Chương 21
-
Reacher báo thù
- Lee Child
- 5652 chữ
- 2020-05-09 04:19:05
Số từ: 5638
Dịch giả: Trần Quý Dương
C.ty Nhã Nam phát hành
NXB Thời Đại
Tôi đã học môn hóa học ở khoảng bảy trường phổ thông. Không có được mấy kiến thức. Chỉ kết thúc môn này với những kiến thức chung chung. Một điều tôi có thể nhớ là kiểu ta bỏ một chút chất bổ sung gì đó vào cái ống thủy tinh và làm cho mọi thứ nổ bùm. Chỉ một chút bột, tạo ra kết quả lớn hơn mức nên có.
Đó là kiểu tôi cảm nhận được với Molly. Trước đây tôi chưa bao giờ gặp người phụ nữ này. Thậm chí chưa bao giờ nghe nhắc đến cô. Nhưng tôi cảm thấy giận dữ, giận khôn tả. Với cô, tôi còn cảm thấy khủng khiếp hơn so với Joe. Chuyện với Joe xảy ra khi anh đang làm nhiệm vụ. Joe đã biết điều đó. Anh sẽ chấp nhận nếu nó xảy ra. Joe và tôi biết về rủi ro và nghĩa vụ ngay từ giây phút chúng tôi có nhận thức. Nhưng Molly thì khác.
Một điều khác tôi nhớ về phòng thí nghiệm hóa học là vấn đề về áp lực. Áp lực biến than thành kim cương. Áp lực dẫn đến nhiều việc. Nó đang gây ra cho tôi nhiều chuyện. Tôi giận dữ và có ít thời gian. Trong tâm trí, tôi đang thấy Molly bước ra khỏi đường dẫn từ cửa máy bay đó. Sải những bước dài, quyết tâm tìm em trai Joe và giúp đỡ anh ta. Nở một nụ cười lớn chiến thắng. Giơ cao chiếc va li chứa những hồ sơ lẽ ra cô đã không nên sao chép. Gặp rủi ro rất lớn. Vì tôi. Vì Joe. Hình ảnh ấy trong tâm trí tôi đang lớn dần như áp lực vô cùng lớn tác động lên vài đường địa chất cổ xưa. Tôi phải quyết định cách sử dụng áp lực ấy. Tôi phải quyết định xem nó sẽ nghiền nát tôi hay biến tôi thành kim cương.
Trong bãi đỗ ngắn hạn của sân bay, chúng tôi đứng dựa vào cản sốc trước của xe Roscoe. Bàng hoàng và im lặng. Chiều thứ Tư, gần ba giờ. Tôi đã nắm chặt lấy cánh tay Finlay. Ông đã muốn ở lại trong kia tham gia điều tra. Ông bảo đó là nhiệm vụ của mình. Tôi phải hét lên với Finlay rằng chúng tôi không có thời gian. Tôi phải dùng sức lôi ông ra khỏi nhà ga. Tôi phải giải ông ra thẳng xe, bởi tôi biết rằng việc chúng tôi sắp làm ngay tới đây sẽ có quyết định sống còn.
"Chúng ta phải đi lấy hồ sơ của Gray," tôi nói. "Đó là điều tốt thứ hai",
Viên thám tử nhún vai. Từ bỏ cuộc đấu.
"Đó là tất cả những gì chúng ta có," ông nói.
Roscoe gật đầu.
"Ta đi thôi," cô bảo.
Cô và tôi đi bằng chiếc Chevy. Trên suốt chặng đường, Finlay lúc nào cũng chạy trước. Roscoe và tôi không nói với nhau lời nào. Nhưng Finlay thì liên tục nói với bản thân. Ông la hét và chửi rủa. Tôi có thể thấy đầu ông hất lên hất xuống trong xe. La hét và chửi rủa với tấm kính chắn gió xe của mình.
Teale đang đợi ngay phía sau những cánh cửa đồn. Lưng tựa vào quầy tiếp tân. Bàn tay già nua đầy nốt đồi mồi nắm chặt gậy chống. Lão trông thấy ba chúng tôi bước vào thì tập tễnh bỏ vào phòng họp lớn. Ngồi xuống bên một cái bàn. Cái gần cửa phòng hồ sơ nhất.
Chúng tôi bước qua lão già vào căn phòng đầy đồ gỗ hồng sắc. Ngồi xuống chờ đợi. Tôi lôi mảnh giấy in đã bị xé của Joe từ túi áo ra đẩy ngang bàn. Finlay lướt qua.
"Không có nhiều, đúng không?" ông nói. "Tiêu đề có ý nghĩa gì? E Unum Pluribus à? Đó là khẩu hiệu hiểu theo nghĩa ngược lại, phải không?"
Tôi gật đầu.
