bản thảo vào trong hộp, sẽ không sợ bị mối ăn". Nàng cởi bộ quần áo đi làm và nằm duỗi dài nhàn nhã; chàng ngắm nhìn nét thon thả trên đường cong cong của lưng nàng. Ham muốn dâng đầy nhưng chàng sẽ chờ đến tối, sau khi ăn tối xong, sau khi khách khứa đã ra về và sau khi Ikejide đã đi ngủ. Hai người sẽ ra ngoài hàng hiên và chàng sẽ đẩy bàn sang một bên rồi trải tấm thảm mềm và nằm ngửa ra. Khi nàng leo lên người chàng, chàng sẽ giữ hông nàng rồi nhìn đắm đuối lên vòm trời đêm; nhờ những giây phút đó, chàng mới hiểu thế nào là hạnh phúc. Nó là nghi thức mới của hai người bắt đầu từ khi có chiến tranh và đó là lý do duy nhất mà chàng cảm ơn chiến tranh.
"Hôm nay Colin Williamson ghé văn phòng của em." Kainene nói.
"Anh không biết là ông ta đã về", Richard nói. Gương mặt cháy nắng của Colin trở về trong trí nhớ của chàng, bộ răng xỉn lúc ông ta kể về việc tại sao ông ta bỏ Đài BBC – đơn giản vì chủ bút của ông ta ủng hộ người Nigeria.
"Ông ta mang đến một lá thư của mẹ em", Kainene nói.
"Của mẹ em?"
"Mẹ đọc bài của ông ta trong tờ Người Quan Sát rồi liên lạc với ông ta, nhờ là nếu ông có về Biafra, xin chuyển giúp một lá thư cho cô con gái ở Port Harcourt. Mẹ rất ngạc nhiên khi nghe ông ta nói là quen chúng ta."
Richard rất yêu cái cách nàng nói chữ chúng ta. "Bố mẹ có khỏe không?"
"Dĩ nhiên là họ khỏe, đâu có ai bỏ bom London. Mẹ nói mẹ gặp ác mộng là em và Olanna chết, mẹ cầu nguyện và họ gia nhập Hội Vận động Cứu trợ Biafra ở London. Điều đó có nghĩa là bố mẹ gửi cho chúng ta một ít tiền." Kainene ngưng lại và đưa cho Richard phong bì. "Mẹ rất khôn ngoan nên đã dán vào bên trong giấy lót của cái thiệp một ít tiền Anh. Rất đáng nể. Mẹ cũng gửi một cái cho Olanna."
Chàng đọc lướt qua lá thư, Gửi lời chào đến Richard, vỏn vẹn có một câu nhắc đến chàng ở cuối thư bằng giấy màu xanh. Chàng muốn hỏi Kainene là nàng định gửi tiền cho Olanna bằng cách nào nhưng lại thôi. Năm tháng trôi qua, đề tài về Olanna được chôn giấu trong sự im lặng, họ không một lần nhắc đến. Khi Kainene nhận được ba lá thư Olanna viết trước khi chiến tranh bùng nổ, nàng chẳng nói gì ngoài việc nàng đã nhận được thư. Và nàng không trả lời.
"Tuần tới em sẽ cử người đi Umuahia đưa tiền cho Olanna", Kainene nói.
Chàng đưa trả lại lá thư cho nàng. Im lặng nặng nề.
"Người Nigeria không ngừng nói về Port Harcourt", chàng nói.
"Chúng sẽ không chiếm được Port Harcourt. Đơn vị thiện chiến nhất của chúng ta đang ở đây." Kainene bình thản nói, nhưng mắt nàng ánh lên vẻ thận trọng, giống như khi nàng nói với chàng mấy tháng trước là nàng muốn mua một căn nhà chưa xây xong ở Orlu. Nàng nói tốt hơn hết là giữ bất động sản thay vì tiền mặt nhưng chàng đã nghi ngờ, có thể nàng cho rằng đó là nơi trú chân an toàn trong trường hợp mất Port Harcourt. Đối với chàng, chỉ nghĩ đến chuyện mất Port Harcourt cũng là một sự sỉ nhục rồi. Mỗi tuần, khi họ xem xét ngôi nhà để biết chắc là toán thợ xây không ăn trộm vật liệu, chàng không bao giờ nói về chuyện họ sẽ sống ở đó, như thế để tránh cho mình khỏi nỗi sỉ nhục.
Và chàng không còn muốn đi du lịch nữa. Chàng muốn giữ Port Harcourt, ngày nào chàng còn có mặt ở đó, chàng cảm tưởng sẽ không có chuyện gì xảy ra. Nhưng những người phụ trách quan hệ cộng đồng ở Âu châu đã yêu cầu một bài viết về sân bay ở Uli, vì thế chàng miễn cưỡng đi vào buổi sáng, để chàng có thể trở về trước mười hai giờ trưa, khi máy bay Nigeria bắn vào xe cộ đang di chuyển trên những trục đường chính. Có một cái hố bom rất to hiện ra trên quốc lộ Okigwe. Người lái xe vòng tránh và Richard cảm thấy một điềm báo quen thuộc nhưng ý nghĩ đó được giải tỏa, nhẹ nhõm hơn khi chàng tiến đến Uli. Đây là lần đầu tiên chàng tới nơi là đầu mối duy nhất nối Biafra với thế giới bên ngoài, cái sân bay tuyệt vời nơi thực phẩm và vũ khí tránh được những trận bom của Nigeria. Chàng leo ra khỏi xe, nhìn con đường nhựa có những bụi cây rậm rạp mọc hai bên và nghĩ rằng dân tộc này đã làm được rất nhiều việc phi thường chỉ trong một thời gian rất ngắn. Có một máy bay phản lực nhỏ xíu đang đậu cuối đường băng. Mặt trời buổi sáng rất nóng bức; ba người đàn ông đang hối hả trải lá cây trên sân bay. Mồ hôi đầm đìa, họ đẩy theo một cái xe chứa đầy lá cọ. Richard đến gần khen, "Làm việc tốt quá, jisienu ike."