"Nhiều từ một
", tôi nói. "Tôi không hiểu ý nghĩa."
Đội trưởng thám tử nhún vai. Bắt đầu đọc kỹ lại. Tôi quan sát ông nghiên cứu nó. Rồi có tiếng gõ mạnh vào cửa và Baker bước vào.
"Teale đang ra khỏi đồn", ông ta thông báo. "Đang nói chuyện với Stevenson ở khu đậu xe. Các vị cần gì không?"
Finlay đưa cho ông ta mảnh giấy in đã bị xé.
"Phô tô cho tôi một bản, được chứ?"
Baker bước ra ngoài để làm việc ấy còn Finlay gõ những ngón tay lên bàn.
"Tất cả các chữ cái đầu này là những ai nhỉ?" ông nói.
"Chúng ta chỉ biết những người chết", tôi nói. "Hubble và Molly Beth. Hai trong đó là số điện thoại trường đại học. Princeton và Columbia. Cuối cùng là một thám tử dưới New Orleans.
"Còn về ga ra nhà Stoller? Hai người đã xem chưa?"
"Chẳng có gì hết. Chỉ có vài thùng các tông chứa điều hòa nhiệt độ rỗng không từ năm ngoái, khi anh ta chở tới Florida và đánh cắp."
Finlay ậm ừ và Baker quay trở vào. Trả lại mảnh giấy của Joe kèm theo một bản phô tô. Tôi giữ bản gốc và đưa bản phô tô cho Finlay.
"Teale đi rồi" Baker nói.
Chúng tôi vội vã ra khỏi phòng. Thoáng thấy chiếc Cadillac trắng chạy ra khỏi khu đậu xe. Chúng tôi mở cửa phòng hồ sơ.
Margrave là một thị trấn bé xíu ở nơi heo hút nhưng Gray đã dành hai chục năm chồng kín phòng hồ sơ này bằng những đống giấy tờ. Nơi đây có nhiều giấy tờ hơn những nơi tôi đã thấy lâu nay. Cả bốn bức tường đều có những tủ hồ sơ cao đụng trần, cửa tủ sơn trắng tinh. Chúng tôi mở tất cả các cửa tủ. Từng tủ đều xếp đầy các dãy hồ sơ. Trong đó phải có tới cả ngàn chiếc hộp kích thước vừa với giấy A4. Hộp làm bằng sợi thủy tinh, gáy dán nhãn ghi, phía dưới nhãn có vòng dây nhựa để ta có thể kéo các hộp ra khi cần lấy. Bên trái cửa, giá trên cùng là vần A. Bên phải cửa, phía dưới là giá cuối cùng vần z. vần K nằm ở phía tường quay ra cửa, lệch tâm trái một chút, cao ngang tầm mắt. Chúng tôi tìm thấy một hộp dán nhãn "Kliner." Nằm ngay giữa ba hộp dán nhãn "Klan" và một hộp "Klipspringer bang Georgia". Tôi móc một ngón tay vào vòng dây nhựa. Lôi chiếc hộp ra. Nó khá nặng. Tôi đưa cho Finlay. Cả ba chạy ngược lại căn phòng gỗ hồng sắc. Đặt chiếc hộp lên bàn gỗ hồng sắc. Rồi mở ra. Trong này đầy giấy cũ đã ngả vàng.
Nhưng đó không phải loại hồ sơ chúng tôi tìm. Nó chẳng liên quan gì tới Kliner. Chẳng có gì hết. Đó chỉ là một tập ghi nhớ cũ dày tám phân của đồn. Tài liệu công tác. Những thứ lẽ ra phải ném vào thùng rác từ vài thập kỷ rồi. Một lát cắt của lịch sử. Những quy trình cần thực hiện nếu Liên Xô chĩa tên lửa vào Atlanta. Những quy trình cần áp dụng nếu một người đàn ông da đen ngồi ở mấy hàng ghế trước của xe buýt. Một đống linh tinh. Nhưng chẳng tiêu đề nào bắt đầu bằng chữ K. Không một từ nào liên quan tới Kliner. Tôi chăm chú nhìn tập hồ sơ tám phân và cảm thấy áp lực tăng lên.
"Kẻ nào đó đã lấy nó trước chúng ta," Roscoe nói. "Chúng đã lấy hồ sơ của Kliner ra thay thế bằng thứ rác rưởi này."
Finlay gật đầu. Nhưng tôi lại lắc.
"Không," tôi nói. "Không hợp lý tí nào. Nếu thế chúng sẽ lấy đi cả hộp và chỉ cần ném vào thùng rác. Chính Gray đã làm việc này. Ông ấy cần giấu hồ sơ đi nhưng không thể tự buộc được mình phá vỡ trật tự của phòng hồ sơ. Thế nên ông ấy lấy các thứ ra khỏi hộp và bỏ chỗ tài liệu cũ này vào thay. Giữ cho mọi thứ gọn gàng sạch sẽ. Em bảo ông ấy là người rất cẩn thận, phải không?"
Roscoe nhún vai.
"Gray đã giấu à? Có thể ông ấy đã làm việc đó. Ông ấy giấu súng của mình trong bàn em. Ông ấy không ngại giấu các thứ."
Tôi nhìn cô. Điều tôi vừa nói gợi lại điều gì đó rất quen.
"Ông ấy đưa em khẩu súng hồi nào?" tôi hỏi.
"Sau Giáng sinh. Không lâu trước khi ông ấy chết."
"Có gì không ổn ở chuyện đó," tôi nói. "Ông ấy là một thám tử đã làm việc hai mươi lăm năm, đúng không? Một thám tử giỏi. Một người có tuổi, được tôn trọng. Vì sao một người như vậy lại cảm thấy rằng việc chọn một thứ vũ khí không được dùng trong công việc phải là bí mật? Đó không phải vấn đề của ông ấy. Ông ấy đưa cho em chiếc hộp bởi nó chứa thứ gì đó cần giấu",
"Ông ấy giấu khẩu súng. Em đã nói với anh rồi mà."
"Không. Anh không tin thế. Khẩu súng chỉ là vật che mắt, để đảm bảo em giữ chiếc hộp trong ngăn kéo có khóa. Ông ấy không cần giấu khẩu súng. Nếu muốn thì một tay như vậy có thể sở hữu cả một đầu đạn hạt nhân làm vũ khí không dùng trong công việc ấy chứ. Khẩu súng không phải bí mật lớn. Bí mật lớn là thứ khác trong chiếc hộp".
"Nhưng trong hộp không có gì khác", Roscoe nói. "Chắc chắn không có hồ sơ, đúng chứ?"
Chúng tôi đứng yên một lát. Rồi chúng tôi chạy về phía cửa. Lao ra chạy tới chiếc Chevy của Roscoe trong bãi đỗ. Lôi chiếc hộp chứa hồ sơ của Gray ra khỏi thùng. Mở ra. Tôi đưa khẩu Desert Eagle cho Finlay. Kiểm tra hộp chứa đạn. Chẳng có gì. Chẳng có gì khác trong hộp đựng hồ sơ. Tôi lắc chiếc hộp. Kiểm tra nắp đậy. Không có gì. Tôi xé toang chiếc hộp.
Giật các đường dán keo và dàn phẳng lớp bìa cứng. Không có gì. Rồi tôi xé tung nắp đậy. Ẩn dưới nắp phía góc là một chiếc chìa khóa. Được dán vào mặt trong. Nơi không bao giờ bị nhìn thấy. Nơi đã được một người đàn ông đã chết che giấu cẩn thận.
Chúng tôi không biết chiếc chìa của ổ khóa nào. Chúng tôi loại trừ mọi nơi trong đồn. Loại trừ bất kỳ nơi nào trong nhà Gray. Cảm thấy những nơi đó quá lộ, không thể được người đàn ông cẩn thận này lựa chọn. Tôi chằm chằm nhìn chiếc chìa khóa và cảm thấy áp lực tăng lên. Khép hai mắt hình dung cảnh Gray lật cái nắp đó ra dán chiếc chìa khóa vào phía dưới. Đưa chiếc hộp cho cô bạn Roscoe. Nhìn cô bỏ nó vào ngăn kéo. Nhìn ngăn kéo đóng lại. Nhìn cô khóa nó vào. Cảm thấy nhẹ người. Tôi đưa hình ảnh ấy vào một cuốn phim và cho chạy hai lần trước khi nó cho tôi biết ổ khóa ở đâu.
"Một thứ ở tiệm cắt tóc," tôi nói.
Tôi giật khẩu Desert Eagle từ tay Finlay rồi vội vã đẩy ông cùng Roscoe vào xe. Roscoe lái. Cô mở máy, lách ra khỏi bãi đỗ. Rẽ đi hướng Nam, về phía thị trấn.
"Tại sao lại thế?" cô hỏi.
"Trước đây ông ấy hay tới đó. Ba, bốn lần một tuần. Ông già đã bảo anh thế. Gray là người da trắng duy nhất từng vào tiệm đó. Cảm giác đó như lãnh thổ an toàn. Cách xa Teale, Kilner và mọi người khác. Và ông ấy không cần phải vào nơi đó, đúng chứ? Em đã nói rằng ông ấy có bộ râu quai nón mọc lộn xộn, lại không có tóc mà. Ông ấy không đến đó để cắt tóc. Ông ấy tới đó bởi ông ấy quý hai ông già. Ông ấy nhờ đến họ. Đưa cho họ thứ cần giấu."