Có một nhân viên đi từ khu nhà ga đang xây dở ở gần đó đến bắt tay Richard. "Đừng có viết nhiều quá, ồ, đừng làm lộ bí mật của chúng tôi đấy nhé!", anh ta nói đùa.
"Dĩ nhiên là không rồi", Richard nói. "Tôi có thế phỏng vấn ông không?"
Người đàn ông mặt mày rạng rỡ, vặn người, "À, tôi phụ trách hải quan và nhập cư." Richard cố giấu nụ cười; người ta luôn tỏ vẻ quan trọng khi chàng xin phép được phỏng vấn. Họ đứng nói chuyện trên sân bay; chỉ một lúc sau khi người đàn ông trở vào bên trongngôi nhà, có một người cao, tóc màu nhạt bước ra. Richard nhận ra Bá tước Von Rosen. Ông ta nhìn có vẻ già hơn trong tấm ảnh mà Richard đã từng thấy. Ông ta ít ra phải gần bảy mươi chứ không phải là sáu mươi, thế nhưng bất chấp tuổi tác, trông ông vẫn rất lịch lãm, bước chân sải dài và cằm vẫn gọn chắc.
"Người ta nói với tôi là anh ở ngoài này nên tôi ra chào", ông nói, cái bắt tay cũng như đôi mắt xanh của ông thể hiện rõ sự kiên định. "Tôi mới vừa đọc một bài rất hay của anh trên tờ Đội Thiếu Niên Biafra."
"Rất vinh hạnh được gặp ông, Bá tước Von Rosen", Richard nói. Thực ra niềm vinh hạnh ấy đã có từ trước rồi. Sau khi đọc về nhà quý tộc người Thụy Điển đã bỏ bom những mục tiêu của Nigeria với cái máy bay nhỏ của mình, chàng vẫn hằng mong được gặp ông.
"Những người con đáng kính phục", ông bá tước nói, liếc nhìn mọi người, đang cố gắng làm sao để từ bên trên, đường băng trải nhựa đen trông giống như là những bụi cây. "Một đất nước đáng khâm phục."
"Vâng", Richard nói.
"Anh có thích ăn phó mát không?" Bá tước hỏi.
"Phó mát? Có chứ."
Bá tước thò tay vào túi và lấy ra một gói nhỏ. "Phó mát dây, loại thượng hạng đấy."
Richard cầm lấy và cố giấu vẻ ngạc nhiên. "Cảm ơn ông."
Bá tước lại lục lọi trong túi và Richard ngờ rằng ông sẽ lấy thêm phó mát. Nhưng ông móc ra một cái kính râm rồi đeo vào mắt. "Tôi nghe nói vợ ông là một người Igbo rất giàu có, một trong những người ở lại để chiến đấu cho lý tưởng."
Richard chưa hề nghĩ đến điệu này, Kainene ở lại để chiến đấu cho lý tưởng, nhưng chàng rất thích thú việc người ta đã nói cho ông bá tước nghe điều này và còn nói với ông rằng chàng với Kainene là vợ chồng. Chàng bỗng cảm thấy dâng lên trong lòng một niềm tự hào thật mãnh liệt về nàng. "Vâng, cô ấy là một phụ nữ phi thường."
Một thoáng im lặng. Món phó mát thể hiện sự thân thiện làm Richard cảm thấy mình nên có cái gì đó đền đáp lại, vì thế chàng mở nhật ký và đưa cho bá tước xem hình của Kainene, chụp bên cạnh hồ tắm với điếu thuốc trên môi, tiếp theo là ảnh những chiếc bình đồng.
"Tôi đem lòng yêu nghệ thuật Igbo-Ukwu trước rồi mới yêu cô ấy", chàng nói.
"Rất đẹp, cả hai." Bá tước nói, trước khi ông gỡ kính ra để ngắm hai bức ảnh.
"Hôm nay ông có chuyến bay nào không?" Richard hỏi.
"Có."
"Tại sao ông làm việc này, thưa ông?"
Ông ta đeo kính vào. "Tôi từng làm việc với những người chiến đấu cho tự do ở Ethiopia và trước đó tôi bay tiếp tế cho khu ghetto[73] ở Warsaw", ông ta khẽ mỉm cười, nói như thể đó đã là câu trả lời. "Tôi phải đi đây. Cố gắng làm tốt nhé!"