Roscoe phanh khựng chiếc Chevy trên đoạn phố ngoài tiệm cắt tóc, chúng tôi nhảy ra khỏi xe chạy vào tiệm. Trong tiệm không có khách nào. Chỉ có hai ông già ngồi ở ghế, chẳng làm gì hết. Tôi giơ chiếc chìa khóa lên.
"Chúng tôi đến lấy đồ của Gray," tôi nói.
Ông già ít tuổi hơn lắc đầu.
"Không thể đưa cho cậu, anh bạn ạ," ông nói.
Ông bước tới lấy chiếc chìa khóa từ tay tôi. Bước tới ấn nó vào tay Roscoe.
"Giờ thì chúng tôi có thể", ông bảo. "Ông Gray đã dặn chúng tôi không đưa cho ai ngoài bạn của ông ấy, cô Roscoe."
Ông lại lấy chiếc chìa khóa từ Roscoe. Bước trở lại chậu rửa, cúi xuống mở một ngăn kéo hẹp bằng gỗ gụ gắn phía dưới. Lôi ra ba tập hồ sơ. Đó là những tập hồ sơ dày, mỗi tập đựng trong một kẹp bằng da bò cũ còn lông. Ông đưa một tập cho tôi, một cho Finlay và một cho Roscoe. Rồi ông ra hiệu cho người bạn của mình và họ bước về phía sau. Để riêng chúng tôi ở lại. Roscoe ngồi trên ghế băng cạnh cửa sổ. Finlay và tôi nhảy lên ghế cắt tóc. Đặt hai chân lên giá để chân bằng crôm. Bắt đầu đọc.
Tập hồ sơ của tôi là một xấp dày báo cáo của cảnh sát. Tất cả đều là tài liệu được sao chụp và gửi bằng fax. Bị làm mờ hai lượt nhưng tôi có thể đọc. Đó là hồ sơ do thám tử James Spirenza, đội 15 Phòng Điều tra án mạng Cảnh sát New Orleans lập. Spirenza được chỉ định làm thám tử điều tra án mạng cách đây tám năm. Rồi được chỉ định làm thêm bảy năm nữa. Ông kết thúc với một vụ liên quan tới tám người chết. Ông không làm rõ được trường hợp nào. Không một vụ nào. Thất bại hoàn toàn.
Nhưng ông đã rất cố gắng. Cuộc điều tra của ông rất tỉ mỉ. Rất nhiều công sức. Nạn nhân thứ nhất là chủ sở hữu một nhà máy dệt. Một chuyên gia, liên quan tới một công thức hóa học mới để xử lý bông. Nạn nhân thứ hai là quản đốc của người thứ nhất. Ông này đã rời bỏ nhà máy của nạn nhân thứ nhất và cố gắng huy động tiền đầu tư ban đầu để xây dựng doanh nghiệp của riêng mình. Sáu nạn nhân tiếp theo là viên chức chính phủ. Người của Cơ quan bảo vệ môi trường. Khi ấy họ thực hiện một cuộc điều tra từ văn phòng tại New Orleans. Vụ đó liên quan tới tình trạng ô nhiễm ở vùng châu thổ sông Mississippi. Cá chết. Nguyên nhân được phát hiện nằm ở khu vực cách đó hai trăm năm mươi dặm về phía thượng nguồn. Một nhà máy xử lý và dệt bông ở bang Mississippi thải hóa chất xuống nước, trong đó có natri hydroxide, natri hypochlorite và clo, các thành phần này hòa vào nước sông tạo thành hợp chất axit cực độc.
Cả tám nạn nhân đều chết cùng một kiểu. Hai phát bắn vào đầu bằng súng ngắn tự động giảm thanh. Một khẩu nòng cỡ .22. Gọn ghẽ và lạnh lùng. Sprienza nhận định rằng thủ phạm là bọn giết người chuyên nghiệp. Ông lần theo các sát thủ theo hai cách. Ông tìm tới mọi sự hỗ trợ có thể kêu gọi được. Trên thực tế thì lực lượng giết thuê chuyên nghiệp khá nhỏ. Spirenza và các đồng nghiệp đã nói chuyện với tất cả những tay đó. Chẳng kẻ nào trong số đó biết gì. Cách thứ hai của Sprienza là phương pháp cổ điển. Tìm ra xem kẻ nào hưởng lợi từ những vụ hành quyết. Ông không mất nhiều thời gian để chắp nối thông tin. Kẻ sở hữu cơ sở xử lý và dệt bông trên bang Mississippi có vẻ đáng nghi. Khi ấy hắn nằm trong vòng vây của tám nạn nhân. Hai trong đó tấn công bằng con đường thương mại. Sáu người còn lại đe dọa đóng cửa cơ sở của hắn. Sprienza nghiên cứu hắn tỉ mỉ. Lộn hết gan ruột hắn ra. Hắn bị soi suốt một năm. Những hồ sơ trong tay tôi chứng tỏ điều đó. Sprienza đã huy động FBI và IRS (Intemal Revenue Service: Cơ quan thuế liên bang
). Họ đã rà soát từng xu trong mọi tài khoản để tìm những khoản thanh toán bằng tiền mặt không thể giải thích trả cho sát thủ lẩn trốn. Họ đã tìm suốt một năm mà không phát hiện được gì. Trong quá trình ấy, họ gặp những chuyện rất ghê tởm. Sprienza tin rằng tay sát thủ đã giết vợ mình. Nhận định của ông là hắn đã dùng tay không đánh vợ đến chết. Kẻ đó đã cưới vợ khác, Sprienza đã gửi fax cảnh báo cho cơ quan cảnh sát địa phương. Đứa con trai duy nhất của tên đó là một đứa tâm thần. Theo quan điểm của Sprienza thì nó còn tệ hơn bố. Một tên tâm thần máu lạnh. Kẻ sở hữu cơ sở xử lý và dệt bông đã bảo vệ con trai mình trong mọi bước đi. Che chắn cho nó. Dùng tiền để tránh cho nó khỏi rắc rối. Cả chục cơ quan khác nhau có hồ sơ về đứa con trai. Nhưng chẳng có gì nổi bật cả. FBI New Orleans đã hết quan tâm. Sprienza đã khép vụ án lại. Quên nó đi cho tới tận khi một thám tử già ở một đơn vị vô danh của bang Georgia gửi fax cho ông, đề nghị cung cấp thông tin về gia đình Kliner.
Finlay đã gập tập hồ sơ của mình lại. Xoay chiếc ghế cắt tóc để đối diện với tôi.
"Quỹ Kliner là quỹ ma," ông nói. "Hoàn toàn giả mạo. Nó là bình phong cho hoạt động gì đó khác. Tất cả đều có trong này. Gray đã mở toang nó. Kiểm tra sổ sách hết từ trên xuống dưới. Hằng năm quỹ ấy tiêu nhiều triệu đô la nhưng thu nhập được kiểm toán lại bằng 0. Chính xác là 0."
Ông chọn một trang trong tập hồ sơ. Ngả người. Đưa nó cho tôi. Đó là một bản quyết toán thể hiện những khoản chi phí của Quỹ.
"Thấy không?" đội trưởng thám tử hỏi. "Không thể tin nổi. Đó là những gì chúng chi".
Tôi nhìn bản quyết toán. Bản này ghi lại một con số khổng lồ. Tôi gật đầu.
"Có lẽ cao hơn thế nhiều", tôi nói. 'Tôi đã ở đây được năm ngày, đúng không? Trước đó tôi đã đi khắp đất nước trong sáu tháng. Trước đó thì tôi đi khắp thế giới. Cho tới nay Margrave là nơi sạch sẽ nhất, được chăm sóc tốt nhất, được sửa sang ổn nhất mà tôi từng thấy. Nó còn được chăm sóc tốt hơn cả Lầu Năm góc hay Nhà Trắng. Tin tôi đi, tôi đã từng ở những nơi đó. Mọi thứ ở Margrave hoặc mới tinh hoặc được trùng tu một cách hoàn hảo. Nó hoàn toàn hoàn hảo. Hoàn hảo đến mức đáng sợ. Làm được thế phải mất một số tiền khổng lồ".
Finlay gật đầu.
"Và Margrave là một nơi rất kỳ lạ", tôi nói. "Hầu như lúc nào cũng không thấy người. Chẳng có sự sống. Trong cả thị trấn chẳng có hoạt động kinh doanh nào. Chẳng bao giờ có gì diễn ra. Không ai kiếm tiền cả."
Viên cảnh sát trông ngơ ngác. Không hiểu.
"Nghĩ về điều đó đi," tôi bảo. "Lấy tiệm ăn Eno làm ví dụ nhé. Nhà hàng mới toanh. Tiệm sáng sủa, hiện đại. Nhưng ông ta chẳng bao giờ có khách hàng nào. Tôi từng ở đó vài lần. Ở nhà hàng ấy chẳng bao giờ có quá đôi ba người. Số nhân viên phục vụ nhiều hơn số khách hàng. Vậy Eno thanh toán các hóa đơn như thế nào? Tổng chi phí thế nào? Thế chấp ra sao? Mọi thứ trong thị trấn cũng như vậy. Ông đã bao giờ trông thấy những hàng khách tấp nập ra vào bất kỳ cửa hiệu nào chưa?"
Finlay nghĩ về điều đó. Lắc đầu.
"Với tiệm cắt tóc này cũng vậy", tôi tiếp. 'Tôi đã tới đây vào sáng Chủ nhật và sáng thứ Ba. Ông già cao tuổi hơn bảo tôi rằng giữa hai ngày đó họ không có khách hàng nào. Không có khách hàng nào trong vòng bốn mươi tám tiếng."