Richard nhìn theo ông ta, dáng người vươn thẳng và nghĩ ông thật khác với một tay lính đánh thuê mà chàng từng biết trước đây. "Tôi yêu người Biafra", gã người Đức mặt đỏ kè đã nói. "Hoàn toàn không giống mấy gã Ban-tu[74] mọi rợ ở Congo." Ông ta đã trò chuyện với Richard trong ngôi nhà nằm giữa những lùm cây, tu whisky từ cái chai to, trông chừng đứa con nuôi – một đứa bé Biafra rất xinh xắn – đang nghịch nghịch những mảnh vỏ đạn pháo trên nền nhà. Richard thấy khó chịu bởi vẻ âu yếm nhưng đầy khinh miệt của ông ta đối với đứa con nuôi và cái cách ông ta đặc biệt đối xử với người Biafra. Cứ như là tay lính đánh thuê này rốt cuộc cũng gặp được những người da đen mà ông ta có thể có cảm tình. Ông bá tước thì khác hẳn. Richard nhìn chiếc phản lực nhỏ của ông lần nữa trước khi chàng leo lên xe.
Trên đường về, ngay bên ngoài Port Harcourt, chàng nghe tiếng súng đùng đoàng. Chỉ một lúc sau, tiếng súng ngừng. Chàng thấy lo ngại. Và khi Kainene đề nghị hai người sẽ cùng đi Orlu vào ngày hôm sau để tìm thợ mộc sửa sang căn nhà mới, Richard ước gì họ không phải đi. Hai ngày liền phải xa Port Harcourt làm chàng lo ngại.
Căn nhà mới có hàng điều bao bọc xung quanh. Richard nhớ là khi Kainene mới mua trông nó như bị bỏ hoang lâu ngày còn đang xây dang dở với một lớp rêu xanh bám trên vách tường chưa sơn – bao nhiêu ruồi nhặng và ong bám đầy mấy trái điều rơi trên mặt đất khiến chàng buồn nôn. Người chủ là ông hiệu trưởng của trường trung học công ở cuối đường. Bây giờ trường học đã biến thành trại tị nạn, vợ ông vừa mới chết, ông sẽ chuyển vào vùng sâu hơn nữa cùng đàn dê và đám con của ông. Ông lặp lại, "Căn nhà này nằm ngoài tầm pháo kích, hoàn toàn ngoài tầm pháo kích", cho đến khi Richard tự hỏi làm sao ông ta lại có thể biết người Nigeria bắn pháo từ đâu. Lúc họ đi qua những căn phòng trông mới sơn, Richard phải công nhận rằng căn nhà nhỏ có một vẻ duyên dáng. Kainene thuê hai người thợ mộc ở trại tị nạn vẽ một vài bản phác thảo và khi trở vào trong xe, nàng nói với Richard, "Em không tin mấy người này có thể đóng được một cái bàn cho vừa mắt."
Có tiếng còi rít chói tai khi họ lái xe ra khỏi Orlu. Người tài xế phanh gấp, dừng xe ngay giữa đường và họ nhảy ra khỏi xe, chạy núp vào trong bụi rậm. Có vài người đàn bà đang đi dọc đường cũng chạy, vừa chạy vừa ngoái cổ nhìn. Đây là lần đầu tiên Richard chạy đi cùng với Kainene; nàng nằm im, áp sát mặt đất cạnh chàng. Vai họ chạm vào nhau. Anh tài xế ở phía sau họ một khoảng xa. Im lặng tuyệt đối. Có tiếng sột soạt khá lớn ở gần đây làm Richard lo ngại cho đến khi một con kỳ nhông đầu đỏ bò ra ngoài. Họ chờ hồi lâu và cuối cùng đứng dậy, nghe những tiếng kêu vang lên gần đây, "Tiền của tôi đâu hết rồi! Tiền của tôi đâu hết rồi!". Cách đó chừng chục mét có một cái chợ đang nhóm họp. Có kẻ nào đó đã trộm tiền của một người bán hàng khi bà ta chạy trú ẩn. Richard có thể nhìn thấy bà ta và nhiều người khác đang trốn dưới những quầy hàng, la hét khoa tay múa chân. Khó mà tin được là chỉ vừa mới đây thôi, tất cả còn im lặng là thế vậy mà giờ đây chợ Biafra đã họp náo nhiệt dưới những lùm cây. Thực ra khu chợ mới bắt đầu hoạt động sau khi chợ Agwu lộ thiên bị Nigeria bỏ bom.
"Báo động giả còn tệ hơn là thật", anh tài xế nói.
Kainene phủi bụi rất kỹ nhưng mặt đất khá ướt và bùn dính vào áo nàng; chiếc váy đầm xanh của nàng như được điểm thêm những đốm màu sôcôla. Họ leo vào trong xe và tiếp tục cuộc hành trình. Richard có thể đoán được là Kainene đang tức giận.
"Nhìn cái cây này", chàng chỉ cho nàng. Cái cây bị xẻ làm đôi, từ ngọn đến thân. Một nửa vẫn còn đứng, hơi nghiêng. Nửa kia nằm trên mặt đất.
"Có vẻ chỉ vừa mới đây thôi." Kainene nói.
"Bác anh lái máy bay trong chiến tranh. Bác ấy đánh bom Đức. Khó mà tưởng tượng được là bác ấy đã làm những việc như thế này."
"Ít khi nghe anh nhắc đến bác ấy."
"Bác ấy mất rồi. Máy bay của bác ấy bị bắn rơi." Richard hơi ngập ngừng. "Anh sẽ viết một bài về mấy cái chợ mới trong rừng."
Người tài xế ngừng ở trạm kiểm soát. Một chiếc xe vận tải chở đầy bàn ghế; sofa, kệ tủ đỗ bên đường, một người đàn ông đứng cạnh đây nói chuyện với một nữ dân quân mặc quần ka ki và giày vải bố. Cô bỏ anh ta đứng đó, ló đầu vào nhìn Richard và Kainene. Cô ta bảo anh tài xế mở cốp xe, nhìn vào ngăn để găng tay, và chìa tay đòi xem túi xách tay của Kainene.
"Nếu tôi có bom, tôi sẽ không cất trong xách tay của mình", Kainene làu bàu.
"Bà nói gì thế thưa bà?", cô gái hỏi.
Kainene không trả lời. Cô gái khám xét chiếc xách tay cẩn thận. Cô ta lấy ra một cái radio nhỏ. "Cái gì đây? Có phải là máy truyền tin?"
"Nó không phải là máy truyền tin. Nó là cái ra-di-o", Kaịnene dài giọng, vẻ nhạo báng. Cô gái xem xét giấy thông hành đặc biệt của họ, mỉm cười, sửa cái mũ bê rê trên đầu. "Xin lỗi, thưa bà. Nhưng bà nên biết có rất nhiều kẻ phá hoại dùng những dụng cụ kỳ lạ để truyền tin tức về Nigeria. Đề cao cảnh giác là khẩu hiệu của chúng tôi!"
"Tại sao cô giữ người đàn ông đó với chiếc xe vận tải lại?" Kainene hỏi.
"Chúng tôi đuổi những người chạy loạn có mang theo bàn ghế trở lại."
"Tại sao?"
"Di tản như thế chỉ làm rối loạn lòng dân." Cô nói, có vẻ như lặp lại những câu mà cô đã tập dượt từ trước. "Chẳng có gì đáng để phải hoảng sợ như thế."
"Nhưng nếu như chúng ta sắp mất thị trấn này thì sao? Cô có biết ông ta đến từ đâu không?"
Cô ta trở nên lạnh lùng. "Chúc một ngày tốt lành, chào bà."
Anh tài xế vừa nổ máy, Kainene nói, "Quá hài hước phải không anh?".
"Cái gì?" Richard hỏi như thể không biết nàng có ý gì.
"Chúng ta đang gây nên nỗi sợ hãi trong dân chúng. Bom trong áo con của phụ nữ! Bom trong sữa của trẻ con! Kẻ phá hoại ở khắp mọi nơi! Trông chừng con trẻ của mình bởi vì chúng đang làm việc cho Nigeria!"
"Trong chiến tranh, những việc như thế là bình thường." Đôi khi chàng ước là nàng không khó chịu như thế về mọi chuyện. "Điều quan trọng là dân chúng biết có kẻ phá hoại trà trộn vào chúng ta."
"Những kẻ phá hoại, chúng ta chỉ là những người chống đối mà Ojukwu bịa ra và những người mà ông ta thèm muốn vợ của họ. Em đã kể cho anh nghe về một người đàn ông ở Onitsha mua tất cả xi măng chúng ta có trong xưởng ngay sau khi người tị nạn chạy về chưa nhỉ? Ojukwu tư tình với vợ ông ta và ông ta bị bắt mà chẳng có lý do gì cả."
Kainene gõ gõ chân xuống sàn xe. Cái lôi Kainene nói về vị Lãnh Tụ giống y hệt Madu. Thái độ khinh bỉ của nàng không thuyết phục được Richard; chuyện chỉ bắt đầu từ khi Madu than phiền là vị Lãnh Tụ đã gạt bỏ anh ta sang một bên để lập một người dưới quyền của Madu lên làm sĩ quan chỉ huy. Nếu Lãnh Tụ không gạt bỏ Madu, chắc là nàng đã ít phê phán hơn.
"Anh có biết ông ta bắt giam bao nhiêu sĩ quan không? Ông ta nghi ngờ các sĩ quan của mình đến độ dùng dân thường mua vũ khí. Madu nói họ mới vừa mua một số súng có bộ khóa nòng rất tồi ở Âu châu. Thật tình, khi Biafra được thành lập, chúng ta phải hạ bệ Ojukwu."
"Rồi lấy ai thế vào, Madu chăng?"
Kainene bật cười làm chàng vừa ngạc nhiên vừa thích thú là nàng cũng thích cái 101 nói mỉa mai của mình. Linh cảm của chàng bỗng trở lại, một chút quặn thắt trong lòng chàng khi họ tiến đến gần Port Harcourt.
"Dừng lại đây để mua một ít akara và cá rán", Kainene nói với anh tài xế. Lúc này ngay cả cú phanh xe của anh tài cũng làm chàng lo lắng.
Khi họ về đến nhà, Ikejide báo lại là Đại tá Madu đã gọi bốn lần.
"Em hy vọng không có chuyện gì tồi tệ cả", Kainene nói, mở gói giấy báo dính đầy dầu rồi mở bọc cá rán và bánh đậu xanh. Richard lấy một miếng akara vẫn còn đang nóng hổi thổi nguội và tự cho là Port Harcourt vẫn an toàn. Không có gì nguy hiểm cả. Điện thoại reo, chàng nhấc máy và cảm thấy tim mình bắt đầu loạn nhịp khi nghe thấy giọng của Madu.
"Anh có khỏe không? Có chuyện gì xảy ra không?" Madu hỏi.
"Không! Sao anh hỏi thế?"