Đến lúc này thì tôi ngừng nói. Tôi nghĩ về điều khác mà ông già đã nói. Ông già xương xẩu đó. Đột nhiên tôi nghĩ về điều đó theo hướng mới.
"Ông già cắt tóc", tôi nói. "Ông ấy đã nói với tôi một chuyện. Rất kỳ quặc. Tôi nghĩ là ông ấy điên. Tôi hỏi ông ấy làm sao họ có thể kiếm sống khi không có khách hàng nào. Ông ấy bảo họ không cần khách hàng để sống do có tiền nhận từ Quỹ Kliner. Thế nên tôi hỏi tiền nào? Ông ấy nói là một ngàn đô. Ông già bảo rằng mọi người kinh doanh đều nhận tiền ấy. Thế nên tôi cho là ý ông ấy muốn nói tới một dạng trợ cấp kinh doanh, một ngàn đô một năm, đúng chứ?"
Finlay gật đầu. Nghe có vẻ đúng với ông.
"Lúc ấy tôi chỉ tán gẫu", tôi nói. "Kiểu như ông vẫn làm ở tiệm cắt tóc. Thế nên tôi bảo rằng một ngàn đô một năm thì tốt, nhưng sẽ không ngăn được cái đói, điều gì đó đại loại thể, phải không? Ông biết lúc ấy ông già nói gì không?''
Viên thám tử lắc đầu chờ đợi. Tôi tập trung vào việc nhớ chính xác những từ ông già cắt tóc đã nói. Tôi muốn xem liệu Finlay có phủ nhận nó một cách dễ dàng như tôi đã làm hay không.
"Ông ấy làm ra vẻ đó là bí mật lớn," tôi nói. "Kiểu như ông ấy lỡ lời khi đề cập chuyện đó. Ông ấy thì thầm với tôi. Ông già bảo rằng ông ấy không nên nói cho tôi, nhưng sẽ nói bởi tôi biết chị ông ấy."
"Ông biết chị ông ấy hả?" Finlay hỏi. Đầy ngạc nhiên.
"Không, tôi không biết. Ông ấy cứ lẩn thẩn thế nào ấy. Hôm Chủ nhật tôi đã hỏi ông ấy về Blake Mù, ông biết rồi đấy, nhạc công ghi ta già, và ông ấy bảo rằng sáu mươi năm trước chị gái ông ấy quen Blake. Kể từ khi ấy ông già lẫn lộn, chắc chắn nghĩ rằng tôi đã nói có quen biết chị ông ấy."
"Thế bí mật lớn là gì?"
"Ông ấy bảo không phải một ngàn đô một năm. Ông ấy nói là một ngàn đô một tuần".
"Một ngàn một tuần à? Một tuần hả? Có thể thế chăng?"
"Tôi không biết," tôi nói. "Lúc ấy tôi cho là ông già điên. Nhưng bây giờ tôi nghĩ ông ấy nói sự thật."
"Một ngàn một tuần à?" Firtlay nhắc lại. "Đó là khoản trợ cấp kinh doanh kinh khủng. Thế là năm mươi hai ngàn đô một năm. Đó là khoản lớn lắm đấy, Reacher."
Tôi nghĩ về điều đó. Chỉ vào con số tổng trong bản kiểm tra sổ sách của Gray.
"Chúng cần những con số như thế," tôi nói. "Nếu đây là mức chúng tiêu, chúng sẽ cần tới số tiền như thế để trang trải toàn bộ."
Finlay đang trầm ngâm. Suy nghĩ kỹ về chuyện này. "Chúng đã mua đứt cả thị trấn", viên thám tử nói. "Một cách rất từ từ, rất nhẹ nhàng. Chỗ này chỗ kia, chúng đã mua cả thị trấn với giá một ngàn đô một tuần."
"Đúng. Quỹ Kliner đã trở thành con gà đẻ trứng vàng. Chẳng ai mạo hiểm giết con gà đó. Họ ngậm miệng và làm ngơ trước bất cứ chuyện gì cần làm ngơ."
"Phải. Quỹ Kliner có thể thoát tội giết người".
Tôi nhìn Finlay.
"Chúng đã thoát tội giết người",
"Vậy chúng ta phải làm gì?" Finlay hỏi.
"Trước hết chúng ta tìm ra chính xác là chúng đang làm gì, tôi nói.
Viên thám tử nhìn như thể tôi điên.
"Chúng ta biết việc chúng đang làm, đúng không?" ông nói. "Chúng đang in cả đống tiền trong nhà kho đó."
Tôi lắc đầu.