"Có tin đồn là Anlj cung cấp năm chiến hạm cho Nigeria, vì thế đám thanh niên nổi loạn đốt phá cửa hàng và nhà cửa của người Anh ở khắp Port Harcourt. Tôi muốn biết chắc là các bạn không gặp phiền phức gì. Tôi có thể cử một, hai người của tôi đến canh chừng."
Đầu tiên, Richard cảm thấy bực bội mình vẫn bị xem như là người ngoại quốc có thể bị tấn công, nhưng sau đó chàng thấy cảm động trước sự quan tâm của Madu.
"Chúng tôi ổn cả", chàng nói. "Chúng tôi đi xem căn nhà ở Orlu và mới vừa về đến nhà."
"Thế à. Thế thì tốt rồi. Nhớ gọi cho tôi biết diễn biến tình hình ở đó." Madu ngừng một chút rồi nói nhỏ với một ai đó bên kia đầu dây trước khi anh ta quay lại cuộc chuyện trò. "Anh nên viết về lời phát biểu của ông Đại sứ Pháp ngày hôm qua."
"Tôi nghe kể rằng người Biafra chiến đấu như những anh hùng nhưng bây giờ tôi biết là anh hùng chiến đấu như người Biafra", Madu nói một cách tự hào, làm như những lời khen đó dành tặng riêng cho chính anh ta và anh ta muốn Richard biết thế.
"Vâng, tôi sẽ viết", Richard nhắc lại. "Port Harcourt sẽ vẫn an toàn chứ?"
Ở đầu dây bên kia, Madu im lặng một lúc lâu. "Có một số tên phá hoại loan tin đồn thất thiệt đã bị bắt và tất cả bọn chúng đều là những người thiểu số, không phải dân Igbo. Tôi không hiểu tại sao chúng cứ ngoan cố tiếp tay cho kẻ thù. Nhưng chúng ta sẽ đập tan chúng. Có Kainene ở đó không?"
Richard đưa điện thoại cho Kainene. Điều đáng ghê tởm ở đây là có một số kẻ có thể phản bội Biafra. Chàng nghĩ đến những người Ijaw và Efik mà chàng nói chuyện tại ngân hàng ở Owerri; họ nói là người Igbo sẽ cai quản, khống chế họ sau khi Biafra được thành lập. Richard đã nói với họ là một quốc gia hồi sinh từ đống tro tàn của sự bất công sẽ thực sự hạn chế những điều bất công. Khi họ nhìn chàng với vẻ không tin tưởng, chàng nói cho họ biết là Đại tướng của quân đội là người Efik, một Bộ trưởng là người Ijaw và có những quân nhân là người thiểu số đang chiến đấu dũng cảm cho lý tưởng. Nhưng họ vẫn có vẻ không tin.
Mấy ngày sau, Richard ở nhà. Chàng viết về những buổi họp chợ trong rừng và thường xuyên đứng ở hiên nhà, nhìn ra con đường mòn, sẽ không mấy ngạc nhiên nếu thấy một đám thanh niên tay cầm đuốc chạy thẳng đến một ngôi nhà nào đó. Kainene đã nhìn thấy một căn nhà như thế trên đường nàng đi làm. Đó chỉ là hành động không mấy quyết liệt, nàng có thể nói như thế; họ chỉ làm đen bẩn những bức tường. Richard cũng muốn nhìn thấy chuyện này, viết về nó và có thể móc nối với việc đốt cháy hình nộm của Wiison và Kosygin mà chàng nhìn thấy gần đây ở một công trường của chính quyền. Nhưng chàng chờ một tuần để biết chắc là an toàn được đảm bảo với những người Anh đi trên đường trước khi chàng rời nhà vào sáng sớm để quan sát thành phố.
Chàng ngạc nhiên khi thấy một trạm kiểm soát mới được dựng lên ở đường Aggrey và càng ngạc nhiên hơn khi thấy người gác lại là quân nhân. Có lẽ do những căn nhà bị đốt. Đường sá vắng tanh. Tất cả những tiếng rao bán ồn ào của những người bán hàng rong với lạc, báo và cá rán đều biến mất. Một người lính đứng giữa đường, đong đưa cây súng và ra hiệu cho chàng quay trở lại. Người tài xế dừng xe và Richard trình giấy thông hành đặc biệt. Người lính không chú ý đến giấy tờ và tiếp tục hất súng. "Quay lại! Quay lại!".
"Chào ông", Richard bắt đầu. "Tôi là Richard Churchill và tôi là…"
"Quay trở lại, nếu không tôi bắn! Không ai được quyền rời khỏi Port Harcourt! Không có gì mà phải hoảng loạn cả!"
Tay anh ta lăm lăm khẩu súng. Anh tài xế quay xe lại. Linh cảm khiến chàng như ngạt thở nhưng chàng cố giữ vẻ thản nhiên khi quay về nhà và nói cho Kainene biết chuyện gì đã xảy ra.
"Anh nghĩ chẳng có chuyện gì đâu. Có quá nhiều tin đồn thổi, có thể quân đội chỉ muốn chấm dứt những tin đồn khiến dân chúng hoang mang sợ hãi."
"Chắc chắn đó là cách tốt nhất để làm chuyện ấy", Kainene nói và vẻ thận trọng lại hiện lên trên mặt nàng. Nàng đặt một số giấy tờ vào trong một xấp hồ sơ. "Mình nên gọi Madu để hỏi xem chuyện gì đang xảy ra."
"Đúng", Richard nói. "Anh đi cạo râu. Sáng nay anh không kịp cạo râu."
Chàng nghe tiếng nổ đầu tiên khi đang ở trong nhà tắm. Chàng tiếp tục lướt bình kem cạo râu trên cằm. Tiếng nổ lại vang lên: bùm, bùm, bùm. Khung cửa sổ bị vỡ và mảnh kính còn dính lại rung lanh canh trước khi chúng rơi xuống nền nhà. Một vài mảnh rơi rất gần chân của chàng.
Kainene mở cửa nhà tắm. "Em đã bảo Harrison và Ikejide xếp một ít đồ vào xe", nàng nói. "Mình để chiếc Ford lại và lấy chiếc Peugeot đi."
Richard quay lại nhìn nàng chăm chăm và bật khóc. Chàng ước gì mình cũng bình tĩnh như nàng, ước gì tay mình không run bắn khi rửa. Chàng lấy lọ kem cạo râu, xà phòng của nàng, vài mảnh xốp và bỏ tất cả vào trong một cái túi.
"Richard, nhanh lên, tiếng đạn pháo rất gần rồi", Kainene nói, một loạt tiếng nổ bùm, bùm, bùm lại vang lên. Nàng cho đồ của mình và của chàng vào một va li. Ngăn đựng quần áo và đồ lót của chàng được kéo ra, cách sắp xếp của nàng thật nhanh chóng và điêu luyện. Chàng rà tay lên đống sách xếp hàng trên giá của mình và bắt đầu tìm mớ giấy rời chàng đã viết một số ghi chú về ogbunigwe, bãi mìn nguy hiểm hình thành từ những quả mìn do chính người Biafra chế tạo. Chàng nhớ chắc chắn là mình đã để chúng trên bàn. Chàng nhìn vào trong ngăn bàn.
"Em có thấy giấy tờ của anh không?" Chàng hỏi.
"Chúng ta phải qua con đường chính trước khi bọn chúng đến, Richard." Kainene nói. Nàng nhét hai phong bì căng phồng vào xách tay.
"Mấy cái phong bì ấy là gì thế?"
"Tiền mặt để dùng trong lúc khẩn cấp."
Harrison và Ikejide vào kéo va li ra ngoài. Richard nghe tiếng máy bay ầm ào trên đầu. Điều này không thể là sự thật. Chưa bao giờ Port Harcourt bị không kích cả, mọi việc càng vô lý khi Port Harcourt sắp thất thủ và pháo của kẻ địch đang ở rất gần đây. Nhưng tiếng động ấy thì không thể lẫn vào đâu được, và khi Harrison hét to, "Máy bay của địch, thưa ông!", lời nói của ông ta là quá thừa thãi.
Richard chạy về hướng Kainene nhưng nàng đã chạy ra ngoài cửa, và chàng chạy theo. Nàng nói, "Chạy ra vườn quả!", lúc nàng chạy ngang qua Harrison và Ikejide đang chui người trốn dưới gầm bàn.
Bên ngoài, không khí rất ẩm. Richard nhìn lên và thấy, hai chiếc máy bay đang sà rất thấp, dáng thuôn dài đầy đe dọa của chúng hiện lên rất rõ, hai đường trắng bạc lướt trên bầu trời. Một cảm giác bất lực, căng thẳng, sợ hãi xâm chiếm chàng. Họ nằm bên nhau, dưới tán cam, chàng và Kainene, kề bên nhau trong im lặng; Harrison nằm sát trên mặt đất trong khi Ikejide vẫn còn chạy, thân người lao chúi về phía trước, hai cánh tay khua lên, đầu gật gật. Rồi có một tiếng rít lạnh lẽo của đạn pháo vang lên trong không khí, tiếng nó chạm mặt đất và tiếng nổ rền vang. Richard ôm chặt Kainene vào lòng. Một mảnh pháo bằng bàn tay bay đánh vèo. Ikejide vẫn còn chạy, Richard vội nhìn sang chỗ khác, khi chàng nhìn lại thì cái đầu của Ikejide đã không còn. Thân người vẫn chạy, vẫn lao chúi về phía trước, hai tay vẫn quờ quạng nhưng không còn cái đầu. Chỉ có một cái cổ đẫm máu. Kainene hét lên một tiếng kinh hoàng. Cái thi hài đó ngã vật xuống gần chiếc xe Mỹ dài thòng của nàng, chiếc máy bay bay xa và mất hút trong không trung, họ vẫn còn nằm đó thêm vài phút mà cảm giác dài vô tận, cho đến khi Harrison đứng dậy và nói, "Tôi đi lấy cái túi".
Ông ta trở lại với một cái túi raffia. Richard không nhìn lúc Harrison đi nhặt cái đầu của Ikejide và cho vào trong túi. Sau đó, chàng nắm hai cổ chân, Harrison nắm hai cổ tay của cái xác vẫn còn ấm và lôi, đến một chỗ đất trũng ở cuối vườn quả. Chàng không một lần nhìn thẳng vào xác chết.
Kainene ngồi trên đất nhìn họ.
"Em có sao không?" Richard hỏi nàng. Nàng không trả lời. Trong mắt nàng có một vẻ gì đó trống rỗng như vô hồn, rất kinh hoàng. Richard không biết phải làm gì. Chàng lắc nhẹ người nàng nhưng nàng vẫn như người mất hồn, vì thế chàng đi lấy một gáo nước lạnh hất vào người nàng.