"Không, không phải. Không có hoạt động in tiền giả một cách nghiêm chỉnh ở nước Mỹ. Joe đã chặn đứng hoàn toàn việc ấy. Nơi duy nhất có hoạt động đó là nước ngoài."
"Vậy chuyện gì đang diễn ra? Tôi nghĩ chuyện này hoàn toàn liên quan tới tiền giả. Nếu như không thế thì tại sao Joe liên quan?"
Roscoe từ ghế băng cạnh cửa sổ nhìn sang chúng tôi. "Chuyện này hoàn toàn liên quan tới tiền giả", cô nói. "Em biết chính xác nó liên quan tới điều gì. Từng chi tiết nhỏ." Một tay cô giơ lên tập hồ sơ của Gray. "Một phần của câu trả lời nằm trong này," cô nói. Rồi tay kia giơ lên tờ nhật báo của hai ông già cắt tóc. "Và phần còn lại của câu trả lời nằm trong này," cô tiếp.
Finlay và tôi bước tới Roscoe bên ghế dài. Xem kỹ hồ sơ cô đang đọc. Đó là báo cáo trinh sát. Gray đã nấp phía dưới giao lộ ở quốc lộ quan sát các xe tải vào ra khu nhà kho. Trong ba mươi hai ngày riêng rẽ. Kết quả được liệt kê một cách cẩn thận, chia làm ba phần. Trong mười một ngày đầu tiên, Gray thấy mỗi ngày có một xe tải từ phía Nam tới, xuất hiện lúc sáng sớm. Trong suốt cả ngày ông thấy các xe tải chạy ra, hướng về phía Bắc và phía Tây. Gray đã liệt kê các xe tải đi căn cứ vào điểm đến bằng cách dựa vào biển đăng ký. Chắc chắn viên thám tử này đã dùng ống nhòm. Danh sách điểm đến trải khắp khu vực. Từ California lên mạn trên và tới tận Massachusens. Trong mười một ngày đầu tiên ấy, Gray đã ghi lại mười một xe tải tới và sáu mươi bảy chiếc chạy đi. Trung bình mỗi ngày một xe tới và sáu xe nhỏ chạy ra, có lẽ mỗi tuần một tấn hàng.
Mục đầu tiên trong bảng Gray liệt kê kết quả năm đầu tiên. Mục thứ hai liệt kê kết quả năm thứ hai. Ông đã bí mật thực hiện chín lần riêng rẽ. Gray đã quan sát thấy năm mươi ba xe tải chạy từ nhà kho đi, cũng sáu chiếc một ngày như trước đó, với danh sách điểm đến tương tự. Nhưng bảng theo dõi các xe tới thì khác. Trong nửa đầu tiên của năm, mỗi ngày một xe tới, như bình thường. Nhưng trong nửa cuối năm, lượng hàng chuyển tới tăng lên. Số xe lên tới hai xe mỗi ngày.
Mười hai ngày cuối của đợt trinh sát lại khác. Mười hai ngày này đều thuộc năm tháng cuối cùng trong cuộc đời Gray. Từ mùa thu năm ngoái tới tháng Hai năm nay, ông vẫn liệt kê mỗi ngày khoảng sáu chiếc xe tải chạy tới các điểm đến trên một phạm vi rộng như trước. Nhưng chẳng hề có xe nào đến. Chẳng một chiếc nào. Kể từ mùa thu năm ngoái, chỉ có đồ chuyển đi mà không có gì chuyển đến.
"Thế thì sao?" Finlay hỏi Roscoe.
Nữ cảnh sát ngồi thẳng lên mỉm cười. Cô đã suy luận ra hết.
"Rõ ràng rồi, đúng chứ?" cô nói. "Bọn chúng chuyển tiền giả vào đất nước này. Tiền được in ở Venezuela, ở một nơi Kliner đã xây dựng cùng nhà máy hóa chất mới của lão. Chúng được chở tới bằng tàu, rồi được xe chở từ Florida tới nhà kho ở Margrave. Rồi chúng dùng xe tải chở về phía Bắc và phía Tây, tới các thành phố lớn như Los Angeles, Chicago, Detroit, New York, Boston. Chúng bơm số tiền đó vào dòng tiền mặt ở các thành phố lớn. Đó là một mạng lưới phân phối tiền giả quốc tế. Thế rõ rồi, Finlay."
"Thật sao?" đội trưởng thám tử nói.
"Tất nhiên là thế. Hãy nghĩ về Sherman Stoller. Anh ta lái xe ngược xuôi tới Florida để đón chiếc tàu từ ngoài biển vào, đón ở Jacksonville Beach. Đang trên đường tới đón chiếc tàu đó thì anh ta bị bắt trên cầu do lỗi vượt tốc độ, đúng không? Đó là lý do Sherman kích động đến thế. Đó là lý do anh ta gọi được tay luật sư ngông cuồng nhanh đến thế, phải không?"