"Thôi đi, Chúa ơi", nàng nói và đứng dậy, "anh làm áo em ướt hết cả rồi".
Nàng lấy một cái áo khác vào trong bếp thay, trước khi họ lên đường đi Orlu. Nàng không còn vội vã; thật chậm rãi, nàng kéo thẳng cổ áo, hai tay vuốt thân áo răn rúm cho phẳng phiu. Những tiếng nổ đinh tai nhức óc vang lên khi Richard lái xe – tiếng bùm-bùm-bùm của đạn pháo và tiếng súng nổ liên hồi – chàng nghĩ rằng sẽ có một tên lính Nigeria bắt họ dừng lại hoặc tấn công hoặc ném một quả lựu đạn vào họ bất cứ lúc nào. Nhưng không có gì xảy ra cả. Đường đông nghẹt người. Trạm kiểm soát đã biến mất. Từ băng ghế sau, Harrison nói bằng một giọng thì thào khiếp sợ, "Chúng dùng tất cả những gì chúng có để chiếm Port Harcourt".
Trên đường đến Orlu, Kainene rất ít lời. Khi đến nơi, không thấy cả bàn ghế lẫn mấy tên thợ mộc; chúng đã biến mất cùng với số tiền ứng trước. Nàng lặng lẽ đến trại tị nạn ở cuối đường và tìm một người thợ mộc khác, một người có nước da tái xanh chỉ muốn được trả công bằng thức ăn. Trong những ngày sau đó, nàng hầu như im lặng, lúc nàng ngồi bên ngoài nhìn người thợ mộc cưa, đóng và bào cho nhẵn.
"Tại sao ông không nhận tiền?" Kainene hỏi ông ta.
"Tiền, tôi có thể mua được gì chứ?" Ông ta hỏi lại.
"Ông phải là một người kỳ cục lắm", Kainene nói. "Ông có thể dùng tiền để mua nhiều thứ lắm."
"Điều đó không đúng ở miền đất Biafra này." Ông ta nhún vai. "Chỉ cần trả cho tôi garri và gạo."
Kainene không trả lời. Một con chim qua, thả một bãi lên hiên nhà; Richard dùng một cái lá điều lau đi.
"Anh biết Olanna nhìn thấy một bà mẹ mang theo cái đầu của đứa con?" Kainene nói.
"Có", Richard trả lời, mặc dù chàng không biết. Nàng chẳng bao giờ kể cho chàng nghe những gì Olanna đã phải chứng kiến trong cuộc thảm sát.
"Em muốn tới gặp cô ấy."
"Em nên đi lắm." Richard hít mạnh một hơi để giúp chàng lấy lại bình tĩnh và nhìn một trong mấy cái ghế vừa được đóng xong. Cạnh của nó rất sắc và xấu xí.
"Làm thế nào mà một mảnh pháo có thể cắt đứt đầu của Ikejide ngọt xớt như thế?" Kainene hỏi, như thể nàng muốn nghe chàng nói với nàng là những điều nàng nhìn thấy đều là ảo giác, từ đầu đến cuối. Chàng ước gì mình có thể làm như thế. Ban đêm, nàng khóc. Nàng bảo nàng muốn nằm mơ thấy Ikejide nhưng mỗi sáng thức dậy, nàng lại nhớ rõ mồn một cái thân thể không đầu đang chạy của anh ta, còn trong miền hư ảo an toàn hơn của giấc mơ, nàng nhìn thấy mình đang hút thuốc bằng một cái tẩu thật sang trọng bằng vàng.
Có một chiếc xe tải nhỏ chở những bao garri đến nhà, Kainene dặn Harrison đừng đụng đến vì phải để dành cho trại tị nạn. Nàng là người cung cấp thực phẩm mới.
"Em sẽ tự mình phân phối thức ăn cho người tị nạn và em sẽ xin Trung tâm Khảo cứu Nông nghiệp một ít phân", nàng nói với Richard.
"Phân?"
"Phân gia súc. Chúng ta có thể lập một nông trại ở trại tị nạn. Chúng ta sẽ tự tăng gia để bổ sung chất đạm, đậu nành và akidi."
"Ồ!"
"Có một người từ Enugu có biệt tài đan rổ rá và làm đèn. Mình phải nhờ ông ta dạy những người khác. Mình có thể kiếm chác ở đây. Mình có thể góp phần làm mọi việc tốt đẹp hơn. Và em sẽ xin Hội Chữ thập đỏ gửi bác sĩ cho chúng ta hàng tuần."
Có một sự thay đổi khác thường nào đó trong con người nàng, trong cái cách nàng rời nhà đi đến trại tị nạn trong ánh mắt u tối khi nàng trở về nhà từ trại tị nạn. Nàng không còn nói đến Ikejide. Thay vào đó nàng nói về hai mươi người sống trong một không gian chỉ đủ cho một người và về những đứa trẻ chơi trò trận giả, những người phụ nữ đang cho trẻ con bú và những linh mục vị tha của dòng Chúa Thánh Lính như linh mục Marcel và linh mục Jude. Nhưng nàng nói về Inatimi nhiều nhất. Ông ta ở trong Lực lượng Chiến đấu cho Tự do của Biafra, người đã mất hết cả gia đình trong cuộc thảm sát và thường xuyên thâm nhập hậu phương của kẻ thù. Ông ta đến để dạy người tị nạn.