Finlay gật đầu.
"Tất cả đều khớp," Roscoe tiếp. "Hãy nghĩ về bản đồ nước Mỹ. Tiền được in ở Nam Mỹ, chuyển tới đây bằng đường biển. Cập bến ở Florida. Chạy lên phía Đông Nam, rồi được phân chia từ Margrave. Chảy về Los Angeles ở phía Tây, lên Chicago ở miền Trung, New York và Boston ở phía Đông. Nhiều nhánh riêng, đúng không? Nó giống như một cây đèn nến hay một cây đèn nhiều nhánh. Ông biết cây đèn nhiều nhánh là gì chứ?"
"Chắc chắn biết," Finlay đáp. "Đó là đèn nến có giá đỡ mà người Do Thái dùng."
"Đúng. Trên bản đồ sẽ như thế. Từ Florida về Margrave là thân. Rồi các nhánh riêng tỏa ra, vươn về các thành phố lớn, Los Angeles lên Chicagro tới Boston. Đó là một mạng lưới nhập khẩu đấy, Finlay."
Roscoe đang hỗ trợ Finlay rất nhiều. Đôi tay cô đang vẽ trong không khí các hình đèn nhiều nhánh. Tôi thấy có thể hiểu cách bố trí theo đặc điểm địa lý. Có lý. Một dòng hàng nhập khẩu, chuyển bằng xe tải lên phía Bắc, từ Florida. Nó cần dùng hệ thống quốc lộ quanh Atlanta để chia thành các nhánh và hướng về các thành phố lớn ở phía Bắc và phía Tây. Ý tưởng về cây đèn nhiều nhánh thật hay. Nhánh trái của cây đèn nến sẽ phải uốn cong theo hướng nằm ngang, để vươn tới Los Angeles. Kiểu như ai đó đánh rơi thứ gì đó và người khác vô tình giẫm lên. Nhưng ý tưởng ấy có lý. Gần như chắc chắn Margrave là điểm chốt. Gần như chắc chắn nhà kho ấy thực sự là trung tâm phân phối. Cách bố trí theo đặc điểm địa lý phù hợp. Dùng một nơi khỉ ho cò gáy như Margrave làm trung tâm phân phối là điều thật khôn ngoan. Và chúng sẽ có một số lượng tiền mặt khổng lồ. Điều đó thì chắc chắn. Tiền giả, nhưng sẽ tiêu như tiền thật. Và có rất nhiều. Bọn chúng vận chuyển mỗi tuần một tấn. Đó là hoạt động mang tính công nghiệp. Cực lớn. Điều đó lý giải cho những khoản chi khổng lồ của Quỹ Kliner. Nếu có bất kỳ khi nào thiếu tiền, bọn chúng sẽ in thêm. Nhưng Finlay vẫn chưa tin.
"Thế còn mười hai tháng qua thì sao?" ông nói. "Không hề có đợt nhập nào. Hãy xem bảng liệt kê của Gray. Các đợt chuyển hàng tới không diễn ra. Chúng đã ngừng cách đây đúng một năm. Nhưng chúng vẫn đang phân phối thứ gì đó. Mỗi ngày vẫn có sáu xe tải chạy đi. Không có gì đến nhưng một ngày sáu xe chạy đi à? Thế nghĩa là gì? Đó là dòng hàng nhập nào?"
Roscoe chỉ nhăn nhở với Finlay và cầm tờ báo lên.
"Câu trả lời nằm trong này," cô nói. "Nó đã được đăng trên báo từ thứ Sáu. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển. Tháng Chín năm ngoái họ đã bắt đầu chiến dịch lớn chống buôn lậu, đúng chứ? Trước đó đã có rất nhiều thông tin công khai. Chắc chắn Kliner phải biết chuyện ấy sắp diễn ra. Thế nên hắn tích trữ hàng trước. Thấy bản liệt kê của Gray không?
Trong vòng sáu tháng trước tháng Chín năm ngoái, hắn đã cho tăng gấp đôi lượng hàng chuyển đến. Hắn đã tích trữ hàng trong nhà kho đó. Hắn tiếp tục phân phối suốt cả năm. Đó là lý do chúng lo sợ bị bại lộ. Chúng đã ngồi trên một đống tiền giả khổng lồ suốt một năm. Bây giờ Lực lượng Bảo vệ Bờ biển sắp ngừng chiến dịch của họ, đúng không? Thế nên chúng lại có thể nhập hàng như bình thường. Đó là điều sắp diễn ra vào Chủ nhật. Đó là ý cô Molly tội nghiệp muốn nói khi bảo rằng chúng ta phải đột nhập vào đó trước Chủ nhật. Chúng ta phải đột nhập nhà kho đó khi số tiền giả còn lại vẫn nằm trong ấy."