"Ông ấy cho rằng việc làm cho dân chúng biết sự nghiệp của chúng ta là chính nghĩa và hiểu tại sao chúng ta chiến đấu là một chuyện rất quan trọng. Em đã nói với ông ấy là đừng có phí thì giờ dạy họ về chế độ phong kiến và Hiệp ước Aburi làm gì. Họ không bao giờ hiểu được đâu. Một số người còn chưa học hết tiểu học. Nhưng ông ta phớt lờ, cứ bỏ thì giờ với mấy nhóm nhỏ." Kainene nói với vẻ kính trọng như thể việc ông ta chẳng để ý đến lời nàng nói càng chứng minh tính cách anh hùng của ông ta nhiều hơn. Chàng đã bắt đầu thấy khó chịu với Inatimi. Trong ý nghĩ của chàng, Inatimi trở nên hoàn hảo, can đảm, kiên cường và cảm thông với những mất mát của ông ta. Cuối cùng chàng cũng có cơ hội gặp ông ta; suýt nữa chàng đã bật cười trước bộ mặt đầy mụn có cái mũi nhỏ như củ tỏi của một người đàn ông nhỏ bé. Nhưng chàng nhận thấy ngay lập tức rằng với Inatimi, Biafra là Thượng Đế. Ông ta là người tin tưởng tuyệt đối vào lý tưởng.
"Khi tôi bị mất hết cả gia đình, là một người đơn độc, bình thường, tôi như được sinh ra lần nữa", Inatimi nhỏ nhẹ nói với Richard. "Tôi là một người mới vì tôi không còn một gia đình để có thể gợi cho tôi nhớ con người cũ của mình."
Các ông linh mục cũng chẳng giống như những gì Richard nghĩ. Chàng ngạc nhiên vì sự vui vẻ ngấm ngầm của họ. Khi họ nói với chàng, "Chúng tôi vô cùng kinh ngạc về những điều tốt đẹp mà Chúa đã tạo ra ở đây", Richarđ muốn hỏi họ tại sao Chúa lại để cho chiến tranh xảy ra. Tuy thế lòng tin của họ làm chàng cảm động. Nếu Chúa có thể làm họ thành thật quan tâm đến người xung quanh một cách vô điều kiện, thì Chúa là một quan niệm có giá trị.
Richard nói chuyện với linh mục Marcel về Chúa trong buổi sáng vị bác sĩ đến. Chiếc xe hiệu Morris Minor đầy bụi có sơn chữ Hội Chữ thập đỏ bằng sơn đỏ. Ngay cả trước khi bà nói, "Tôi là bác sĩ Inyang", chỉ qua cái bắt tay, Richard biết bà là một người thuộc bộ lạc thiểu số. Chàng tự hào là mình có thể nhận dạng một người Igbo. Điều này không liên quan đến vào vẻ bên ngoài của họ, trái lại, đó là một cảm giác quen thuộc.
Kainene dẫn vị bác sĩ đi thẳng vào phòng bệnh, lớp học ở cuối khu phố. Richard đi theo; chàng quan sát trong khi Kainene nói về những người tị nạn nằm trên mấy cáng tre. Một người đàn bà trẻ mang thai ngồi dậy, ôm ngực rồi bắt đầu ho, cơn ho kéo dài không dứt trong lồng ngực nghe rất nặng nề làm người nghe cũng cảm thấy đau đớn.
Bác sĩ Inyang cúi xuống áp tai vào cái ống nghe và hỏi bằng một giọng Anh Pidgin rất hòa nhã, "Cô có khỏe không? Ngày hôm nay thế nào?".
Thoắt một cái, cô gái đang mang thai lùi lại rồi với vẻ căm hờn ghê gớm, nhổ thẳng vào cái trán nhăn nheo của bà bác sĩ. Bãi nước bọt rơi trúng cằm của bác sĩ Inyang.
"Quân khốn kiếp!", cô gái mang thai nói. "Chúng mày không phải dân Igbo, chúng mày đã dẫn kẻ thù đến đây! Hapu m! Chúng mày đã dẫn kẻ thù đến làng của tao!"
Bác sĩ Inyang đưa tay lên cằm lau nước bọt, quá đỗi kinh ngạc. Kainene bước vội đến và tát cô gái mang thai hai cái liền.
"Chúng ta đều là người Biafra! Anyincha bu Biafra!" Kainene nói. "Cô có hiểu không? Chúng ta đều là người Biafra!"
Cô gái có thai buông rơi người trở lại trên giường.
Richard thảng thốt trước sự thô bạo của Kainene. Có cái gì đó rất mong manh dễ vỡ trong con người nàng và chàng sợ chỉ cần một cái đụng nhẹ, nàng có thể vỡ tan thành trăm mảnh. Nàng tự nguyện lao vào công việc này mong xóa nhòa đi ký ức. Chàng sợ là việc này sẽ hủy hoại nàng.
--------------------------------
1 Bệnh còi của trẻ em thiếu dinh dưỡng.
2 Ghetto: Khu người Do Thái hoặc khu người da đen (trong một thành phố). Ở đây chỉ khu người Do Thái ở Warsaw – Ba Lan.
3 Ban-tu: Người da đen ở Nam Phi.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Nửa Mặt Trời Vàng.